Ngắm hoa trên xứ thông reo

29/01/2021 - 06:22

PNO - Bạn bảo về xứ thông reo cùng bạn đi. Mùa này hoa hát những lời tình rất đỗi ngọt ngào.

Mùa của mai anh đào nhuộm hồng thung sâu. Mùa của ban trắng thanh khiết những triền dốc thoai thoải. Đà Lạt những ngày xuân, tôi rong ruổi theo người con của xứ ngàn thông, nghe lòng mình dậy sóng những niềm thương.

Biểu tượng của mùa xuân Đà Lạt

Cứ nghe gió Chạp hiu hiu, người trẻ thích xê dịch, người trót phải lòng Đà Lạt, người lỡ vương hồn mình vào những mùa hoa… liền nhắn tin ngược xuôi hỏi nhau rằng hoa đào Đà Lạt đã nở chưa. Bởi vì, loài mai anh đào đỏng đảnh mỗi năm mỗi khác, có khi đến thật sớm trước mùa Noel, cũng có khi thật muộn - tận tháng Hai tháng Ba. Thường thì hoa trên các triền núi, khu vực ngoại ô sẽ nở sớm hơn bên trong đô thị và trung tâm thành phố Đà Lạt.

Bạn bảo "hoa đào Đà Lạt phải gọi đúng tên là mai anh đào". Đây là một giống hoa cổ có nguồn gốc từ cao nguyên Lâm Viên thuở nguyên sơ. Thân cây cao lớn, vững chãi, thuộc giống đào mận, có những gốc già có thể cao đến hơn 30 mét nhưng cánh hoa lại bé xíu xiu với năm cánh rõ rệt.

Có lẽ vì vậy, người ta mới gọi tên hoa kết hợp giữa đào và mai: sắc hồng tươi của đào và cấu trúc năm cánh của mai. Khi ngắm mai anh đào, người ta có thể liên tưởng đến cốt cách và phong thái của người Đà Lạt - những con người xứ núi vững vàng, cứng cỏi mà nhẹ nhàng, tinh tế, thong dong.

Thực ra, ở Đà Lạt hiện tồn tại cùng lúc đến ba loại hoa đào: mai anh đào truyền thống, đào Nhật Tân Hà Nội và đào Nhật Bản (du nhập vào năm 1964 và 1990). Tuy nhiên, với người Đà Lạt, mai anh đào mới thật sự là giống hoa của Lâm Viên, là hồn người Lâm Viên tự bao đời.

Bạn bảo, nếu tìm hiểu quá trình di dân di hoa của người Hà Nội, Nghệ An từ những năm 1927, không ai không nhớ cụ Nguyễn Thái Hiến, người được xem là ông tổ nghề hoa tại Đà Lạt.

Người xưa kể lại, khi được giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong khuôn viên các dinh thự, các trục lộ ven hồ Xuân Hương, cụ Hiến đã phát hiện ra giống mai anh đào trong một khu rừng ở gần ấp Tân Lạc nên đề nghị đem về trồng trong trung tâm thành phố.

Bắt đầu từ năm 1935, chính tay cụ Hiến đã trồng những gốc mai anh đào đầu tiên từ cầu Ông Đạo lên đến rạp Hòa Bình. Kể từ đó, sắc hồng vừa mai vừa đào này luôn tô đẹp cho Đà Lạt mỗi độ xuân về.

Không ngẫu nhiên mà người ta ví Đà Lạt là xứ hoa đào, bởi Đà Lạt có hơn 80.000 cây mai anh đào, có hẳn một nhà thờ tên Mai Anh (Domaine de Marie) vì xưa kia được xây dựng trên một ngọn đồi phủ hồng sắc mai anh đào mỗi khi xuân về, thậm chí có luôn một con đường tên Mai Anh Đào. Tuy nhiên, để thật sự chiêm ngưỡng được cái gọi là "tô hồng muôn nơi", bạn cần đi xa hơn một chút.

Tại Lạc Dương, người dân địa phương vẫn còn giữ được khu rừng mai anh đào tự nhiên. Theo các già làng ở khu vực dưới chân núi Langbiang, rừng mai anh đào đã tồn tại rất lâu từ trước khi người Pháp đặt chân đến đây.

Đứng từ xa, trên một triền dốc, nhìn về, dân nhiếp ảnh và người yêu thiên nhiên sẽ ngất ngây trước một khoảng không gian được nhuộm hồng ngọt ngào giữa núi rừng bạt ngàn.

Từ chân núi, đi dọc theo các khu vực ngoại ô Đà Lạt như Xuân Trường, Cầu Đất, Đạ Sar, bạn sẽ thật sự ngỡ ngàng với hàng dãy mai anh đào san sát nhau hoặc những gốc mai anh đào cổ thụ che hồng cả một ngôi nhà gỗ xưa.

