Dự báo lạc quan từ Ngân hàng thế giới
Vào tháng 10/2021, báo cáo Giám sát vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của trong năm nay vào khoảng 2-2,5%. Tuy nhiên, trong ấn bản báo cáo tháng 12/2021, WB khẳng định điều kiện kinh tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, cả sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng liên tục trong ba tháng vừa qua.
Chính sách “sống chung với COVID-19” bao gồm sự cảnh giác liên tục, hành động nhanh chóng của các cơ quan chức năng trong tiêm chủng và giãn cách xã hội, đi kèm xét nghiệm và kiểm dịch rộng rãi đã giúp nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á năm 2020 lấy lại đà tăng trưởng.
WB nêu bật những dấu hiệu tích cực của Việt Nam trong sự phục hồi kinh tế khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% trong tháng 11 so với tháng trước. Sự phục hồi vững chắc này phần nào phản ánh quá trình phục hồi hoạt động kinh tế ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TPHCM với mức tăng 13,3%.
Xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp duy trì thặng dư thương mại tháng thứ hai liên tiếp trong khi số cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI phục hồi sau khi giảm nhẹ trong tháng 10/2021.
|
Việt Nam giữ vững cán cân xuất khẩu thặng dư trong năm 2021 |
Số lượng các công ty chính thức mới thành lập đã tăng 45% trong tháng 11 so với tháng trước, lần tăng thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng Năm. Số lượng doanh nghiệp rời thị trường vẫn ở mức cao, nhưng với tốc độ chậm hơn so với tỷ lệ gia nhập.
Nhiều doanh nghiệp chọn hoạt động trở lại thay vì tạm ngừng, báo cáo cho rằng mức gia nhập nền kinh tế cao hơn có thể là do điều kiện thị trường được cải thiện.
Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì ổn định trong lúc lạm phát tăng mạnh do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu nội địa về nhóm sản phẩm phi lương thực phục hồi và chi phí logistic tăng, qua đó cung cấp thanh khoản khả dụng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Sau hai tháng giảm, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,3% so với tháng trước.
Giá lương thực tiếp tục có xu hướng giảm, hạ 0,2% so với tháng 10/2021 nhờ chuỗi cung ứng thực phẩm được duy trì tốt. So với một năm trước, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn một chút so với tháng 10/2021, nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo 4,0% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra.
Ngoài ra, WB và Tổ chức Đối tác Tri thức Toàn cầu về Di cư và Phát triển (KNOMAD) cũng dự báo lượng kiều hối đổ về nước sẽ tăng 5% so với năm ngoái, đạt hơn 18,06 tỷ USD và chiếm 4,9% GDP của Việt Nam. Điều này nghĩa là Việt Nam có thể vươn lên vị trí thứ tám về lượng kiều hối sau Ấn Độ, Trung Quốc và năm quốc gia khác.
|
Nhiều nhà máy, xí nghiệp tại khu vực phía nam quay lại hoạt động sau nhiều tháng giãn cách, giúp thúc đẩy chỉ số công nghiệp quốc gia |
Trong khi đó, chính phủ tiếp tục lập trường tài khóa thắt chặt khi cán cân ngân sách có thêm một tháng thặng dư, nhờ thu ngân sách mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 11/2021, thặng dư ngân sách tăng lên mức 120,3 ngàn tỷ đồng (5,2 tỷ USD) nhờ bội thu 45,4 ngàn tỷ đồng (2,0 tỷ USD) trong tháng.
Cuối báo cáo, các chuyên gia của WB khuyến nghị chính phủ cần hỗ trợ chính sách tài khóa để thúc đẩy nhu cầu tư nhân và giúp nền kinh tế trong nước phục hồi. Cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng sẽ là mũi nhọn thiết yếu để đạt được mục tiêu này. Đồng thời, báo cáo nhắc nhở, mặc dù tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đang có xu hướng giảm, số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, các cấp có thẩm quyền và người dân không nên lơ là cảnh giác trước COVID-19.
HSBC tin tưởng vào sự tăng trưởng của Việt Nam
Khi xem xét tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và đánh giá triển vọng cho năm 2022, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc tại Việt Nam của tập đoàn tài chính toàn cầu HSBC - tin rằng, viễn cảnh xấu nhất đã ở phía sau, để giờ đây Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng ở mức tương đương năm 2019.
Năm 2021, Việt Nam có một khởi đầu thuận lợi trong quý I, khi nền kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Nhưng dưới tác động bất ngờ của biến thể Delta, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đến mức các chỉ số GDP của quý III xuống thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.
Tuy nhiên, động lực chính của sự phát triển kinh tế của Việt Nam, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì mạnh mẽ và chỉ giảm nhẹ trong giai đoạn kiểm dịch nghiêm ngặt vào giữa năm 2021. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2021 tăng 17,5% giúp quốc gia duy trì xuất siêu hàng hóa.
Hơn nữa, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) đạt 52,5 vào tháng 11/2021, báo hiệu sự cải thiện trong điều kiện kinh doanh sau một thời gian suy giảm do đợt lây nhiễm thứ tư của đại dịch COVID-19.
Đối với năm 2022, HSBC Global Research cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%. Ông Tim Evans giải thích, mức tăng chủ yếu do dòng vốn đầu tư FDI quay trở lại mạnh mẽ, tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất. Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong hai năm qua bắt đầu “đơm hoa kết trái”.
Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và đặc biệt là tầng lớp giàu có ngày càng tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Kết quả là, lĩnh vực tiêu dùng chuyển biến tích cực, do người Việt Nam bắt đầu chi tiêu mạnh mẽ hơn cho giải trí và du lịch.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng mới được đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục “tiếp nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng xanh sau khi chính phủ ban hành các chính sách mới đầy tham vọng sau hội nghị COP26 tại Anh.
|
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc tại Việt Nam của tập đoàn tài chính toàn cầu HSBC - tin rằng viễn cảnh tươi sáng đang chờ đợi nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022 |
Dù vậy, vẫn còn một số yếu tố cần theo dõi để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế trong tương lai. Theo lãnh đạo HSBC, giá năng lượng đang tăng là một yếu tố nguy cơ, dễ kéo theo chi phí vận tải tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát trong nước.
Ông Tim Evans nói: “Quan điểm của chúng tôi là nhu cầu trong nước phục hồi có thể bù đắp cho giá năng lượng cao. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên 3,5% vào năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép theo kế hoạch của chính phủ”.
Việt Nam là nước nhận FDI lớn nhất trong số các quốc gia thành viên ASEAN về GDP, với các tập đoàn toàn cầu quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), cũng như tính bền vững.
Đáng chú ý nhất, dải đất chữ S với thế mạnh về nắng, gió, thủy triều cũng đã nhận được dòng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN nhờ tiềm năng lớn trong lĩnh vực này.
Ông Evans nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, đồng thời lưu ý rằng mỗi ngân hàng phải tiếp tục đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu và hành vi của khách hàng.
Yếu tố bất ổn lớn nhất hiện tại đối với nền kinh tế vẫn là COVID-19. Biến thể Omicron khiến các chuyên gia thực sự đau đầu khi dự báo tình hình trong tương lai. Nhìn chung, bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào cũng nên được kiểm soát bằng các biện pháp hạn chế hoặc cô lập thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã thực hiện và đánh đổi bằng kinh tế.
Cuối cùng, ông Evans nhận định Việt Nam cần sẵn sàng chấp nhận khả năng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, khi các thị trường phát triển bắt đầu chuyển tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ hậu đại dịch.
Tấn Vĩ