Nga và Brazil tranh cãi gay gắt về tính an toàn của Sputnik V

01/05/2021 - 13:07

PNO - Brazil đã tuyên bố không nhập khẩu vắc-xin Sputnik V của Nga do lo ngại tính an toàn, mặc dù đại dịch COVID-19 đang tấn công mạnh vào nước này. Trong một cuộc tranh cãi dữ dội vào ngày 29/4, các quan chức Nga đe dọa sẽ kiện Brazil vì tội phỉ báng, trong khi phía Brazil công bố các hồ sơ và dữ liệu chứng minh cho quan điểm của họ.

Các quan chức của Anvisa - Cơ quan Giám sát y tế quốc gia của Brazil - cho rằng tài liệu do Viện nghiên cứu Gamaleya ở Moscow cung cấp đã không đưa ra đầy đủ thông tin về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Sputnik V, nhất là thông tin liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Vắc-xin Sputnik V đã gây tranh cãi ngay từ đầu khi được đưa vào sử dụng
Vắc-xin Sputnik V đã gây tranh cãi ngay từ đầu khi được đưa vào sử dụng

Anvisa cũng chỉ ra rằng, tài liệu liên quan đến Spunik V còn đề cập đến một điểm bất hợp lý khác, đó là vắc-xin này không thể dựa vào các loại vắc-xin bệnh cảm cúm bất hoạt để sinh ra các phản ứng miễn dịch giúp chống lại COVID-19, trong khi điều này có thể xảy ra trên thực tế và đã được một số nhà khoa học chứng minh.

Phát hiện nói trên đã khiến nhiều chuyên gia về vắc-xin và hàng chục quốc gia, vốn đang tiếp nhận các nguồn tài trợ vắc-xin do Nga sản xuất với hy vọng đẩy nhanh chương trình tiêm ngừa COVID-19 cho người dân, không khỏi lo lắng. Nếu phát hiện của Brazil được xác nhận là đúng thì điều đó có nghĩa là quá trình sản xuất Sputnik V đã bị trục trặc và vắc-xin này sẽ khó có thể được các cơ quan quản lý đứng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận đưa vào sử dụng. “Nếu điều này là sự thật thì Sputnik V đã thất bại”, John Moore - một nhà virus học của Đại học Y Weill Cornell ở New York, nói.

Nga đã phản ứng rất mạnh mẽ trước đánh giá tiêu cực của Anvisa về Sputnik V. “Điều đáng tiếc là quyết định của Anvisa về việc ngưng sử dụng vắc-xin Sputnik V lại mang tính chính trị và không liên quan gì đến những thông tin khách quan và các kiến thức khoa học mà cơ quan này có được”, một tuyên bố, được đăng trên trang web chuyên dùng để quảng bá vắc-xin, có đoạn viết.

Đến ngày 29/4, những bất đồng xoay quanh tính an toàn của Sputnik V giữa Nga và Brazil đã leo thang thành một cuộc tranh cãi công khai gay gắt. Phía Nga cho rằng Anvisa đã loan “tin giả”. Đáp lại, Anvisa đã công bố đoạn ghi âm liên quan một cuộc hội đàm từ xa với các quan chức của Gamaleya. Trước đó, trên tài khoản Twitter chính thức của vắc-xin Sputnik V, các nhà chức trách Nga đã lên tiếng phản đối phân tích của Anvisa, cho rằng vắc-xin COVID-19 do một số nước khác sản xuất thậm chí còn có độ an toàn kém hơn, và tuyên bố sẽ khởi kiện cơ quan này vì đã có hành động phỉ báng và “cố ý truyền bá thông tin sai lệch và không chính xác” về Sputnik V.

Thông tin đăng tải tên tài khoản Twitter của Sputnik V cho biết vắc-xin này hiện đang được chấp thuận sử dụng tại hơn 60 quốc gia trên thế giới
Thông tin trên tài khoản Twitter của Sputnik V cho biết vắc-xin này hiện đang được chấp thuận sử dụng tại hơn 60 quốc gia trên thế giới

Đáp lại, trong một bài thuyết trình được đăng trên kênh YouTube của chính phủ Brazil hôm 29/4, các quan chức Anvisa đã chỉ ra một phần tài liệu của Nga có đề cập đến sự xuất hiện của các loại virus có khả năng sinh sản mà họ đã xem xét. Đoạn video cũng trích dẫn một đoạn trong cuộc hội đàm qua điện thoại kéo dài 3 tiếng vào ngày 23/4, mà tại đó các quan chức Anvisa cho biết họ đã yêu cầu Gamaleya cung cấp thêm thông tin về Sputnik V nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào. “Nếu họ muốn kiện chúng tôi thì cứ kiện. Chúng tôi sẽ trả lời thông qua các kênh phù hợp”, Antonio Barra Torres, người đứng đầu Anvisa, nói với các phóng viên hôm 29/4.

Trên thực tế, Sputnik V đã gây tranh cãi ngay từ đầu khi được đưa vào sử dụng. Nga đã chính thức triển khai tiêm chủng loại vắc-xin này từ tháng 8 năm ngoái trong khi các thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất. Điều may mắn là việc “đánh cược” này có vẻ như đã đem lại thành công cho Nga trong tháng 2 năm nay, khi một bài báo được xuất bản trên The Lancet, một tạp chí y khoa, đã cho biết Sputnik V có hiệu quả đến 91,6% trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Sputnik V là loại vắc-xin gồm hai liều virus cảm lạnh thông thường được gọi là adenovirus. Liều đầu tiên là một loại virus có tên là Ad26 và liều thứ hai là Ad5. Trong Sputnik V, các loại virus này được biến đổi để tạo ra protein “tăng đột biến” từ coronavirus, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công lại coronavirus. Các adenovirus của của Sputnik V cũng được cho là thiếu hai gen quan trọng mà các loại virus cần phải sinh ra.

Các nhà sản xuất Sputnik V đã ứng dụng các công nghệ cơ bản tương tự như công nghệ mà các hãng Johnson & Johnson đã dùng để sản xuất ra vắc-xin một liều duy nhất có chứa virus Ad26 đã biến đổi, và AstraZeneca với vắc-xin hai liều có chứa một loại adenovirus khác thường lây nhiễm cho loài tinh tinh.

Phấn khởi trước kết quả thử nghiệm lâm sàng ban đầu, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), do Điện Kremlin thành lập để đầu tư vào các công ty trong nước, đã cung cấp vắc-xin cho hàng chục quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, như một nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Thông tin đăng tải trên tài khoản Twitter của Sputnik V cho biết vắc-xin này hiện đang được chấp thuận sử dụng tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, do không đủ chuyên môn và điều kiện để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các loại dược phẩm và vắc-xin mới nói chung, nhiều nước trong số này có xu hướng thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu, trong khi chưa có tổ chức nào trong số này “bật đèn xanh” cho Sputnik V.

Nhất Nguyên (theo Buzz Feed News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI