Ngại COVID-19, người vợ nấu cơm cho chồng mang đi làm, cả tháng không lặp thực đơn

29/07/2020 - 05:56

PNO - Những hộp cơm đẹp bắt mắt do chị Minh Ngọc nấu cho chồng mang đi làm được không ít chị em trầm trồ, ngưỡng mộ. Theo chị Ngọc, để làm được việc này không quá khó, chỉ cần dành một chút thời gian và sắp xếp công việc hợp lý ...

Chị Minh Ngọc (32 tuổi), ở phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận nhiều lời khen ngợi khi đăng tải trên Facebook những hộp cơm đẹp với thực đơn không trùng nhau. Đó là hình ảnh những hộp cơm trưa chị chuẩn bị cho chồng mang đi làm mỗi ngày.

Trước đây, chị Ngọc làm nhân viên thiết kế đồ họa. Sau khi lập gia đình và có hai em bé (bé gái 3,5 tuổi và bé trai 2 tuổi) chị chuyển sang làm công việc tự do tại nhà. Chồng chị Ngọc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khá bận rộn. Anh rờitừ 8 giờ sáng đến 7, 8 giờ tối mới về đến nhà, chưa kể, hôm nào làm thêm thì đến 9, 10 giờ.

Có những hôm bận quá, anh ăn xong chỉ kịp ngủ một chút rồi lại đặt báo thức dậy làm tiếp. Có hôm, sáng vợ dậy nấu cơm, chồng mới lên giường ngủ.

Vợ chồng chị Minh Ngọc. Ảnh do nhân vật cung cấp
Vợ chồng chị Minh Ngọc. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Lúc trước, chồng chị Ngọc đi làm xa nhà, quanh văn phòng của anh có rất nhiều hàng quán, chị Ngọc lại bận con nhỏ nên việc nấu cơm đóng hộp không được thường xuyên. Khi chồng chị chuyển địa điểm làm việc, mỗi lần ăn trưa phải xa, đồng thời lúc ấy bùng phát dịch COVID-19 nên chị Ngọc nấu đều đặn hơn.

Hôm nào, chị quá kẹt việc, không có thời gian chuẩn bị cơm thì chồng chị sẽ tự lo bữa trưa. Ngày cuối tuần cả gia đình sẽ cùng nhau đi ăn ngoài tiệm để thay đổi không khí.

Những hộp cơm được bày biện đẹp mắt. Ảnh do nhân vật cung cấp
Những hộp cơm được bày biện đẹp mắt. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Chị Ngọc chia sẻ, chuẩn bị những hộp cơm mang đi không quá khó hay mệt, chỉ cần sắp xếp công việc sao cho hợp lý. Để không mất quá nhiều thời gian chế biến vào buổi sáng, chị Ngọc sẽ sơ chế thức ăn từ tối hôm trước.

Ví dụ nhặt, rửa rau, ướp thực phẩm chế biến món mặn... được làm cùng lúc với bữa tối, rồi chia hộp, bỏ tủ, sáng dậy chỉ việc xào nấu. Món nào cần hầm hay ninh nhừ như thịt kho tàu, cá kho, sườn om... thì chị làm từ hôm trước. Các món ăn kèm như mắm tép chưng thịt, kho quẹt, lạc chiên, kimchi, củ cải muối, dưa chua... để dành được thì chị tranh thủ ngày cuối tuần rồi đóng hộp bảo quản.

Mỗi bữa ăn có đủ ba món, riêng món canh chị đựng ở hộp riêng để chồng tiện mang đi làm. Ảnh do nhân vật cung câp
Mỗi bữa ăn có đủ các món đảm bảo dinh dưỡng, riêng món canh chị đựng ở hộp riêng để chồng tiện mang đi làm. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhờ vậy, sáng hôm sau chị chỉ mất khoảng 30 đến 45 phút để nấu cơm, xào rau, chế biến phần thức ăn mặn. Món nào có sự hỗ trợ của nồi chiên không dầu thì nhanh hơn, chỉ tầm 10 đến 15 phút là  xong

Chồng chị khá dễ tính trong việc ăn uống. Anh “có thể ăn cả thế giới” nên nấu gì thì anh ăn nấy chứ không đòi hỏi. Thông thường, mỗi buổi sáng khi chị tranh thủ nấu cơm thì chồng rửa mặt mũi và thay quần áo chuẩn bị cho các con đi học. Chị Ngọc tâm sự, chồng chị không giỏi việc nhà, nhưng chăm con rất giỏi. Tối về, chồng chị chơi với con và cho con ăn để vợ làm việc.

Thực đơn cơm hộp chị Ngọc nấu cho chồng không trùng lặp. Ảnh do nhân vật cung cấp
Thực đơn cơm hộp chị Ngọc nấu cho chồng không trùng lặp trong vòng một tháng rưỡi. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Hiện tại, chị Ngọc đã thực hiện được việc thay đổi thực đơn cơm hộp trong vòng một tháng rưỡi không trùng lặp. Chị dự định hoàn thành nốt thực đơn cho tháng thứ hai để tạo cảm hứng cho chị em tham khảo, thực hiện.

Hà Duy

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI