Nga-Syria đánh rát IS, EU-Thổ Nhĩ Kỳ cần đàm phán Geneva

14/03/2016 - 07:04

PNO - Ankara đang trong tình thế nguy nan, dù có lựa chọn như thế nào nước này cũng mắc kẹt với liên minh Nga - Syria, liên minh Mỹ - NATO và EU.

Nga-Syria giam chân khủng bố ở biên giới Thổ

Theo lịch trình, hôm nay (14/3), các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán hòa Syria tại Geneva (Thụy Sĩ). Trên thực địa, Không quân Nga-Syria vẫn tấn công cuốn chiếu dồn đuổi IS, khủng bố chạy về phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

Cụ thể ngày 11/3, Lữ đoàn 555 thuộc sư đoàn cơ giới 4 quân đội chính phủ Syria đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, Liwaa Al-Quds, Kataeb Al-Ba'ath mở chiến dịch tấn công và giải phóng các làng Al-'Aala, Al-Hayat Al-Saghirah, Al-Hayat Al-Kabeerah gần bờ nam của Hồ Jubboul trên miền Đông Nam Aleppo.

Nga-Syria danh rat IS, EU-Tho Nhi Ky can dam phan Geneva
Quân đội Syria tiêu diệt khủng bố tại Aleppo.

Lực lượng khủng bố ở Aleppo cũng liên tiếp nhận thất bại khi quân đội Syria và các lực lượng đồng minh tiếp tục mở các đợt tấn công vào làng Shabib, Kharbeel, Akeel, Al-Qalayat, Sirada trên bình nguyên Khanasser,...

Có một điều rằng, liên quân Nga không đánh rát, đánh mãnh liệt theo kiểu dồn IS, khủng bố vào nồi hơi Aleppo rồi truy sát bọn tàn quân mà thực hiện chiến thuật dồn khủng bố về biên giới, để một đường thoát duy nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới.

Mục đích cuối cùng của Nga, quân đội Syria là dồn khủng bố về vùng đất giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ kìm chân chúng tại đó để gây sức ép lên Ankara.

Một yếu tố quan trọng nữa làm gia tăng bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ đến từ khu vực biên giới bất ổn và bị xé nát bởi cuộc chiến ở Syria. Lượng lớn người tị nạn và gồm những kẻ khủng bố ồ ạt tràn vào Thổ qua con đường này. Những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia tăng một cách đáng kinh ngạc.

Điều này khiến Thổ ở trong thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu Thổ mở cửa biên giới cho dòng tị nạn di cư ào sang EU thì khiến châu Âu có khả năng tan vỡ. Chính Ankara đã tựa vào điểm này để đưa ra yêu cầu và ép EU chấp nhận những điều kiện hoang đường.

Trong cuộc gặp gỡ gần đây giữa lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels (Bỉ) để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư, Ankara đã bất ngờ đưa ra các đề xuất với EU.

Nga-Syria danh rat IS, EU-Tho Nhi Ky can dam phan Geneva
Người tị nạn từ Syria tràn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý trong bản kế hoạch là việc Ankara yêu cầu EU tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính lên hơn 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) đến năm 2018 để tiếp nhận người tị nạn. Bên cạnh đó, Ankara cũng yêu cầu Châu Âu miễn thị thực nhập cảnh cho công dân nước mình và muốn điều này có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9/2016.

Một đề nghị khác là khởi động lại đàm phán về việc gia nhập Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà nước này đã chờ đợi trong nhiều năm qua.

Tất nhiên, EU không thể đồng ý với các điều kiện này. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz tuyên bố, việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư. Ông M.Schulz nhấn mạnh, Châu Âu sẽ phân biệt rõ ràng các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Mặt khác, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới dù là với ý định chặn người tị nạn sang châu Âu, hay không cho người Kurd tấn công Ankara thì rõ ràng việc hình thành nên Nhà nước tự trị của người Kurd là điều khó tránh khỏi, và Ankara luôn lo sợ điều này. Bởi vậy Thổ đang đứng trong tình thế vô cùng khó khăn.

Việc hình thành một Nhà nước tự trị của người Kurd có thể sẽ được Nga - Mỹ đem ra mặc cả, đàm phán vì rõ ràng đây sẽ là một giải pháp nhân đạo cho tất cả các bên.

Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria cần đàm phán hòa bình hơn?

Nếu nhìn một cách tổng thể thì rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thế nguy nan hơn là Syria. Bởi thực chất, dưới sự hỗ trợ của Không quân Nga, quân đội Syria đang làm chủ chiến trường, kiểm soát vùng đất rộng lớn, đông dân cư. Và dù tình thế có xoay vần, hòa đàm có thất bại hay thành công thì Damacus vẫn có thể cầm cự.

Còn Thổ bỗng nhiên chịu sức ép từ các bên. Tờ Lenta của Nga ngày 11/3 dẫn lời Giáo sư Paul Shlikov của Viện châu Á và châu Phi thuộc Đại học Lomonosov cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang lâm vào một tình huống vô cùng khó khăn là phải đối mặt với nhiều mối nguy cùng lúc đến từ sự chia rẽ về chính trị-xã hội, sự suy thoái kinh tế, sự leo thang căng thẳng cả ở trong và ngoài nước.

Nga-Syria danh rat IS, EU-Tho Nhi Ky can dam phan Geneva
Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ đảo chính.

Lần này, không giống như sự bất ổn chính trị và kinh tế xảy ra trong những năm 1970 và 1990, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là kết quả của các cuộc xung đột giữa chính sách đối nội và đối ngoại thực dụng của Ankara mà các nhà lãnh đạo nước này gần đây theo đuổi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI