edf40wrjww2tblPage:Content
Chẳng biết đó có phải là sự thật không, nhưng việc Robben thừa nhận chuyện “ăn vạ” của mình đã gây ra cơn bão tranh luận trên báo chí cũng như các huấn luyện viên (HLV).
Zuniga vào bóng "triệt hạ" Neymar
Vẻ mặt đau đớn của Neymar
Khi người ta còn chưa thôi tranh luận về hành động của Robben thì một sự cố khác đã khiến cả đất nước Brazil phải khóc ròng. Sau pha va chạm với Zuniga (Colombia), thoạt nhìn chẳng có gì nghiêm trọng, Neymar lăn đùng xuống sân. Ban đầu, người ta cũng tưởng Neymar ăn vạ, nhưng khi bác sĩ vào sân, đưa ngôi sao số 10 này ra khỏi sân bằng cáng, người ta mới tin Neymar ngã thật. Neymar từng được người Tây Ban Nha cho là “kịch sĩ” sau một năm thi đấu ở La Liga và tại Brazil 2014, anh cũng đã không ít lần ngã ăn vạ trong trận đấu với Chile, nên bị nghi ngờ là đương nhiên.
Ranh giới giữa “ngã thật” và “ngã vờ” phải chăng quá mong manh? Kết thúc vòng đấu bảng, một thống kê không chính thức cho thấy, các cầu thủ Brazil là “kịch sĩ” giỏi nhất trên sân cỏ, với 17 trường hợp “lăn lộn” đầy đau đớn mà chẳng hề bị chấn thương - điển hình là cú ngã tuyệt vời của Fred đã mang quả phạt đền về cho Brazil trong trận khai mạc gặp Croatia.
Cú ngã của Robben dẫn đến quả phạt đền trong trận Hà Lan thắng Mexico, World Cup 2014
Tuy nhiên, người ta còn nhận ra sự trung thực của Robben vì anh đã dám thừa nhận hành vi “đánh lận con đen” của mình, nhưng với Fred thì chẳng hề nghe anh nói về cú ngã này. Phải chăng, mọi việc đúng như bình luận của Guillem, một nhà báo đang viết cho ESPN: “Người hâm mộ Nam Mỹ cho rằng, khi qua mặt được trọng tài để mang về quả phạt đền cho đội nhà thì cầu thủ đó trở thành anh hùng”?
Trước trận tứ kết gặp Hà Lan, HLV Costa Rica Jorge Pinto đã cảnh báo trọng tài về khả năng “ăn vạ” của Robben. Ông yêu cầu: “Mỗi khi có bất cứ cầu thủ nào vờ ngã, trọng tài phải phạt thẻ vàng ngay”. Có lẽ chẳng trọng tài nào “răm rắp” làm vậy, vì không phải lúc nào cũng có thể xác định trong tích tắc đó có phải là động tác cố tình hay không.
Chuyện ngã trong khu cấm địa với hy vọng có được quả phạt đền đã trở thành chuyện thường ngày của bóng đá. Thậm chí, có người còn cho đó là thực tế mà chẳng ai - trọng tài hay HLV - có thể phủ nhận hoặc loại bỏ hoàn toàn vì lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến quá nhiều pha vờ vĩnh tương tự, mà thủ phạm là những “tên tuổi” lớn.
