Báo động đỏ
Từng là trung tâm sản xuất phim lớn nhất thế giới, Hollywood đang đối mặt đà suy giảm chưa từng có. Theo tin mới nhất được đăng trên Reuters, quý I/2025, số ngày quay phim tại Los Angeles giảm tới 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất phim truyền hình giảm 30,5% và phim điện ảnh giảm gần 29%.
 |
A Minecraft Movie (trên) và Exhuma là 2 trong số các bom tấn thành công trong những năm gần đây |
Lý do chủ yếu được cho là sự thiếu hụt đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất sang các khu vực có chính sách ưu đãi thuế tốt hơn như Anh hay Georgia (Mỹ) và New Mexico (Mỹ). Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Business Insider, diễn viên kiêm đạo diễn Ben Affleck đã cảnh báo: “California đang đánh mất Hollywood vì không có chính sách tài chính cạnh tranh”.
Bên cạnh đó, xu hướng rút ngắn thời gian chiếu rạp - hiện chỉ còn trung bình 52 ngày trước khi phim được phát hành trực tuyến - cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu phòng vé. Tính đến đầu năm 2025, đã có khoảng 5.700 rạp chiếu phim tại Mỹ phải đóng cửa. Đây là con số đáng báo động.
Tại châu Âu, tín hiệu phục hồi đã xuất hiện nhưng chưa thật sự bền vững. Năm 2024, Pháp ghi nhận có thêm 1 triệu lượt khán giả so với năm trước, đưa doanh thu trở lại mức trước đại dịch. Theo số liệu từ Cineuropa, toàn khu vực đã tiêu thụ khoảng 841 triệu vé, đạt mức tương đương với năm 2023. Thực tế trên cho thấy thị trường phim ảnh ở châu Âu ổn định nhưng chưa có sự bứt phá rõ rệt.
Trong khi đó, Anh lại rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh khi chi tiêu cho sản xuất phim và truyền hình giảm tới 32% trong năm 2023, phần lớn do ảnh hưởng từ các cuộc đình công tại Mỹ và sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khán giả.
Ngày 17/4, The Korea Times đưa tin khán giả và doanh thu các rạp chiếu phim Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh vào tháng 3/2024. Số lượng vé bán ra ở các rạp chiếu phim trong nước tháng Ba giảm 45%, doanh thu giảm 54,6 tỉ won so với tháng Hai. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc cũng công bố kết quả yếu kém trong quý đầu tiên của năm nay: tổng lượng vé từ tháng Một đến tháng Ba giảm 32,6%, doanh thu giảm 33,6%.
Nguyên nhân được lý giải là do thiếu phim hay. Sau thời gian tận dụng các phim đã hoàn thành từ trước đại dịch, điện ảnh Hàn Quốc đang khan hiếm nội dung nghiêm trọng. Trong số 37 phim thương mại phát hành năm 2024, chỉ 10 phim có thể thu hồi chi phí sản xuất. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn bao giờ hết khiến tốc độ sản xuất càng thêm chậm lại.
Nếu không thay đổi kịp thời, năm 2026, công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể sẽ cạn kiệt nội dung. Đây là một thách thức lớn đối với quốc gia từng được xem là biểu tượng của làn sóng văn hóa Hallyu.
Xu hướng mới và nỗi lo toàn cầu
Công nghiệp điện ảnh đang phải gánh chịu quá nhiều hệ lụy dù đại dịch đã đi qua từ lâu. Khán giả vẫn chưa trở lại rạp. Tại Mỹ và Hàn Quốc, lượng người xem mới chỉ đạt khoảng 50 - 70% so với trước năm 2019. Trong khi đó, các hệ thống rạp - nơi tạo ra 70% doanh thu ngành - gặp khó khăn trong việc nâng cấp thiết bị và mở rộng định dạng cao cấp.
Khá nhiều phim “bom tấn” ra rạp không thể thu hồi vốn, chẳng hạn: Furiosa: A Mad Max Saga (Furiosa: Câu chuyện từ Max điên), Joker: Folie à Deux (Joker: Điên có đôi), Borderlands (Borderlands: Trở lại Pandora), Snow White (Bạch Tuyết)… Đặc biệt, phần lớn phim tầm trung và thấp thất bại liên tiếp. Việc ngành phim đang phụ thuộc quá nhiều vào số ít phim “bom tấn” tạo nên sự mất cân bằng nghiêm trọng.
Chu kỳ sản xuất phim kéo dài 2-3 năm khiến các hệ quả từ giai đoạn đại dịch bắt đầu lộ rõ từ năm 2023 đến nay. Nhiều dự án bị đóng băng, phim tồn kho dần cạn kiệt. Nhiều rạp buộc phải chiếu lại phim cũ để lấp đầy lịch trống. Chỉ riêng năm 2023, Hàn Quốc đã tái phát hành tới 228 phim. Việc thiếu hụt nội dung mới khiến ngành phim rơi vào vòng luẩn quẩn: lợi nhuận thấp, đầu tư giảm dẫn đến nội dung yếu và cuối cùng là khán giả quay lưng.
Xu hướng rút ngắn thời gian phát hành tại rạp, đẩy nhanh lên nền tảng số như Universal, Paramount… đang làm thay đổi cục diện phát hành phim trên thế giới và khiến doanh thu phòng vé thêm bấp bênh.
Ngã rẽ nào?
Thực tế cho thấy các ngành điện ảnh của Canada, Úc và một số quốc gia châu Âu có dấu hiệu đang phục hồi nhanh nhờ chính sách hỗ trợ mạnh của chính phủ và có hạ tầng tốt. Từ những “kiểu mẫu” này, các chuyên gia điện ảnh nhấn mạnh sự tiếp sức từ chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính trực tiếp từ giai đoạn phát triển ý tưởng. Mở rộng chính sách ưu đãi thuế, tập trung vào các dự án phim tầm trung thay vì dàn trải. Việc nâng cấp cơ sở vật chất và định dạng cao cấp cũng mang nhiều yếu tố quyết định. Khi nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng cao, các định dạng cao cấp như IMAX, 4DX, Dolby Cinema sẽ mang lại cho người xem những trải nghiệm không thể thay thế tại nhà.
 |
Bom tấn Snow White gây thất vọng cả về nội dung lẫn doanh thu |
Việc thay đổi phương thức phát hành được đề xuất kết hợp song song giữa rạp và nền tảng số. Không còn kỳ vọng độc quyền chiếu rạp, nhiều phim đã áp dụng mô hình chiếu rạp ngắn ngày rồi nhanh chóng lên nền tảng số để tận dụng dòng doanh thu kép. Một số hãng như Universal, Warner Bros áp dụng chiến lược phát hành sớm trên nền tảng với mức phí cao nhằm bù lại doanh thu phòng vé sụt giảm. Song song đó, cách kể chuyện cũng phải khác biệt. Khán giả đang đòi hỏi nội dung có chiều sâu, tính bản địa hóa cao, đa dạng và phải vượt khỏi lối mòn Hollywood.
Ngành điện ảnh toàn cầu đang đứng trước ngã rẽ lớn: chuyển mình theo hướng sáng tạo, linh hoạt hơn hoặc tiếp tục bị lấn át bởi các nền tảng streaming và nội dung ngắn? Nếu không có những thay đổi chiến lược, rất có thể cuộc khủng hoảng của nghệ thuật thứ bảy khó có hồi kết.
Hoàng Duy