Cách đây khoảng chục năm, gia đình chúng tôi chuyển đến sống tại một xóm lao động ở quận 12, TPHCM. Hàng xóm của chúng tôi là một cặp vợ chồng có 2 đứa con nhỏ rất dễ thương. Một ngày, chúng tôi hết sức bất ngờ khi họ chuyển nhà trong lặng lẽ, không một lời từ biệt với hàng xóm.
Mãi sau này tôi mới biết người chồng vướng vào bài bạc và nợ nần rất nhiều, họ phải bán nhà gấp, thanh toán được một phần khoản vay nặng lãi cho xã hội đen rồi thuê căn nhà nhỏ ở gần chợ để kiếm tiền trả nợ.
Khoảng 5-6 năm sau đó, một người hàng xóm của chúng tôi gặp lại người vợ, thấy chị già, tiều tụy rất nhiều và vẫn làm lụng vất vả để cùng chồng trả một đống nợ nần mà có thể kéo dài đến suốt đời.
Trong đầu tôi phảng phất ý nghĩ: “Sao người vợ đó không ly hôn, lấy một nửa giá trị căn nhà để nuôi con, dứt khỏi cái đống nợ mà mình không gây ra và cả đống nợ chính là ông chồng ham mê bài bạc kia nữa?”.
Trùng hợp là mấy tuần trước, tôi gặp lại một đồng nghiệp cũ với hoàn cảnh khá giống chị hàng xóm cũ. Chồng cô cũng vướng vào nợ nần do bài bạc. Sau khi giúp anh ta trả một phần, dù còn chút tình cảm nhưng cô vẫn quyết định ly hôn, nhận nuôi con gái 7 tuổi, để những hệ lụy trong những việc anh ta làm không ảnh hưởng tới cuộc đời của cô và con.
Cô đồng nghiệp của tôi vẫn tạo điều kiện cho cha con gặp nhau để con cô không bị thiếu bóng dáng người cha trong cuộc đời. Bên cạnh đó, cô có thể an tâm kiếm tiền, nuôi con và gầy dựng cuộc sống mới. Cô ấy bảo: “Thay vì cứ sống trong cảnh nơm nớp lo âu như đứng trên bờ vực hôn nhân, trước sự săn đuổi của các chủ nợ và bên cạnh ông chồng có thể tái nghiện bài bạc bất cứ lúc nào, em chấp nhận nhảy thẳng xuống vực rồi từ đó học cách đứng dậy”.
Không thể nói sự lựa chọn nào tốt hơn, chỉ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh từng người. Sống chung với người chồng nghiện cờ bạc và gánh vác nợ nần của anh ta không phải là điều dễ dàng nhưng lựa chọn ly hôn cũng thật khó khăn.
Các nghiên cứu cho thấy ly hôn là một trải nghiệm nhiều thử thách và có thể gây cảm giác choáng ngợp đối với bất kỳ thành viên nào của gia đình, từ người chồng, người vợ cho đến những đứa con. Đó là quyết định có khả năng thay đổi cuộc đời con người, ảnh hưởng tới vấn đề tài chính, mối quan hệ xã hội và vấn đề tình cảm, cảm xúc của mỗi người.
Đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sống trong xã hội còn khá nhiều định kiến như Việt Nam, việc ly hôn càng khiến họ phải băn khoăn và đối mặt với nhiều lo âu hơn. Ngoài việc thường thấy là băn khoăn về tương lai con cái, ly hôn có thể khiến phụ nữ cảm thấy bất an vì sự thay đổi của tình trạng kinh tế tài chính, bản thân mất đi một phần bản sắc và nỗi lo khó có thể tìm lại được hạnh phúc. Vậy phụ nữ có thể làm gì để vượt qua 3 nỗi lo âu này?
Chấp nhận sự thay đồi và có sự chuẩn bị
Một người tôi quen vừa ly hôn, để 2 con cho chồng nuôi, bắt đầu lại từ con số 0 và chịu nhiều điều tiếng vì “mẹ mà lại bỏ con”. Là người biết tình trạng tài chính và nghề nghiệp của cô, tôi hoàn toàn thông cảm và hiểu rằng đó là quyết định tốt nhất ở giai đoạn này. Là người không có nghề nghiệp ổn định, không có tài sản sau ly hôn (vợ chồng cô ở nhà thuê, không có tài sản chung), cô chưa đủ khả năng nuôi mình chứ đừng nói tới nuôi con.
Cách đây chừng 7-8 năm, lúc cô bảo chồng cô ngoại tình công khai, tôi có hỏi rằng cô có dành dụm được chút tiền phòng thân nào không, cô bảo “Không, có bao nhiêu em chi xài hết trong gia đình”. Vốn là người hay lo xa, tôi nói: “Nếu mỗi tháng em tiết kiệm được 2-2,5 triệu đồng thì mỗi năm em có trên dưới 25 triệu đồng, 4 năm cũng có 100 triệu đồng để phòng thân, lo cho mình, cho con. Sao em không bắt đầu từ hôm nay?”. Cô ấy không nghe lời khuyên của tôi hoặc không thể thực hiện được.
Phụ nữ chuẩn bị ly hôn được khuyến khích phải chuẩn bị tài chính trước vì quá trình ly hôn hay việc gầy dựng lại cuộc sống một mình đầy vất vả và tốn kém. Một trong những cách thức để chuẩn bị là tìm cách tăng thu nhập, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.
Sau ly hôn, phụ nữ phải học cách chấp nhận rằng tình trạng tài chính mới đã được thiết lập. Có thể nó không còn dư dả như trước, thậm chí có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, họ cần ghi lại các ưu tiên và điều chỉnh lối sống. Nhu cầu chi tiêu tối thiểu trong gia đình (sinh hoạt phí, chi phí học hành của con cái…) cần được đáp ứng, những khoản xa xỉ có thể phải cắt giảm một phần hoặc hoàn toàn.
Tin tưởng vào phẩm giá của mình
Mối liên hệ của phụ nữ Việt Nam thường gắn với vai trò giới: làm vợ và làm mẹ. Sau ly hôn, phụ nữ dễ cảm thấy chới với, mất tự tin vì mất đi một phần bản sắc. Khi đó, họ không còn được định danh là “vợ anh A” hay là “con dâu nhà B” nữa.
Chưa kể, họ cũng mất đi một số mối quan hệ gắn liền với người chồng cũ. Do vậy, đây là lúc họ càng nên chú trọng vào phẩm giá bản thân. Họ nên nhìn nhận những điểm mạnh, những sự khác biệt của mình, học cách lắng nghe và tin tưởng vào bản thân. Họ có thể tìm kiếm thêm các tương tác xã hội từ gia đình, bạn bè, những người có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn.
Đừng vì sự chênh vênh trong một giai đoạn cuộc sống mà vội vàng đưa ra các quyết định, đặc biệt là không nên lao vào các mối quan hệ đôi lứa một cách vội vã để tránh các rủi ro. Họ cần tập trung ổn định cuộc sống, tận hưởng những khoảnh khắc thoải mái mà bình thường không thể có ở cuộc hôn nhân cũ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Hạnh phúc của phụ nữ không chỉ có trong hôn nhân
Chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe câu “Tình yêu của đàn ông là sự nghiệp. Sự nghiệp của phụ nữ là đàn ông”, “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”… Những câu nói hoa mỹ này khiến giá trị người phụ nữ bị gắn chặt, lệ thuộc vào đàn ông.
Thêm vào đó, những câu nói kiểu “Đàn ông ly hôn rồi thì dù 40-50 tuổi vẫn có thể lấy vợ trẻ, phụ nữ tuổi đó bỏ chồng rồi lấy ai?” cũng có thể khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định ly hôn và cảm thấy bế tắc trong việc tìm hạnh phúc mới hậu hôn nhân.
Nếu nhìn nhận theo khía cạnh tích cực thì phụ nữ sau ly hôn không phải là không có những lợi thế nhất định để tìm kiếm hạnh phúc. Họ sở hữu khả năng làm việc nhà, khả năng chăm sóc cùng sự linh hoạt trong đời sống. Điều này có thể hỗ trợ họ trong việc tự chăm sóc bản thân và con cái - một điều quan trọng để ổn định cuộc sống sau ly hôn.
Khái niệm hạnh phúc nên rộng mở hơn là chỉ dành cho hạnh phúc đôi lứa. Do vậy, hôn nhân không phải là cơ hội duy nhất để có hạnh phúc. Tất nhiên tìm được người đồng hành tin cậy trong cuộc sống là điều quá tuyệt vời nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật: không phải ai cũng có thể đạt được điều này. Biết đâu, kể cả đau khổ cũng khiến chúng ta trưởng thành và nhìn nhận cuộc sống một cách sâu sắc hơn.
Đặc biệt, cần tránh tư duy “Dù người chồng này có tệ hại nhưng bỏ anh ta rồi thì mình còn có thể quen được ai?” hoặc “Ly hôn xem như là sự thất bại, mình sẽ phải cô đơn đến cuối đời”. Hôn nhân hạnh phúc cần sự xây đắp và gìn giữ từ 2 phía. Khi không thể chung sống hạnh phúc trong hôn nhân, hãy xem ly hôn như cơ hội để phát triển và xây dựng một chương mới của đời mình.
Anh Nguyên