|
Kiểm tra kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn cho người chơi. Trong ảnh là phi công đang lắp dây bảo hộ cho Sương, một bạn nữ từ Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch và tham gia bay dù lượn |
Cuối tuần, tôi lên bán đảo Sơn Trà - báu vật của Đà Nẵng - bay dù lượn. Đó là một trò chơi thật sự thú vị ở một khung cảnh thiên nhiên hiếm có của Việt Nam.
Biển một bên và núi một bên
Bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.370ha, là dãy núi án ngữ phía đông bắc thành phố Đà Nẵng, tạo nên bức tường thành ngăn gió bão làm cho vũng Đà Nẵng kín gió, trở thành nơi neo đậu an toàn hơn cho tàu thuyền.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ động vật Sơn Trà có trên 100 loài, trong đó có tám loài thuộc loại quý hiếm. Hệ thực vật cũng rất phong phú với 289 loài, trong đó có 64 loại gỗ lớn, 107 loài cây thuốc, cây cảnh. Rừng Sơn Trà được xếp vào danh sách trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1977. Với sự độc đáo hiếm có, một bên là núi, một bên là biển; du lịch Sơn Trà luôn hấp dẫn du khách tới Đà Nẵng.
Môn thể thao không dành cho người sợ độ cao
Càng thú vị hơn khi bạn chơi trò bay dù lượn từ đỉnh Sơn Trà để nhìn ngắm toàn cảnh bán đảo xinh đẹp này cũng như phố phường Đà Nẵng.
Nhảy dù ở Đà Nẵng là một hoạt động tự do, không phải dịch vụ hay một phần trong tour du lịch nào. Hiện hoạt động này chỉ do Câu lạc bộ (CLB) dù lượn Đà Nẵng - Danang Paragliding - tổ chức tại đỉnh núi Sơn Trà.
Anh Dương Hiển Hoàng - Chủ nhiệm Danang Paragliding - cho biết hiện câu lạc bộ có khoảng 25 thành viên đam mê bộ môn dù lượn. Họ là những người nước ngoài làm việc tại Đà Nẵng và cả người đến từ Hà Nội, TP.HCM. Để được phép hoạt động bay ở đây, CLB phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục như: chứng chỉ bay dù lượn, cấp phép của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, sự cho phép của quản lý thành phố…
Riêng anh Hoàng đã có kinh nghiệm bay lên tới hàng trăm giờ. Anh kể, việc kiểm tra và cấp chứng nhận phi công lái dù lượn cũng như lái máy bay. Chứng chỉ sẽ được phân loại thăng cấp dần từ A, B, C, D… Bên cạnh giấy chứng nhận trong nước, anh còn sang Nhật học thêm và được cấp giấy chứng nhận tại Nhật. Thỉnh thoảng, CLB lại mời những chuyên gia nước ngoài về phổ cập kinh nghiệm cho thành viên.
|
Phi công đang bay đôi cùng Lan, cô gái đến từ TPHCM. Lan và một người bạn cũng đã đặt lịch bay với anh Hoàng cả tháng nay |
Đây là một môn thể thao mạo hiểm. Để đảm bảo an toàn, người tham gia cần tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Khi thời tiết mây mù, mưa, bão và sau 16g30, gió thường thổi không đúng hướng, bạn không được phép bay. Hơn nữa, để tham gia, bạn cần có sức khỏe tốt, đặc biệt là không sợ độ cao.
Một trưa thứ Bảy nắng đẹp và gió tốt, chúng tôi đi taxi từ bãi đáp dưới bờ biển chạy lên phía đỉnh Bàn Cờ. Nơi đây, CLB được cấp phép làm một bãi nhảy khá bằng phẳng.
Khi đã lắp đặt và thử xong hệ thống dù, anh Hoàng cẩn thận lắp đặt dây đai cho tôi. Chúng tôi được kết nối với nhau bằng một hệ thống dây đai vững chắc. Theo anh Hoàng, bay cặp thường dễ hơn bay đơn hoặc bay thi đấu do dù lớn hơn.
