Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 4-10 xác nhận nước này đã chuyển một bệ phóng tên lửa phòng không S-300 tới Syria, mục đích bảo vệ căn cứ hải quân và tàu chiến Nga tại đây.
Ông Igor nói với các phương tiện truyền thông rằng hệ thống S-300 đã được triển khai tới Syria để bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở TP Tartus cùng tàu chiến đóng tại khu vực ven biển Syria. Vị này cũng thắc mắc S-300 hoàn toàn là hệ thống phòng thủ, không có khả năng đe dọa nhưng phương Tây vẫn “làm ầm ĩ mọi chuyện” liên quan tới hoạt động nói trên.
Theo đài CNN, hệ thống mà Nga xác nhận triển khai ở Syria mới nhất là phiên bản cải tiến của S-300, tên mã S-300VM (phương Tây còn gọi là SA-23). Nó giúp Moscow mở rộng đáng kể khả năng phòng không ở phía Tây Bắc Syria.
|
Nga chuẩn bị kế hoạch B để ứng phó ở Syria ngay sau khi Mỹ có bước đi mới. |
Một quan chức Washington dự đoán S-300 có thể được triển khai ở 1 trong 3 địa điểm: sân bay Bassel Al Assad, khu vực Masyaf hoặc núi Baniyas.
Dù Mỹ không tin rằng Nga triển khai S-300 với mục đích nhằm vào phi công Mỹ nhưng Washington vẫn xem đây là "mối lo ngại". Trong 3 địa điểm mà Moscow có thể đặt S-300, khu vực núi Baniyas ở Tây Bắc Syria là vị trí quan trọng có thể khiến phi công Mỹ gặp nhiều rắc rối nếu bay qua đây.
Nếu được thiết lập ở vị trí cao, radar của S-300 có thể “nhìn” tới tận TP Dier Ezzor, miền Đông Syria, cách thủ đô Damascus khoảng 430 km về phía Đông và nằm rất gần khu vực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kểm soát.
Các quan chức Mỹ cho rằng người Nga đang muốn mở rộng phạm vi phòng không tới Dier Ezzor để chứng minh cho thế giới rằng họ và chính phủ Syria đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ khác, Nga và Syria hiện “không đủ khả năng quét sạch các lực lượng chống chế độ Assad, bao gồm lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) vốn có khoảng 100.000 tay súng hoạt động trên khắp Syria”. Vì vậy, Moscow phải tăng cường phòng thủ trên không trong bối cảnh chưa thể khẳng định quyền kiểm soát trên mặt đất.
Nga nêu điều kiện nối lại thỏa thuận hạt nhân với Mỹ
Cùng ngày 4/10, nguồn tin từ Hạ viện Nga cho biết nước này có thể khôi phục hiệu lực Thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky.
|
Nga nêu điều kiện với Mỹ. |
Ngoài ra, Moscow cũng yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì nước này buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả và yêu cầu Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển cho Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) phê chuẩn dự luật đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutonium ký với Mỹ. Theo nội dung dự luật, quyết định gia hạn hiệu lực và các biên bản liên quan sẽ do Tổng thống Liên bang Nga thực hiện.
Trước đó, ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium, chất có thể chế tạo bom nguyên tử giống như uranium, vì những hành động "thù địch" của Washington đối với Moscow; trong đó có cả hệ quả của những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Nga.
Tổng thống Putin đưa ra quyết định này là do những thay đổi cụ thể của tình hình hiện nay, việc xuất hiện những mối đe dọa ổn định chiến lược vì Mỹ có các hành động "thù địch" đối với Nga và Washington "không đủ khả năng" bảo đảm việc thực thi những cam kết về việc sử dụng lượng plutonium để chế tạo vũ khí đang ở mức dư thừa theo các hiệp ước quốc tế.
Một lý do nữa là xuất phát từ việc Nga cần áp dụng các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Sắc lệnh cũng nêu rõ plutonium không được sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác, cũng như không được sử dụng trong nghiên cứu hoặc thử nghiệm các thiết bị nổ tương tự hay bất kỳ mục đích quân sự nào khác.
Xung đột Nga – Mỹ vượt thời Chiến tranh Lạnh
Hãng tin Sputnik dẫn phân tích của một số chuyên gia Nga cho rằng, những động thái mạnh mẽ của cả hai phía có thể nhanh chóng biến thành xung đột trực tiếp giữa Washington và Moscow, trong đó Mỹ sẽ có cơ hội tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria.
Sau rất nhiều cố gắng, Nga đã không thể đạt được, thậm chí hạn chế hợp tác với chính quyền Tổng thống Barack Obama về khủng hoảng Syria, và những điều có thể nhận được thậm chí còn tồi tệ hơn dưới sự kiểm soát của chính quyền Obama.
Sergei Ermakov, một chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược Nga cho biết, Moscow và Washington đã tự đưa mình vào “vòng tay thần chết” ở quốc gia Trung Đông.
"Mức độ nguy hiểm của xung đột Mỹ - Nga thậm chí vượt qua cả thời Chiến tranh Lạnh" như đánh giá của các nhà phân tích.
“Sự thật là cả Nga và Mỹ không tham gia vào một cuộc đối đầu về tư tưởng nhưng kỳ lạ hơn, điều này lại càng làm cho tình hình không thể đoán trước, và dẫn đến hậu quả nguy hiểm hơn”.
Theo các chuyên gia, nỗ lực của Mỹ để làm suy yếu nước Nga có thể bao gồm việc sử dụng các lực lượng đối lập ôn hòa để tấn công Nga, cung cấp cho các chiến binh với vũ khí tiên tiến, phối hợp các hoạt động của họ và chia sẻ thông tin tình báo.
Kịch bản này có thể khiến máy bay Nga bị bắn hạ. Trong thực tế, đây là điều tương tự Mỹ đã làm ở Afghanistan. Nếu điều này xảy ra, thì những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ ở Trung Đông không phải là không có cơ sở.
Ngày 3/10, Đại sứ quán Nga tại Syria đã bị trúng nhiều đạn cối, trong đó một quả đạn đã nổ gần khu nhà ở bên trong khu vực đại sứ quán và hai quả đạn khác nổ ngay bên cạnh.
Mặc dù không có nhân viên nào bị thương, song trong thông báo đưa ra một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Nga coi vụ bắn phá Đại sứ quán Nga tại Damascus như hệ quả của “những bên như Mỹ và một số đồng minh khiêu khích để xung đột đẫm máu tại Syria tiếp diễn".
Minh Đức