Ngắm “thảm lúa mênh mông” giữa lòng Điện Biên

11/04/2024 - 17:13

PNO - Tỉnh đã dần dần tự cân đối và xuất khẩu lương thực. “Gạo tám Điện Biên” trở thành một trong những cái tên nổi bật của “bản đồ lúa gạo" Việt Nam.

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là bảng “xếp hạng” độ rộng lớn của các cánh đồng Tây Bắc. Cánh đồng Mường Thanh được tạo nên bởi phù sa của dòng Nậm Rốm; nằm trọn trong lòng chảo Điện Biên, cao hơn 400m so với mực nước biển.

Cánh đồng có chiều rộng trung bình 6km, trải dài hơn 20km qua nhiều xã của huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ; diện tích tự nhiên lên đến 33.902ha; được bao bọc bởi 2 dãy Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ.

Cánh đồng Mường Thanh dài, rộng mênh mông
Cánh đồng Mường Thanh dài, rộng mênh mông

Cuối thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã miêu tả cánh đồng Mường Thanh trong “Kiến văn tiểu lục” rằng: “Châu này thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bên đến chân núi đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác mà hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống. Có một quả núi nước suối rất mặn, thú rừng thời thường đến uống, người địa phương dùng nỏ bắn được rất nhiều, tục gọi là mỏ thịt...”.

Xa xa là bản làng của xã Thanh Xương, huyện Điện Biên nép mình dưới chân dãy núi Phú Hồng Mèo
Xa xa là bản làng trong buổi sớm tinh sương của xã Thanh Xương, huyện Điện Biên nép mình dưới chân dãy núi Phú Hồng Mèo

Năm 2003, “Báo cáo điều tra khảo cổ học” của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia cho thấy: "Cây lúa và các đặc sản lúa ở Ðiện Biên từ lâu nay đã được các nhà khoa học rất chú ý. Tại Ðiện Biên, các nhà nông học đã tìm thấy các mẫu lúa hoang dại rất hiếm hoi trên bán đảo Ðông Dương. Những hạt thóc cháy tìm được trong di chỉ khảo cổ học này, là những hiện vật rất quý giá để tìm hiểu lịch sử".

Bà con xã Thanh Xương đi cắt cỏ lồng vực
Bà con xã Thanh Xương đi cắt cỏ lồng vực

Các ruộng có thời gian gieo cấy khác nhau, tạo nên những sóng lúa đa sắc
Các ruộng có thời gian gieo cấy khác nhau, tạo nên những sóng lúa đa sắc

Cánh đồng Mường Thanh gắn với truyền thuyết của người Thái nơi này: Xưa kia, vùng đất này có người khổng lồ sức khỏe phi thường tên là Ải Lậc Cậc. Ông khai sơn phá thạch làm nên núi đồi, ruộng đồng, sông suối vùng Tây Bắc. Luống cày của ông đã làm nên sông Ðà, sông Hồng; các mô đất từ luống cày chưa kịp bừa làm nên các dãy núi bao quanh. Và cánh đồng Mường Thanh ra đời từ đó - là mảnh ruộng mà Ải Lậc Cậc san gạt, cày bừa.

Một góc cánh đồng nom như dải lụa mềm
Một góc cánh đồng trông như dải lụa

Nhờ đại công trình thủy nông Nậm Rốm xây dựng từ năm 1963 mà cánh đồng Mường Thanh đã thực sự trở thành vựa lúa của Tây Bắc. Điện Biên từ địa phương phải trợ cấp lương thực đã dần dần tự cân đối và xuất khẩu lương thực. “Gạo tám Điện Biên” trở thành một trong những cái tên nổi bật của “bản đồ lúa gạo” Việt Nam.

Không chỉ ở cánh đồng Mường Thanh, tại nhiều bản làng của huyện Điện Biên, những ruộng lúa mướt mềm luôn thu hút ánh nhìn của người lữ khách.

Đồng lúa của xã Na Ư, huyện Điện Biên - ven con đường lên cửa khẩu Tây Trang
Đồng lúa của xã Na Ư, huyện Điện Biên - ven con đường lên cửa khẩu Tây Trang

Ruộng lúa dưới chân nhà sàn ở bản Tà Lèng, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ
Ruộng lúa dưới chân nhà sàn ở bản Tà Lèng, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ

Bình yên trên cánh đồng Tà Lèng
Bình yên trên cánh đồng Tà Lèng

Học sinh Trường tiểu học Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ trên cánh đồng của bản Phiêng Lơi.
Học sinh Trường tiểu học Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ trên đồng lúa của bản Phiêng Lơi

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI