Ngăn cản quyền tự chủ tuyển sinh: Bộ GD-ĐT đang làm sai luật!

11/03/2013 - 17:01

PNO - PN - Hiệp hội (HH) các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) đòi bỏ điểm sàn, bỏ thi “ba chung”, trả việc tuyển sinh về cho các trường tự quyết định theo một trong ba phương thức: thi tuyển, xét tuyển (dựa trên điểm thi tốt...

Trước tiên phải thấy rằng, những kiến nghị của HH các trường ĐH NCL là hoàn toàn hợp lý và hợp lẽ. “Hợp lý” là bởi ở mục 2 - điều 34 Luật Giáo dục đại học (GDĐH) quy định về tổ chức tuyển sinh, xác định rõ: a/ Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; b/ Cơ sở GDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Luật GDĐH có hiệu lực từ 1/1/2013, đến tháng 8/2013 việc tuyển sinh mới diễn ra. Vậy hà cớ gì Bộ lại cứ trì hoãn thực hiện Luật? Còn “hợp lẽ” là bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đều do Bộ tổ chức trên quy mô quốc gia, nội dung kiến thức thi giống nhau, chủ yếu ở lớp 12, nhưng chỉ diễn ra cách nhau một tháng, vậy tại sao không gộp làm một để thí sinh và các trường ĐH bớt khổ.

Ngan can quyen tu chu tuyen sinh: Bo GD-DT dang lam sai luat!

Ảnh chỉ có tính minh hoạ (nguồn: internet)

Lý lẽ để Bộ biện hộ cho việc trì hoãn giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường là sợ dư luận sẽ lo ngại về chất lượng đầu vào ở những trường này và chất lượng đầu ra của sinh viên có được xã hội chấp nhận không? Vẫn là một kiểu lý luận nhập nhằng, đánh đồng giữa đầu vào và đầu ra; là một kiểu tư duy ngược: siết chặt “đầu vào” để có chất lượng (?), thay vì phải siết chặt “đầu ra”. Thực tế thì dư luận có quan tâm đến “đầu vào”, thậm chí là quan tâm một cách thái quá. Tâm lý này được tạo ra bởi ở nước ta người học chưa bao giờ được tạo điều kiện vào học ĐH một cách dễ dàng! Hơn nữa, giáo dục ĐH lâu nay thường ít chú trọng “đầu ra” nên “đầu vào” trở nên “có giá”. Nhưng nếu “đầu vào” được nới lỏng mà chất lượng “đầu ra” vẫn tốt thì dư luận đương nhiên sẽ rất hoan nghênh.

Bộ “hứa” đến sau năm 2015, khi sách giáo khoa mới được triển khai, chất lượng GD phổ thông được cải thiện, Bộ mới tính đến việc cho các trường xét tuyển ĐH dựa vào kết quả thi tốt nghiệp. Nếu đúng quy trình, sau khi triển khai sách mới, phải 12 năm sau chúng ta mới có một thế hệ HS mới. Chẳng lẽ các trường phải chờ Bộ đến lúc đó? Cũng không ai dám chắc đến lúc đó chất lượng GD phổ thông sẽ tốt hơn!

Như những ngư dân được giao chỉ tiêu đánh bắt, nhưng lại không được cấp ngư trường, các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH NCL, trong nhiều năm qua cũng được Bộ GD-ĐT cấp chỉ tiêu, nhưng lại bị ràng buộc bởi “ba chung” và “điểm sàn”. Giờ đây, khi Luật đã quy định rõ ràng, Bộ lại viện cớ “lo ngại chất lượng cho các trường”. Nhưng, Luật đâu buộc Bộ phải lo việc ấy! Đó là trách nhiệm sống còn của các cơ sở đào tạo, nếu các trường đào tạo dễ dãi, đầu ra không chất lượng, sẽ bị xã hội quay lưng. Dễ nhận thấy, cái tư duy quản lý “ôm đồm” của Bộ vẫn còn rất nặng nề. Hoặc nếu không thì đó là sự “kỳ thị” đối với các trường “ngoài quốc doanh” như GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HH các trường ĐH NCL đã nói.

TS Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Miền Đông, cho rằng, các trường ĐH công lập cần tổ chức thi tuyển quy mô, còn trường ĐH NCL và các trường có vốn đầu tư nước ngoài thì lại cần được tự tuyển sinh và không phải phụ thuộc vào kỳ thi “ba chung”. Đề xuất này rất đáng lưu ý. Khi số người muốn vào học quá đông so với khả năng đáp ứng, người học được hưởng tài trợ từ ngân sách Nhà nước, thì việc phải thi để chọn cũng là điều hợp lẽ. “Còn khi tôi vào học trường tư, học bằng tiền của tôi, không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, thì tại sao lại cản trở việc học hành của tôi?”, người học nào cũng có thể đặt ra câu hỏi này.

Cuối cùng, nói như nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc, được vào học ĐH là quyền của người đã tốt nghiệp phổ thông. Không ai được, bằng bất cứ quy định gì, ngăn cản quyền đó. Nghịch lý thay, vì bị “cấm” tiếp cận với GDĐH trong nước, nên nhiều gia đình đã tìm cách cho con em (thi không đạt điểm sàn) đi du học hoặc vào học các trường ĐH nước ngoài mở tại Việt Nam. Ở những trường ĐH này, Bộ GD-ĐT có đòi kiểm soát đầu vào được không?

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI