PNO - Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu xây đê biển ngang qua TP.HCM, thiệt hại về vận tải ước tính lên đến 1.900 tỷ đồng/năm, chưa kể những hệ lụy về môi trường sinh thái và ô nhiễm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM bản tổng hợp những ý kiến phản biện từ nhiều đơn vị đối với dự án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công”, làm cơ sở khoa học để UBND TP.HCM xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Một trong những ý kiến phản biện cho rằng, nếu xây đê biển ngang qua TP.HCM, thiệt hại về vận tải ước tính lên đến 1.900 tỷ đồng/năm, chưa kể những hệ lụy khác.
Mô phỏng dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công cắt ngang địa bàn TP.HCM
Nhốt thành phố trong ô nhiễm
Nhóm nghiên cứu đề xuất dự án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công” (cắt ngang TP.HCM, nối TP.Vũng Tàu với tỉnh Tiền Giang) cho rằng, việc xây đê biển nhằm chống ngập bền vững cho TP.HCM và vùng lân cận. Dự án còn nhắm đến nhiều mục tiêu khác như trữ nước ngọt, phục vụ giao thông… Cụ thể, sau khi xây hai tuyến đê (đê chính dài 28km, rộng 30m), sẽ tạo ra diện tích mặt nước rộng 43.000ha, tạo được hồ chứa với tổng dung tích từ 2,5-3 triệu m³ nước. Đây là nơi dự trữ nước ngọt trong tương lai cho TP.HCM, có thể đảm bảo về an ninh nguồn nước trong mọi tình huống.
Trái ngược hoàn toàn với mục tiêu tốt đẹp mà nhóm nghiên cứu trên đề xuất, biện giải, những ý kiến phản biện do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM tổng hợp cho thấy, việc “ngọt hóa” vùng ven biển với diện tích 43.000ha không chỉ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái hiện hữu mà còn gây ô nhiễm ngược lại cho TP.HCM. “Hồ nước ngọt nằm ở hạ nguồn trong khi TP.HCM nằm bên trên. Với lượng nước thải từ kênh rạch chảy ra sông Sài Gòn rồi đổ về biển, khi ra cửa biển lại gặp đê chắn ngang, ô nhiễm sẽ dồn lại. Khi thủy triều lên, nguồn nước ô nhiễm sẽ chảy ngược về trung tâm thành phố. Lúc đó, vùng chứa nước bên trong đê biển không phải là nơi dự trữ nước ngọt mà là nơi tích tụ ô nhiễm” - một chuyên gia về môi trường lập luận. Ý kiến phản biện này đã được Sở NN&PTNT TP.HCM đưa vào bản báo cáo gửi cho UBND TP.HCM.
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ được nhận định là nơi đầu tiên sẽ tan hoang nếu xây đê biển Vũng Tàu - Gò Công - Ảnh: T.H.
Đối với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, trong khi nhóm nghiên cứu đề xuất dự án trên cho rằng, tuyến đê này không tác động đến rừng ngập mặn, nhiều nghiên cứu khoa học lại chỉ ra rằng, nếu xây đê ngăn biển thì rừng Cần Giờ - lá phổi xanh của TP.HCM - sẽ tan hoang. Chưa kể, khu dự trữ sinh quyển của thế giới này được Tổ chức Unesco công nhận, nên cần phải lấy ý kiến của tổ chức ấy nếu muốn xây đê.
Theo đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công tới hệ sinh thái ven biển vùng ngập mặn Cần Giờ” của phó giáo sư - tiến sĩ Lê Xuân Tuấn - Khoa Khoa học biển và hải đảo, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - tuyến đê ngăn biển này không chỉ làm mất đi diện tích đất ngập nước và rừng ngập mặn mà còn làm cho những phần rừng ở giữa sông Lòng Tàu và Soài Rạp của TP.HCM có thể chết hàng loạt: “Có 45 loài cá ở vùng biển sẽ bị hạn chế di cư vào sâu bên trong do bị tuyến đê ngăn chặn. Trong số các loài chim, thú, bầy khỉ ở Lâm Viên (tiểu khu 17, rừng ngập mặn Cần Giờ) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là dơi và chim ở rừng Vàm Sát, do chất lượng rừng ngập mặn, bãi bồi có thể giảm sút hoặc biến mất”.
Thiệt hại 1.900 tỷ đồng mỗi năm
Theo đề tài khoa học “Đánh giá tác động của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công đến giao thông vận tải đường thủy” của kỹ sư Trần Hữu Dung (Hội Cảng đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam), nếu xây đê biển, sẽ gây thiệt hại 1.900 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động vận tải. Trong khi đó, chi phí để xây dựng lại hệ thống giao thông vận tải sau khi xây đê lên đến 65.000 tỷ đồng. Mặt khác, mục tiêu phục vụ giao thông vận tải mà dự án đê biển đề cập cũng không khả thi vì hiện nay đã có nhiều tuyến giao thông thuận lợi như đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây…
Khơi chuyện cũ, gây lo ngại nhiều
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, ý tưởng thực hiện dự án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công” đã từng được Bộ NN&PTNT đề xuất từ năm 2012. Vào thời điểm đó, sau khi lấy ý kiến tổng hợp từ nhiều chuyên gia và các đơn vị liên quan, UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ với quan điểm không ủng hộ đề xuất này. Thế nhưng, đến tháng 4/2018, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo, nêu lại ý tưởng xây tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT TP.HCM, nội dung tổng hợp từ hội thảo nói trên không khác gì so với nội dung báo cáo từ năm 2012 của Bộ NN&PTNT mà chỉ tập trung nêu lại ý tưởng về việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, chưa chú trọng đến ý kiến phản biện của các nhà khoa học tham dự, nội dung đề xuất vẫn mang tính chủ quan của tác giả. Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng, nếu xây tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, các công trình chống ngập đang được triển khai thực hiện của TP.HCM sẽ trở nên lãng phí, trong đó có dự án “Chống ngập triều cho TP.HCM”, giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng), thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP.HCM. “Quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP.HCM được Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. Bấy giờ, tổng mức đầu tư công trình chống ngập thuộc quy hoạch này ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng nhưng không huy động được nguồn vốn để thực hiện, mãi đến năm 2016, TP.HCM mới thực hiện dự án chống ngập triều theo hình thức xã hội hóa” - lãnh đạo một đơn vị tham gia phản biện dự án cho biết thêm.
Với những lo ngại trên, Sở NN&PTNT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục không ủng hộ ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai các dự án thuộc “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2008.
Dự án tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, với phương án xây đê biển được đề xuất từ năm 2012, tổng mức đầu tư dự kiến cho công trình này khoảng 66.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) nhưng đến nay, dựa theo cụm 6 đề tài nghiên cứu của dự án, tổng mức đầu tư lên đến 156.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD). Cụm 6 đề tài nghiên cứu của dự án “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây đê biển Vũng Tàu - Gò Công” hiện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu (có kết luận về những bất cập) với kinh phí được duyệt hơn 31 tỷ đồng.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.