Ngã rẽ cuộc đời

24/12/2015 - 09:32

PNO - "Vài năm nữa thôi, việc các học sinh tài năng rời ghế nhà trường ở tuổi 18 bước thẳng vào môi trường làm việc sẽ rất phổ biến".

Tuần qua, Clarissa Farr, hiệu trưởng trường nữ sinh danh tiếng St Paul ở Anh phát biểu rằng vài năm nữa thôi, việc các học sinh tài năng rời ghế nhà trường ở tuổi 18 bước thẳng vào môi trường làm việc sẽ rất phổ biến.

Thậm chí, người ta còn tranh luận xem tấm bằng có còn là vũ khí lợi hại cho nấc thang nghề nghiệp của các em hay không. Kết quả khảo sát tại Anh gần đây cho thấy, một trong ba em tốt nghiệp đại học đang làm những công việc không cần bằng cấp. Một phần ba doanh nghiệp tại đây cho rằng, các kỹ năng được dạy trong trường đại học không theo sát thực tế.

Với nhà báo Lucy Cavendish, việc vào đại học dường như là lựa chọn duy nhất khi cô bước vào tuổi 18: đây là cơ hội thoát ly gia đình, trải nghiệm cho chính mình, là giai đoạn giao thời giữa tuổi thiếu niên và người lớn. Đây cũng là thời kỳ gặp gỡ những người mới, thử nghiệm và chọn lọc xem điều gì phù hợp với mình.

Vào đại học cũng là cách duy nhất để bảo đảm một nghề nghiệp và tương lai vững chắc. Thế nên, cô hoàn toàn bất ngờ khi con trai Raymond, 18 tuổi tuyên bố sẽ không vào đại học dù cậu được thầy cô đoán chắc số điểm tốt nghiệp của cậu đủ để vào các trường uy tín. Viễn cảnh con mình không có bằng cấp, không nghề nghiệp, không tiền bạc và chẳng có tương lai làm cô ngao ngán. Với cô, việc không vào đại học là tự hạn chế các lựa chọn trong tương lai của mình.

Lý do Raymond không muốn vào đại học là vì cậu không chịu được sự gò bó cứng nhắc của trường học. Cậu ngán ngẩm với việc phải bị chi phối suy nghĩ, sử dụng bộ óc theo cách của người khác. Cậu muốn có cơ hội được làm điều mình đam mê là viết tiểu thuyết, phim truyện viễn tưởng, đồng thời đi làm bán thời gian.

James Murphy, thầy giáo có bảy năm trong trường tư thục chia sẻ: “Mỗi khi các em hỏi ý kiến của tôi về việc vào đại học, tôi thường khuyến khích các em nên vào, nhưng với điều kiện các em phải chọn được ngành nghề mình thật sự yêu thích. Ngành nghề phải phù hợp, được lựa chọn với suy nghĩ chín chắn, sự đam mê, chính xác và dựa vào các kỹ năng cơ bản của bản thân”.

Nga re cuoc doi
Nhà báo Lucy Cavendish và con trai Raymond - Ảnh: THE TIMES

Bỏ qua lo lắng, nhà báo Lucy Cavendish làm một cuộc khảo sát nhỏ trong số bạn bè của mình. Khoảng 50% có con cái quyết định sẽ không vào đại học. Một cậu bé sẽ thành lập tổ chức từ thiện tại Lào. Một cậu khác đi làm sáu tháng, dành dụm đủ tiền để sang Nhật với mong ước học cách chế tạo máy tính.

Cô bé Anna May Carrington bước thẳng từ trường trung học vào môi trường làm việc dù được chọn vào một số trường đại học của nhóm Russell Group. Hiện cô đang làm quản lý quảng cáo cho công ty Expansys. com chuyên bán hàng điện tử trên mạng khá uy tín.

Cô không tiết lộ mức lương nhưng cho biết nó hơn hẳn lương của các bạn mới ra trường: “Tôi từng nghĩ sẽ vào đại học để củng cố lý lịch của mình, nhưng rồi nhận ra việc học thêm không phù hợp với mình. Tôi muốn khám phá thế giới bên ngoài theo cách của mình và tin rằng mình sẽ đạt được nhiều thành công theo cách này. 

Phan Quỳnh Dao (Theo Times, Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI