Ngẫm miên man cùng 'Đảo gió hú'

25/06/2019 - 16:48

PNO - Có cảm giác người viết ra nó không chỉ đóng vai một chứng nhân, mà còn sống luôn phần đời của nhân vật.

30 năm làm báo thực sự là một cột mốc xứng đáng để nhìn lại. Ở đó, người ta nhận thấy lịch sử đã không từ bỏ ảnh hưởng của mình lên một kẻ đã dành cả đời để viết lách. Với nhà báo Ngọc Vinh (phóng viên báo Tuổi Trẻ), khoảng thời gian này hẳn đủ dài để anh gom những tác phẩm từng thực hiện thành một ấn phẩm kỷ niệm sự nghiệp cầm bút của mình. Đảo gió hú (nhà xuất bản Trẻ) - tuyển tập phóng sự dày hơn 500 trang - đã ra đời như thế, vào đúng dịp chào mừng 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Không có điều gì là tình cờ, kể cả những đề tài phóng sự mà Ngọc Vinh đã phát hiện và theo đuổi. Có những đề tài đã thuộc về quá khứ rất xa, dễ làm người ta nghi ngại về tính thời sự của sự việc, hiện tượng và cả nhân vật sống trong những con chữ viết ra cách đây ngót ba thập niên. Vậy mà khi đọc lại, hơi thở của cuộc sống đương đại dường như vẫn còn nóng rẫy.

Ngam mien man  cung 'Dao gio hu'

Những người mẹ bỏ con ở Bệnh viện Từ Dũ hay những người già trong trại dưỡng lão số 3, những cô bé phá thai hay những bác sĩ hành nghề mổ xác, trẻ đánh giày, cô dâu Việt lấy chồng xứ người… dù đã từng xuất hiện trong các phóng sự của Ngọc Vinh từ rất lâu, giá trị hiện thực vẫn còn nguyên vẹn. Nếu có bài nào không còn phù hợp với dòng chảy hiện đại thì ít nhất, ở thời điểm được viết ra, nó đã làm tròn nhiệm vụ phản ánh một hiện thực xã hội.

Có thể nói, Đảo gió hú như một quyển giáo án sống động của một bậc đàn anh, truyền lại cho lớp cầm bút trẻ những kinh nghiệm làm nghề, cách khai thác và triển khai một đề tài phóng sự; để những phận người hiện lên thật, lôi cuốn nhất. Có cảm giác người viết ra nó không chỉ đóng vai một chứng nhân, mà còn sống luôn phần đời của nhân vật.

Đọc những điều Ngọc Vinh viết, cảm giác như anh đã phải quan sát cực kỳ tỉ mỉ, cả những chi tiết nhỏ nhất. Một cái tủ ở trại dưỡng lão số 3 chẳng hạn. Hẳn phải để ý nó đủ lâu mới khai thác được chi tiết: “Trường hợp người già “kỳ cục” nhất ở đây là cụ Mạc Văn Cầu, cứ ban đêm là trèo lên nóc tủ ngồi. Chỉ có trời mới biết ông nghĩ gì khi leo lên đó!”. Hay câu chuyện dòng kênh vừa chuyển mình trong cuộc tái lập văn minh đô thị, tự hỏi Vinh đã phải quan sát bao lâu để thấy được “Kênh vẫn tiếp tục chảy đời kênh, nhưng cuộc sống quanh nó đã biến đổi. Dưới ánh đèn cao áp rực rỡ trên con đường Hoàng Sa, lũ trẻ đang chơi đùa trên ghế đá, thảm cỏ không biết gì về một ngày hôm qua - nơi chúng đứng là ổ chuột và sình lầy”.

Những chi tiết rất nhỏ làm người ta nhớ và cám cảnh. Chúng làm người ta băn khoăn, suy ngẫm, rồi khẽ khàng chạm đến trái tim người ta, từ lúc nào không biết. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI