Ngăn chặn bạo lực từ gốc

21/10/2022 - 06:35

PNO - Mỗi khi có một vụ học sinh đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận lại bàng hoàng, lo lắng. Nhưng rồi, số vụ học sinh đánh nhau ngày càng nhiều hơn và tính chất vụ việc cũng nghiêm trọng hơn.

Chỉ trong mấy tháng đầu của năm học 2022-2023, đã xảy ra hàng loạt vụ học sinh đánh nhau. Mới đây, một học sinh lớp 12 ở tỉnh Hà Tĩnh đang trên đường đi học về thì bị bạn cùng trường đâm chết. Các vụ nữ sinh lột đồ, đánh bạn tàn bạo cũng không còn hiếm. Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi tháng 4/2022, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. 

Gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong việc ngăn chặn bạo lực học đường
Gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong việc ngăn chặn bạo lực học đường (ảnh minh họa)

Trong hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” diễn ra tại TP.Đà Nẵng vào cuối tháng 9/2022 với sự tham gia của 400 hiệu trưởng trong cả nước, vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ) đã làm nóng các phiên thảo luận. 

Nói về nguyên nhân, giáo sư Peck Cho đến từ Đại học Korea (Seoul, Hàn Quốc) - Cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc - phân tích, vấn nạn BLHĐ là do những tổn thương mà trẻ phải gánh chịu và mang đến trường. Những đứa con không thể kết nối được với cha mẹ, mất niềm tin, lo lắng… trong thời gian phát triển, khi lớn dần lên, chúng bắt đầu thể hiện những rối loạn, tổn thương về tâm lý ra bên ngoài.

Nhiều hiệu trưởng tham dự hội thảo đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ là do hoàn cảnh gia đình, như cha mẹ ly hôn, cha mẹ quá bận rộn, căng thẳng, cha mẹ chưa phải là những tấm gương tốt… Thêm vào đó, học sinh có tâm lý của lứa tuổi mới lớn, dễ nổi loạn, dễ theo bạn bè xấu. Gần đây, nhiều bạn trẻ thấy người khác đăng tải hình ảnh, clip đánh nhau lên mạng nên cũng thử bắt chước, thể hiện mình.

BLHĐ bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, từ môi trường xã hội, từ gia đình, nhà trường và từ chính các em học sinh - nhất là các em ở độ tuổi “nổi loạn”. Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, học sinh còn bị những rối nhiễu tâm lý do áp lực học tập. Nhiều em gặp khó khăn trong học tập do khối lượng nội dung quá nhiều. Các em còn chịu áp lực lớn về thi cử.

Sự bùng nổ của mạng xã hội làm cho BLHĐ càng biến tướng, khó lường. Trong khi đó, công tác tư vấn tâm lý ở các trường lại chưa chuyên nghiệp, chưa nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm của học sinh.

Với mỗi vụ BLHĐ, ai cũng thông cảm với nạn nhân và phê phán người bắt nạt. Thế nhưng, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, thực chất, người đi bắt nạt cũng cần được giúp đỡ bởi các em cũng đang có những đau khổ, ức chế nào đó phải kìm nén, chịu đựng trong một thời gian dài. Do đó, BLHĐ cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện để tìm ra giải pháp ngăn chặn.

Giáo sư Peck Cho nói: “BLHĐ là vấn nạn nghiêm trọng. Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói là, không có giải pháp nào dễ dàng cho vấn nạn này. Nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay các nước châu Âu thì BLHĐ ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn bắt đầu và tôi nghĩ, những năm tiếp theo, nó còn tồi tệ hơn nữa. Vậy nên, hãy làm ngay những điều có thể, kể cả những điều nhỏ nhất”. 

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch phòng, chống BLHĐ với nhiều giải pháp như: đẩy mạnh việc tuyên truyền; tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống BLHĐ vào một số môn học và hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong công tác phòng, chống BLHĐ…

Ngăn chặn BLHĐ phải gắn trách nhiệm từ nhiều phía, gồm học sinh, thầy cô, nhà trường, xã hội, nhưng trước hết và quan trọng nhất vẫn là từ gia đình. Gia đình phải là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp cho trẻ, cũng là nơi để trẻ gửi gắm tâm sự và cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc mà trẻ gặp phải. Việc tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc từ gia đình đến học đường và xã hội là cách tốt nhất để giải quyết gốc rễ của BLHĐ.

Diệu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI