Ly hôn với bản chất từ gốc là chữ “ly” đã không có màu sắc vui. Vậy nên chuyện một cô gái trẻ mở tiệc mừng khi vừa trở thành “vợ cũ người ta” nhận về nhiều phản ứng là dễ hiểu. Nhưng, ở góc nhìn khác, một bữa tối thân mật, thoải mái với bạn bè, những người muốn động viên cô vui lên, khép lại những ngày đã qua, đánh dấu một ngã rẽ trên đường đời… lại có thể được cảm thông. Ừ, thì không đồng hành nữa, người đi thẳng, người rẽ ngang, đường ai nấy đi thôi!
Không sai vẫn phải sửa!
“Với nhiều người, ly hôn là cách sửa sai. Chọn sai người để kết hôn, nhiều quan điểm trái ngược, sống chung rồi vỡ mộng, không thể “sống qua ngày chờ qua đời” thì đành ly hôn. Nhưng nhiều cuộc hôn nhân không sai vẫn phải sửa.
Chúng tôi nằm ở nhóm này. Kết hôn vì yêu nhau, cũng đã có những năm tháng mới sống chung rất vui, rất hạnh phúc. Nhưng sau này, gặp những biến cố, thay đổi trong công việc, cách sống cứ khác nhau dần, đến lúc thấy những kỷ niệm đẹp của tình yêu cũng thành cũ, bao tha thiết nhạt nhòa hết. Cả 2 đều không chấp nhận được những sự thay đổi của người kia.
Thế hệ cha mẹ chúng tôi luôn nhắc nhau phải nín nhịn, không còn tình thì còn nghĩa, phải vì các con… Thế nhưng chính vì các con mà không thể để chúng bị đầu độc bởi không khí lạnh nhạt, nặng nề, không có tình yêu. Ly hôn với chúng tôi là một cuộc phẫu thuật, chịu đau để sau đó cơ thể lành mạnh mà sống tiếp vui vẻ, hạnh phúc.
Điều khiến tôi đau đáu trong và sau khi ly hôn chính là nỗi buồn của ba mẹ. Với những thế hệ trước, ly hôn là đau khổ, là thất bại, là nỗi nhục nhã của gia đình và dòng họ. Phải rất lâu sau, gần 10 năm, với nhiều nỗ lực, cố gắng, tôi và các con mới khiến nỗi buồn ấy dần vơi.
Đến giờ, ông bà tạm yên tâm rằng chúng tôi vẫn là một gia đình tuy không đủ các thành viên nhưng vẫn có trách nhiệm với nhau và sống tốt. Chồng cũ của tôi cũng đã có gia đình mới, vui vẻ và hạnh phúc với việc tái hôn sau đó” - V.N. - một nữ luật sư - chia sẻ.
Chị cho biết tỉ lệ ly hôn gia tăng luôn khiến các chuyên gia xã hội học trăn trở nhưng nó cũng không hoàn toàn là một kết cục buồn, một sự tan vỡ như người ta vẫn mặc nhiên định kiến. Khi thấy không thể hòa hợp, khi không thể làm cho nhau tốt lên mà ngược lại, tất cả các mối quan hệ đều tệ đi khi sống chung, thì tách ra là việc nên làm. Sai hay không sai mà chỉ là không còn phù hợp cũng đều cần chỉnh sửa để cuộc sống của cả 2 cùng tốt hơn.
Đã ly hôn rồi thì sao?
Độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ, thời gian kết thúc hôn nhân ngắn hơn. Có những cặp đôi cưới chưa được 1 năm đã đưa nhau ra tòa. Thông tin này không còn gây sốc mà chỉ khiến nhiều người thở dài, so sánh quan điểm, định kiến của xã hội trong nhiều năm về trước với hiện tại rồi thốt lên: hôn nhân bây giờ không được xem trọng, bọn trẻ bây giờ dễ bỏ nhau quá.
“Quyết định ly hôn nhanh chóng không có nghĩa là giới trẻ coi thường hôn nhân hơn ông bà, cha mẹ mình. Chính xác hơn là vì những người trẻ tự nhận thấy giá trị của bản thân, coi trọng cảm xúc của chính mình hơn những lời đàm tiếu và định kiến xã hội dành cho ly hôn.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Những người trẻ không ngại, không đắn đo lo lắng về cuộc sống hậu ly hôn vì không phụ thuộc nhau. Làm ra tiền và sử dụng dịch vụ chăm sóc nhà cửa, bản thân…, phụ nữ hay đàn ông trở về cuộc sống độc thân cũng thấy bình thường.
Thời buổi cái gì cũng có thể đặt trên app - từ đồ ăn đến máy hút bụi hay giúp việc theo giờ - thì những người chủ động, quá quen với công nghệ không thấy bấn loạn gì. Những người trẻ cũng không sợ việc đã có 1 đời chồng/vợ là điểm trừ, ngược lại, có khi còn được đánh giá là từng trải nghiệm” - T.H.V. - một chuyên gia đang huấn luyện cho các cặp đôi trẻ - cho biết.