Gió vẫn nổi đều, cánh dù bung lên giật nhẹ chúng tôi về phía sau. Chúng tôi lượn nhanh về phía trước, hướng ra phía bờ vực. Ấn tượng nhất là lúc này, khi bạn từ trong bờ lao ra vực sâu rồi được dù nâng giật lên, nhìn xuống choáng ngợp hoàn toàn.
“Thế là em bay rồi đấy”, anh Hoàng cười tươi trong khi tôi vẫn hét rất lớn với cảm giác thót tim và phiêu linh khó tả.
Chúng tôi lượn qua những triền núi Sơn Trà xanh ngắt đủ loại cây cối đặc trưng của rừng nhiệt đới. Xa xa dưới chân tôi là chùa Linh Ứng, là mênh mông biển rộng trải dài tít tắp xuống phía Hội An, là những ngôi nhà chọc trời đua nhau mọc lên ở trung tâm Đà Nẵng…
Spiral là động tác do phi công lái cho cánh dù xoay tròn nhiều vòng, lúc đó lực văng (lực G) tăng cao cảm giác rất phấn khích. Tuy nhiên khuyến cáo những động tác khó yêu cầu người phi công phải học và tập luyện thường xuyên, những phi công mới học bay không nên thử.
|
Khi đã vượt qua cảm giác choáng ngợp của cú nhảy cất cánh ban đầu, tôi sững sờ bởi cảnh sắc thiên nhiên; mải mê chụp ảnh, quay phim. Ra đến phía biển, thấy tôi hào hứng, anh Hoàng gợi ý: “Thử cảm giác mạnh chứ?”. Tôi gật đầu ngay, vậy là anh níu mạnh một bên dây dù, chiếc dù nghiêng bay xoay vòng với tốc lực khó tả, khiến tôi hú hét xong người vẫn lâng lâng phấn khích. Bay theo cột khí nóng - Spiral - là cách gọi của động tác này.
Tùy sức khỏe của người bay cùng, phi công sẽ thiết kế hướng bay, cách bay và thời gian bay hợp lý. Tôi khỏe tiền đình nên anh Hoàng để tôi trải nghiệm cú Spiral. Cú tiếp đất của chúng tôi trên bãi biển nhẹ tênh. Anh Hoàng bảo, từ trước tới nay các chuyến bay đều khá thành công. Cũng có khi bị rơi (do người bay cùng nặng và phối hợp chạy chưa khớp hoặc gió không thuận lợi) nhưng chỉ ở giai đoạn cất cánh nên không nguy hiểm. “Đây là môn thể thao mạo hiểm, bị rơi thì xây xước tí rồi lại bay tiếp. Khi dù đã bay thì không còn nguy hiểm nữa bởi anh em đều cứng tay và có số giờ bay nhiều”, anh Hoàng chia sẻ.
Vào mùa thời tiết thuận lợi, rất nhiều người liên hệ để được bay trải nghiệm. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều bạn nữ đến từ khắp nơi trên đất nước. Cảm giác ban đầu của họ là sợ nhưng luôn muốn vượt qua nỗi sợ đó để trải nghiệm. Nhiều bạn nữ đăng ký bay nhiều lần mỗi dịp ghé thăm Đà Nẵng.
Với sự hấp dẫn của môn thể thao này, nếu địa phương nghiên cứu để phát triển thành một sản phẩm du lịch, chắc chắn sẽ có thêm trải nghiệm cho du khách mỗi lần tới Đà Nẵng.
|
Một cảm giác rất thú vị đến khó tả khi bay lượn trên bán đảo Sơn Trà, ngắm phố biển Đà Nẵng từ trên cao |
Vì số lượng người muốn tham gia trải nghiệm bay dù lượn khá đông, bạn cần liên hệ với phi công để đặt bay trước tối thiểu hai tuần đến một tháng. Chi phí cho một lần bay là 1.300.000 đồng/người, chưa kể phí di chuyển lên đỉnh núi. Thời gian bay trung bình từ 10-15 phút, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, đặc biệt là gió.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng