Khởi thủy ban đầu chỉ là kè chắn sóng, người ta đặt những “thềm” xi măng dài ngang, dọc và thêm ít đá tảng, mục đích giảm bớt sức công phá của sóng.
Điều thú vị nữa nơi đây ngày xưa (và cả bây giờ) người dân Nha Trang vẫn quen gọi là “Lầu ông Tư” là địa danh nhà của bác sĩ A. Yersin, ở vị trí ngay vùng cửa sông Nha Trang. Hiện nay di tích Lầu ông Tư không còn thay vào đó là nhà nghỉ 378 của Bộ Công an.
Thời gian dần trôi, trên các thềm xi măng chắn sóng, rêu mọc lên xanh mịn, mướt trở thành điểm chụp hình khá đẹp mà bất cứ ai đến Nha Trang khó thể bỏ qua. Đặc biệt ngày Tết, cánh phụ nữ thường tranh thủ ít thời gian, ra đây chụp hình kỷ niệm với đa dạng kiểu trang phục: áo dài, áo đầm, short…
Từ thềm rêu có thể đi loanh quanh khu vực nơi con sông Cái Nha Trang đổ ra biển, chỉ trong vòng bán kính 500m. Ở đây có đủ sông, biển, núi, đảo, tàu thuyền, miếu nhỏ, đá lớn… Quay bên này là biển, quay ngược lại là sông, từ bình minh cho đến tối khuya, góc nào chụp hình cũng đẹp.
Nhìn trên bản đồ Google sông Cái Nha Trang xuất phát từ hai nhánh sông ở huyện Khánh Vĩnh, hình chữ Y, ngoằn ngoèo rất thú vị. Một khởi nguồn từ Gia Lách, nhánh kia là sông Khánh Lê. Hai sông gặp nhau thành một dòng. Qua Diên Khánh, phân chia vùng đồng bằng thành hai rất cân xứng. Một bên là Đại Điền, Diên Sơn.., một bên là Diên Lạc, Diên Thạnh, Diên Hòa… Rồi, dòng sông uốn lượn qua thành phố Nha Trang và đổ ra biển.
|
Nhiều cặp đôi chọn đây làm nơi chụp ảnh cưới |
Đứng trên cầu Trần Phú và bắt đầu từ bên Xóm Bóng là nơi sông chuẩn bị gặp biển, bạn sẽ thấy những tảng đá to nhỏ, nhiều hình thù như có bàn tay sắp đặt chủ ý của tạo hóa, thêm miếu thờ nhỏ khiến tưởng tượng như hòn non bộ, tiểu cảnh thật nên thơ. Xa xa tôi có thể thấy tượng Phật chùa Long Sơn hay tháp chuông nhà thờ Ngọc Thủy. Bên phải là Tháp Bà trầm mặc dựa vào núi. Hàng dài những chiếc ghe thảnh thơi neo đậu, vài chiếc thúng bập bềnh có người đang thả lưới. Trên cầu Xóm Bóng xe cộ ngược xuôi như đàn kiến tới lui chộn rộn. Nhìn lên núi sạn lốm đốm màu đá giữa nền xanh cây rừng.
|
|
Băng qua đường và bắt đầu từ cầu Trần Phú. Vào sáng sớm, thuyền đánh cá trở về, lúc tấp nập, khi thưa thớt. Vào mùa biển động, giữa hai làn nước gặp nhau là “hàng rào” sóng, Nhìn những chiếc ghe trồi hụp “vượt sóng” mà hồi hộp, đến khi ghe “vượt rào” xong mới thấy thở phào, lên cầu. Từ trên nhìn xuống, bức tranh đẹp thơ mộng mà mạnh mẽ bởi những chiếc thuyền đầy cá trở về sau một đêm lênh đênh trên biển. Nhìn cá xếp trắng lớp trong khoang như tiếp thêm năng lượng một ngày mới.
Nha Trang có nhiều bến/cảng cá, nơi đây chỉ tàu, ghe nhỏ, cá nhỏ chiều đi, sáng về. Những chàng trai đứng ra hết bên ngoài, trước mũi. Họ đang nôn nao, chộn rộn sắp về nhà. Chỉ khoảng 10 phút thôi là đến bến. Xa xa vài chiếc thuyền thúng chậm rãi làm công việc một ngày như mọi ngày đời sông nước. Cụm Hòn Đỏ, Hòn Chồng và ngôi miếu phản chiếu trong ánh bình minh, đẹp tuyệt vời!
Từ đây bạn thả bộ qua công viên Yersin rồi đến khu vực bãi rêu. Bạn sẽ gặp những cặp đôi chụp hình cưới, cánh phụ nữ tạo dáng với sóng biển. Đặc biệt có những cô gái tập yoga với những động tác đẹp, khỏe trên phông nền biển xanh, sóng trắng xóa. Rất đẹp!
|
Rong mứt mọc lẫn trong rêu |
Thêm nữa, từ tháng Mười Một Âm lịch kéo dài đến hết tháng Chạp bạn có thể gặp những người hái rong mứt. Đây là đặc sản bổ dưỡng trời cho chỉ một mùa ngắn ngủi. Trời càng lạnh, rong càng nhiều. Rong mọc trên đá, màu nâu đen lẫn với rêu xanh nhưng rất dễ hái. Rửa sạch qua vài lượt cho hết tạp chất, một ký rong mứt tươi có giá 150 ngàn đồng. Nếu làm sạch phơi khô giá lên đến gần 2 triệu một ký.
Phía trên bãi rêu có quán cà phê Nha Trang View là chỗ ngồi “ngắm xuân” rất thú vị. Bạn có thể nghe tiếng sóng biển ầm ầm suốt ngày và ngắm vùng cửa sông hay ngoài khơi mênh mông với những chiếc thuyền… Một bức tranh đẹp của Nha Trang khó thể bỏ qua!
Đào Thị Thanh Tuyền