Ngăn chặn người tâm thần gây án

18/11/2024 - 12:58

PNO - Nhiều thảm án do người tâm thần gây ra tại thời điểm bị rối loạn tâm lý, mà nạn nhân chính là người thân trong gia đình.

Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, chỉ vài tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản… mà đối tượng gây án là người bị rối loạn tâm thần hoặc biểu hiện loạn thần (ảo giác, hoang tưởng).

Những hành động như tấn công người, tự làm hại bản thân hay những vụ án do người tâm thần gây ra đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và bất ngờ về mức độ nghiêm trọng. Nhưng đau lòng và xót xa hơn cả là những thảm án mà người tâm thần gây ra lại làm hại chính người thân của mình, trong những thời điểm bản thân họ bị rối loạn về tâm lý, không đủ khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi.

Đối tượng Đào Việt Đức tại cơ quan công an
Đối tượng Đào Việt Đức tại cơ quan công an

Gần nhất, sáng 28/10, tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến 2 người tử vong. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định đối tượng gây án là Hà Quốc Dương (sinh năm 1991, trú tại xã Kim Thượng) - đối tượng thuộc diện tâm thần hưởng chế độ bảo trợ xã hội từ tháng 6/2022. Dương đang được trạm y tế xã quản lý và cấp thuốc hàng tháng theo chỉ định của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ.

Cũng trong tháng 10, vụ án giết người xảy ra tại phường Minh Nông, TP Việt Trì gây xôn xao dư luận cả nước khi Đào Việt Đức (sinh năm 1992, trú phường Minh Nông) sát hại bố đẻ rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ án mà đối tượng gây án là người bị rối loạn tâm thần hoặc biểu hiện loạn thần. Hành vi bột phát của những người này để lại hậu quả đặc biệt nguy hiểm, không thể dự báo trước.

Công an tỉnh Phú Thọ dẫn thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho thấy, hiện có 3.776 người bệnh tâm thần được quản lý tại cộng đồng. Ngoài ra, theo Sở LĐ-TBXH Phú Thọ, tỉnh đang có gần 6.800 người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Lực lượng chức năng đều nhận định việc phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án khá khó khăn bởi họ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào.

Công an tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất xảy ra các vụ án do đối tượng bị bệnh tâm thần gây ra không thuộc về trách nhiệm của riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Với các gia đình, khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh, hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh cần sớm đưa đi khám, điều trị; không nên giấu bệnh nhân ở nhà hoặc tìm đến các thầy cúng, thầy bói.

"Càng sớm điều trị, người bệnh càng nhanh chóng ổn định tâm lý, kiểm soát được hành vi, việc làm của mình và tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra" - công an khuyến cáo.

Với chính quyền địa phương, công an tỉnh Phú Thọ cho rằng cần rà soát, nắm danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần để đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh; cần quan tâm giúp đỡ các hộ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng, điều trị đúng cách.

Đồng thời, cơ quan chức năng phối hợp với gia đình người bệnh siết chặt quản lý, có giải pháp cách ly đối tượng bị tâm thần một cách hợp lý, không để họ tiếp xúc với các vật dụng, công cụ, vũ khí nguy hiểm.

"Người bệnh tâm thần không được điều trị đúng cách, bệnh trở nặng thì chỉ cần một kích động nhỏ hay phát bệnh sẽ không kiểm soát được hành vi" - cơ quan công an khuyến nghị.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI