Thật khó hình dung pháo đài vài trăm năm tuổi lại có vẻ đẹp rạng rỡ, nhưng đó là thật. Vì khuôn viên hoa cỏ bời bời viền quanh và cả kiến trúc xưa còn lưu dấu những sắc sảo tinh khôi, dù thời gian dâu bể.
Từ sau ngày chia tách 1991, rất ít người Việt còn nhớ vùng đất Tajikistan nhỏ nhắn trong Liên bang Xô viết cũ. Nên trên chuyến xe chật như nêm gần 30 giờ đồng hồ từ miền Ishkashim biên giới với Afghanistan về thủ đô Dushanbe, tôi rất mừng khi thấy thoáng bên đường tấm biển hiệu cũ kỹ của nhà máy tơ sợi liên doanh Việt Nam - Tajikistan. Nhưng đó là dấu hiệu duy nhất, dù sau đó tôi mòn mỏi kiếm tìm.
Ngược lại, dù giao tiếp vất vả, tôi đã gặp những người Tajikistan vẫn còn nhớ nhiều đến Việt Nam, luôn ấm áp đón chào, giúp đỡ. Dù khó khăn trong xe cộ đi đứng, tôi vẫn lang thang đây đó dễ dàng.
|
Ngày thứ Sáu đi lễ tại thánh đường, cả người lớn và trẻ em đều ngạc nhiên với vị khách duy nhất đến từ nước Việt. |
Tôi đi được nhiều nơi, được giới thiệu những danh thắng ít trang du lịch đề cập, vì Tajikistan vẫn hiếm du khách, do chưa thật yên ắng (chắc nhiều người còn nhớ đến cuộc tấn công khủng bố vào tháng 9/2015 rồi).
Ngó nghiêng được khá nhiều điểm lạ những ngày ở Dushanbe, tôi rất ấn tượng với Qala Hissar. Pháo đài cổ cách thành phố chừng 32 km nhưng mất đến sáu chuyến vừa tàu điện, xe đò, taxi đi về, chưa kể cuốc bộ cả đoạn đường dài.
Nhưng công sức của tôi thật đáng đồng tiền bát gạo. Nhất là khi cả cái pháo đài sừng sững cùng nhiều di tích quanh vùng nguyên buổi sáng như chỉ mở cửa để đón một vị khách duy nhất!
|
Các di tích của con đường tơ lụa và cổ xưa hơn nữa. |
Nằm ở hợp lưu dòng Khanaka đổ vào Kofarnihon, thung lũng Hissar là vùng hiểm yếu chiến lược từ rất cổ xưa. Là điểm dừng chân quan trọng trên con đường tơ lụa, lưu rõ những dấu tích con người từ thời đồ đá, Hissar được biết nhiều từ ngày Đại đế Cyrus (TK VI Tr CN) kéo quân đến chinh phục.
Từ đó, những vó ngựa, đoàn quân viễn chinh rầm rập lại qua, Hissar đã không dưới 21 lần bị san thành bình địa, từ Đại đế Alexander, Thành Cát Tư Hãn, Timur… cho đến những cuộc chiến đẫm máu với Hồng quân. Chỉ còn mỗi pháo đài Hissar còn sót, nhưng cũng chỉ là phiên bản được trùng tu khá nhiều sau những nát tan thời nội chiến 1920.
Là niềm tự hào không chỉ với người bản địa, pháo đài Hissar là di tích hiếm hoi được in trên tiền giấy Tajikistan, dù chỉ mới được dựng lên vào TK XVIII, khá “trẻ” so với nhiều di sản cổ xứ này.
Kiêm luôn vai trò cung điện mùa đông của vương quốc Bukhara thời vàng son, pháo đài nằm trên sườn đồi cao với lớp tường thành dày hơn 1m chạy tít tắp đỉnh đồi, ôm quanh khuôn viên khá rộng.
|
Ai nhớ quê Việt thì vô hàng bắp mua vài trái bắp luộc ngon ngọt vừa đi vừa gặm |
Dù đã trùng tu kha khá, vẫn còn nhiều mảnh cũ của chiếc cổng hoành tráng Darvazar-i-Ark sắc sảo chạm khắc, tinh xảo hoa văn. Nhìn xuống bên dưới là các học viện Hồi giáo gần 500 năm tuổi, các thánh đường, những caravanserai - nơi dừng chân nghỉ ngơi của thương khách, lạc đà trên đường tơ lụa dằng dặc…
Xa xa là xóm làng trù mật loáng thoáng màn xanh. Quan tâm đến những giá trị xưa cũ, bảo tàng nhỏ trong khuôn viên học viện Madrassa-I Kuhna với những di tích gần 2.000 năm tuổi vẫn còn khá sắc nét sẽ kể cho du khách nghe những câu chuyện pha trộn với huyền thoại, tôn giáo hấp dẫn của vùng đất xưa cổ này.
|
Học viện tôn giáo Madrassa-I Kuhna hơn nửa thiên niên kỷ tuổi tác |
Những ngày tôi đến, mùa thu đã đi qua hơn nửa, đồi cỏ Hissar đã nhuốm vàng. Nhưng cỏ hoa quanh pháo đài vẫn phô phang sắc, rực rỡ trong cái nắng thu vàng mật rất riêng của miền Trung Á.
Tôn nét rạng ngời pháo đài xưa, dù mấy tàn phai không thể che dấu hết. Chia tay ra về vì ngại đường chiều vắng vẻ, xe cộ khó tìm, tôi vẫn còn nuối tiếc những phút giây hạnh phúc lang thang. Tiếc hoài!
Những ngày thu, cũng mùa rộ trái cây ở Tajikistan. Nho, lê, táo, đào… là đặc sản, ngon ngọt và giá rất rẻ, chừng hơn 10.000 đồng/kg, tôi mua cả bịch to ăn thay bữa. Bánh mỳ dẹt thơm phức, giòn rụm, sữa chua béo mịn thơm lừng… là những thứ tôi vẫn còn nhớ miết những ngày ở Tajikistan.
|
Cụm di tích đền đài, học viện tôn giáo vẫn lộng lẫy qua bao dấu thời gian. |
Chuyện đi đường
Thủ đô Dushanbe của Tajikistan vẫn còn xe điện leng keng như Hà Nội ngày xưa. Buổi sáng đó, trên đại lộ Rudaki xuyên thành phố theo hướng bắc nam, tôi lên xe điện số 1 lên phía bắc.
Xuống trạm khi vừa qua dinh tổng thống là bến xe marshrutka (minibus), tôi lên xe đi tiếp về hướng tây, theo trục đường Ismoil Somoni đến chợ Zanivar Bazaar.
|
Thủ đô Dushanbe của Tajikistan vẫn còn xe điện leng keng như Hà Nội ngày xưa. |
Sau đó, tôi chuyển sang chiếc marshrutka khác đi thêm đến chợ Hissar Bazaar. Xe lại dừng ở đây, tôi gọi taxi đến pháo đài Hissar. Khá nhiêu khê, nhưng khi về còn khó khăn hơn.
Từ pháo đài Hissar, vì không có taxi nên tôi phải cuốc bộ thật xa ra đường chính mới đón được xe chạy ngang và đi theo lịch trình ngược lại với lúc sáng. Tuy nhiên, đây là cách cho khách đi một mình, tiết kiệm tiền cũng như muốn ngó nghiêng thêm chợ búa, làng quê trên đường.
Các nhóm khách thường thuê taxi đi chung, cũng không đắt đỏ lắm cho cung đường chỉ hơn 20 cây số này.
Trần Thái Hoãn