Khi còn là tuyển thủ Đức, Juergen Klinsmann và Rudi Voeller đều nổi tiếng về khoản "ăn vạ"
Một trong những cầu thủ tai tiếng nhất về chuyện “ăn vạ” là Juergen Klinsmann, người từng cùng đội Đức đoạt Cúp Vàng năm 1990 và hiện là HLV tuyển Mỹ. Phút 64, trận chung kết Italia 90, sau cú chuồi bóng của hậu vệ đội Argentina Pedro Monzon, Klinsmann lăn đùng xuống sân như thể cú va chạm đó mạnh đến mức buộc anh phải giã từ sự nghiệp. Trọng tài lập tức rút thẻ đỏ phạt Monzon. Còn Klinsmann, sau vài phút nằm trên sân, anh chàng lồm cồm ngồi dậy, chạy trên như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
20 phút sau, một kịch sĩ Đức khác xuất hiện. Lần này là Rudi Voeller. Sau pha va chạm với hậu vệ Roberto Sensini, Voeller ngã vật xuống sân với vẻ đau đớn cùng cực, trọng tài Mexico Edgardo Codesal cho đội Đức hưởng quả phạt đền. Andreas Brehme thực hiện thành công và Đức có chiến thắng sau cùng 1-0 nhờ “quả lừa” của Voeller. Chính Brehme sau đó thừa nhận, chân của Sensini và Voeller không hề chạm nhau.
Rudi Voeller ở World Cup 1990
Nói một cách cực đoan, chỉ cần một vài pha “ăn vạ” mà đoạt Cúp Vàng như tuyển Đức ở World Cup 1990, thì “bệnh gì mà cữ?”. Sau này, nhiều cầu thủ đã học theo “sách” của Klinsmann và Voeller.
Đó cũng là lý do xảy ra tình huống khôi hài giữa Rivaldo và Hakan Unsal (Thổ Nhĩ Kỳ) trong một trận đấu ở World Cup 2002. Unsal đá bóng vào đầu gối Rivaldo, cầu thủ Brazil này ôm mặt ngã xuống đất, rú lên thất thanh. Lập tức, trọng tài phạt Unsal thẻ đỏ. Chỉ một phút sau, Rivaldo tiếp tục trận đấu như chưa hề có pha va chạm kia. Lúc đó, Rivaldo đã là cầu thủ rất nổi tiếng nhưng lại hành xử như một đứa trẻ. Vậy mà người Brazil vẫn tán dương Rivaldo, bởi họ cho rằng mọi thứ anh làm đều vì lợi ích của đội tuyển.
Cristian Ronaldo, Luis Suarez, Neymar… đều nằm trong danh sách các tiền đạo “bậc thầy” của nghệ thuật “ăn vạ”. Có lẽ Eugene Brazzale, một cựu trọng tài FIFA từ năm 1994, sau này trở thành nhà báo đã nói lên được một phần sự thật: “Các chàng trai ở Nam Mỹ xem bóng đá như cánh cửa giúp mình thoát khỏi cuộc sống ở khu ổ chuột. Vì vậy, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là có được thành công từ quả bóng. Họ còn biết, thành công không chỉ cần sự khéo léo mà phải có thêm sự thông minh và khả năng nắm bắt mọi cơ hội”. Theo Brazzale, chuyện cầu thủ ăn vạ chẳng có gì thay đổi kể từ thời của ông. “Chỉ là bây giờ có 20 camera được đặt quanh sân để sau đó có thể xác định khi nào là một động tác “ăn vạ”. Cầu thủ vẫn làm mọi cách đạt được lợi thế, trọng tài có phát hiện được không là tùy họ”, Brazzale nói.
Chẳng phải trong trận đấu với Chile ở vòng 1/8, Neymar cũng không ít lần “ăn vạ” sao? Trong khi Ronaldo (Ro “béo”) cho hành động của Zuniga là của quỷ dữ thì nhiều cựu danh thủ khác lại cho đó là “một phần tất yếu của bóng đá” khi cầu thủ nào cũng muốn có bóng và hành động của Zuniga còn “mềm mỏng” hơn so với pha bóng khác tại chính World Cup 2014.
Không thể phủ nhận thực tế, cầu thủ nào cũng muốn mang chiến thắng về cho đội nhà. Thoát được cặp mắt tinh tường của trọng tài thì tốt, không thì chấp nhận chịu phạt. Trong bóng đá hiện nay, thật khó nói về “đạo đức bóng đá”, bởi bất cứ cầu thủ nào ở World Cup cũng có tâm trạng “thắng là được tất cả, thua là mất hết”.
THIỆN NGA