Chính vì suy nghĩ sau 1 lần đổ vỡ, người ta càng trân trọng việc lựa chọn và kết hôn vì đã thấm thía tầm quan trọng của việc chọn đúng người, các cô gái (và cả các chàng trai) không đánh giá thấp đối tượng đang hẹn hò với mình khi người ấy từng có gia đình. Thậm chí có con riêng cũng không là vấn đề quá lớn nếu đứa trẻ không là gánh nặng với người đến sau. “Miễn là đừng lừa đảo, đừng dối trá về tình trạng hôn nhân hiện tại.
Nói cho cùng, yếu tố con người quan trọng hơn hoàn cảnh của họ. Đã ly hôn rồi thì sao? Chẳng sao cả! Bước ra khỏi cuộc hôn nhân cũ, làm lại và giờ rất thành công… vẫn là một hồ sơ hẹn hò bao ngầu” - cháu gái tôi - người đang trải nghiệm với việc hẹn hò và tìm bạn trai qua app - nói vui nhưng rất thật.
Và trong sự tự tin, góc nhìn này bao hàm tính độc lập, trưởng thành của những người coi cuộc sống hôn nhân cũng là một trải nghiệm, một khóa học đặc biệt. Ở đó, tình yêu thương, tin cậy, sự chân thành và bình đẳng được đánh giá cao ngang ngửa nhau chứ không xếp hàng.
Tình yêu quan trọng mà tự trọng cũng cần. Nếu không được tôn trọng, những người trẻ sẽ không cố nín nhịn người kia để duy trì hôn nhân, họ cũng không chỉ thấy một màu xám phủ lên đời sống sau khi quyết định chia tay. Hiểu theo nghĩa tách ra chứ không phải tan vỡ, họ dừng hôn nhân như dừng khóa học đặc biệt để có thời gian tham gia khóa học khác.
Nhịp sống ở các đô thị là nguyên nhân nhiều cặp đôi rất trẻ đưa ra quyết định ly hôn nhanh và tiếc từng phút sống trong hành trình cuộc đời ngày càng ngắn dần của các cặp đôi không còn trẻ cũng là nguyên nhân khiến họ quyết định nhanh.
Với họ, hòa giải chỉ là thủ tục trong một phần quy trình ly hôn, không có ý nghĩa hay tác động nhiều. Suy nghĩ thật lâu, quyết định thật nhanh là cách xử lý của những người tưởng chừng kết thúc cuộc hôn nhân thật nhanh trong mắt người ngoài. Thực ra, họ đã tính toán, cân nhắc rất kỹ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Hòa giải là thừa?
Xin thưa là không! Hòa giải vô cùng quan trọng và có ý nghĩa nếu tình trạng hôn nhân của các cặp đôi vẫn còn có thể cứu vãn, mọi đề nghị “Ly hôn đi” khi họ quát vào mặt nhau chỉ là chuyện bốc đồng. (Nói thêm là các bà vợ trong cơn tức tối khi phát hiện chồng trăng hoa, chồng có quỹ đen quá lớn, chồng quên đón nên con suýt gặp nguy hiểm… đều có thể lập tức viết đơn. Mà đơn đã viết, cả 2 đã ký, tất nhiên phải gửi, thì hòa giải là rất cần). Cầu nối, làm rõ, đánh giá trung thực của 1 người khách quan sẽ khiến cả 2 bình tĩnh trở lại.
Quy trình, thời gian hòa giải buộc 2 người phải có thời gian để suy nghĩ lại tất cả những mất - được, nhiều người sau đó tự động rút đơn. Khoảng thời gian hòa giải là để người trong cuộc cân nhắc lại quyết định của chính mình chứ không phụ thuộc chính vào chuyện dàn hòa, tác động của các thẩm phán hay hội phụ nữ phường/xã hoặc gia đình 2 bên. Hòa giải không thành công là bạn quyết liệt với lựa chọn chia tay của chính mình chứ không phải những người làm công tác hòa giải thất bại.
Nếu bạn gửi thông điệp “Chúng tôi đã cân nhắc và thỏa thuận mọi điều chứ không quyết định trong nóng giận, không cần thời gian thêm nữa” cùng đơn xin ly hôn thì hòa giải thực sự chỉ mang tính thủ tục.
Cuộc sống là một hành trình, việc kết hôn như có người đồng hành, đi được với nhau đến đích cuối thì tốt. Song, nếu vì có đồng hành mà đi chậm hơn, mâu thuẫn nảy sinh không thể giải quyết khiến có lúc sa xuống hố, thậm chí lạc đường thì cân nhắc thật kỹ rồi quyết định chia hành lý, người đi tiếp, người rẽ ngang, đường ai nấy đi chứ không phải cùng đường, rớt xuống vực.
Ly hôn là ngã rẽ ấy.
Lê Lan Anh