Bạn dẫn tôi đi qua những thung sâu ngọt hồng mai anh đào. Mùa xuân chấp chới trên vòm trời biêng biếc. Một tối muộn, giữa ngôi nhà sàn đơn sơ, chúng tôi nhấp từng ngụm rượu mai anh đào nghe xuân căng tràn lên tuổi đôi mươi.

Bạn bảo, sau khi hoa tàn, sẽ lộ ra các trái nhỏ từ gốc của đài hoa. Người dân sẽ hái trái mai anh đào đem về ngâm rượu để tạo ra một loại đặc sản dành riêng cho người bản xứ.

Rượu mai anh đào ít được phổ biến, chỉ là người trong nhà truyền dạy với nhau. Vì thế, thức uống đặc biệt sau mùa xuân này vẫn còn là một bí mật gia truyền của vài hộ gia đình ở Đà Lạt.

Hồn quẩn quanh theo cánh trắng rơi

Những năm gần đây, thành phố ngàn hoa lại có thêm một nét đặc trưng mới cho những ngày cuối Chạp đầu xuân, đó là "mùa trắng hoa ban". Mùa cuối năm, rất nhiều du khách đổ dồn về Đà Lạt để săn cho được những bức ảnh đẹp về loài hoa này.

Trước đây, muốn săn hoa ban, bạn phải vất vả tìm về vùng núi Tây Bắc. Từ năm 2007, giống hoa ban Tây Bắc đã được đem về trồng ở các trục đường chính cửa ngõ của Đà Lạt như Trần Phú, Hùng Vương, Phù Đổng.

Từ khi có hoa ban, Đà Lạt càng thêm ấn tượng với các loài hoa trái khoe sắc quanh năm theo từng tháng, từng mùa. Tháng 10 dã quỳ nở rộ, tô vàng khắp các triền đồi ven đường; tháng 11 trái hồng chín đỏ mọi con đường cổ xưa của Đà Lạt. Các trận gió đông về chuẩn bị cho sắc hồng đón xuân của mai anh đào. Hoa ban thường chớm nở cuối đông, rực trắng vào đầu xuân và kéo dài đến tận đầu hạ.

Mùa chưa ra hoa, cây ban giúp phủ xanh nội ô Đà Lạt, tạo thành những con đường rợp bóng. Người Đà Lạt rất yêu loài cây này, nhất là mùi hương thanh dịu từ trên cao tỏa xuống bát ngát, lan xa cả vùng đồi núi.

Trong cái rét, cái gió, khí trời bàng bạc sương mù, ngước lên cao, hàng cây rộ hoa trắng tinh khiết như biến những con đường Đà Lạt thành khung cảnh trong một bộ phim lãng mạn. Rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến Đà Lạt mùa hoa ban để lưu lại những bức ảnh làm mê mẩn người xem. Rất nhiều đôi bạn cũng nương vào mùa hoa ban để tạo nên những bức ảnh cưới lung linh như cổ tích.

Dừng chân thật lâu trước cung đường trắng màu hoa ban, bạn nói, với hoa ban, đừng nhanh chân bước vội, đừng ngắm một cách hờ hững, sẽ không thể cảm nhận hết vẻ đẹp của chúng. Phải đi thật chậm rãi, chọn những con dốc để ngắm hoa ban từ trên cao xuống mới thấy được trọn vẹn cảnh sắc của hoa ban Đà Lạt.

Chạy dọc theo trục đường Trần Phú, đoạn nhà thờ con Gà; đường Quang Trung đến tận ga Đà Lạt; dốc Phan Chu Trinh hướng về hồ Than Thở hoặc đoạn đường Phù Đổng khu Dốc Đá, chúng tôi có nhiều ngày như thế, đi dưới vòm trời trắng hoa ban. Thoảng theo gió, vài cánh trắng mỏng như tuyết rơi. Thoảng theo gió, hồn tôi như lạc đâu đó ở những góc phố trắng ngần hoa ban.

Tôi nói với bạn, hoa ban đã góp thêm thi vị vốn có cho cuộc sống của người Đà Lạt và góp thêm chút ý nghĩa cho thành phố được mệnh danh là tình yêu và nỗi nhớ của bao người trót phải lòng nó.

Lặng nghe hoa hát

Tôi trở về Sài Gòn theo chuyến xe đêm, cậu bạn thân làm hướng dẫn viên du lịch của xứ sương mù cứ tần ngần dõi theo giữa đêm buốt lạnh. Chuyến xe khuất xa, bóng bạn đổ dài theo ánh đèn vàng heo hắt. Hẹn bạn, những mùa hoa tiếp theo, tôi lại lên với vùng cao nguyên lạnh này.

Long Mỹ Thiên Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI