edf40wrjww2tblPage:Content
Tổng thống Putin cùng Thủ tướng Medvedev trượt tuyết tại Sochi ngày 3/1 nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị cho Thế vận hội. Hai ông sẽ ở lại đây thêm vài ngày (ảnh: Reuters)
Theo thống kê, trong năm 2013 tại Nga xảy ra bốn vụ khủng bố lớn với tổng cộng 45 người thiệt mạng và 159 người bị thương. Đáng lưu ý là từ tháng 10 đến tháng 12-2013, có đến ba vụ xảy ra tại thành phố Volgograd nơi cách Sochi - thành phố Thế vận hội mùa đông - chỉ 650km, với thiệt hại về người lên đến 41 và bị thương 107, trong đó có hai vụ khủng bố liên tiếp vào các ngày 29 và 30-12 đã gây nên nhiều lo ngại không chỉ cho người dân mà cho cả chính quyền Tổng thống Putin. Câu hỏi được đặt ra là tại sao các cuộc khủng bố này lại xảy ra và diễn ra như thế nào?
Đánh bom tàu xe công cộng
Qua thực tiễn đấu tranh, phòng chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, các chuyên gia thống nhất ở quan điểm cơ bản sau: 1/Các tổ chức Hồi giáo khủng bố hoạt động tại Nga hiện nay có sự liên kết quốc tế (ví dụ: “Hồi giáo Jihad - Jamaat Mujahideen” có sự tham gia của Al-Qaeda); 2/Núp bóng giáo lý đạo Hồi để tuyên truyền cực đoan và tập hợp lực lượng; 3/Sử dụng khủng bố là phương thức chính gây bất ổn trong xã hội nhằm đạt mục đích tạo áp lực với chính quyền Liên bang Nga đòi ly khai lập vùng tự trị, đặc biệt là khu vực Bắc Kavkaz; 4/Đi kèm với yêu sách chính trị là mục đích kinh tế thông qua việc buôn lậu vũ khí, mua túy, khoáng sản...
Các ý đồ trên được thực hiện bằng thủ đoạn hèn hạ là gieo rắc lòng căm thù vào những người vợ góa có chồng là phiến quân bị quân đội Nga tiêu diệt. Thường được biết đến với danh xưng “góa phụ đen”, những phụ nữ này bị biến thành những quả bom “sống”, được gửi đến Nga và được khuyến khích tấn công vào các vị trí đông người, gây nhiều thương vong nhằm mục đích báo thù, tạo danh tiếng cho tổ chức và nghĩ rằng mình hi sinh vì một Hồi giáo cao cả.
Với nhận định như trên thì không có gì khó hiểu khi các điểm giao thông công cộng - phương tiện di chuyển cơ bản của phần lớn dân Nga - luôn trở thành mục tiêu của các vụ đánh bom khủng bố. Ngoài hai vụ tại nhà ga và xe buýt ở thành phố Volgograd vừa qua, một số vụ khác cũng theo phương thức tương tự: ngày 24-1-2011, khủng bố xảy ra tại nhà chờ sân bay Domodedovo ở Matxcơva khiến 37 người chết; ngày 29-3-2010, đánh bom kép trên tuyến đường tàu điện ngầm Matxcơva khiến 40 người chết và hàng trăm người bị thương; ngày 27-11-2009, bom nổ trên chuyến tàu tốc hành Matxcơva - Saint Petersburg khiến 28 người chết và hơn 90 người bị thương... Tất cả đều là trên các phương tiện giao thông công cộng, tất cả nạn nhân đều là thường dân.
Có lỗ thủng an ninh?
Hai vụ đánh bom trong hai ngày liên tiếp tại Volgograd đã làm dấy lên lo ngại trong giới chuyên gia về những cải cách trong lực lượng đặc biệt của Nga. Trung tướng Alexander Gurov - cựu chủ tịch Ủy ban về an ninh thuộc Đuma quốc gia Nga - nhận định: “Bốn năm trước chúng ta bãi bỏ các đơn vị đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, họ vốn rất chuyên nghiệp trong việc chống cả khủng bố. Sau đó thành lập một đơn vị mà không ai có thể hiểu là gì khi mang tên là chống chủ nghĩa cực đoan. Vậy còn lực lượng “trinh sát mật” tách đi đâu? Họ là những người chuyên nghiệp được đào tạo để phát hiện tội phạm nguy hiểm qua quan sát vẻ bề ngoài, hành vi. Cứ ném lực lượng này vào chỗ đông người, trên đường phố để họ phát hiện khủng bố. Còn ở nước ta, anh đi ra nhà ga mà không một ai quan sát anh cả...”.
Thật ra với Tổng thống Vladimir Putin, cuộc chiến chống khủng bố, chống ly khai không phải là mới, kể từ vấn đề của Chechnya. Tại buổi họp chống khủng bố ở Volgograd ngày 1-1, Tổng thống Putin cho biết lực lượng đặc biệt đang triển khai tất cả hoạt động để đảm bảo sự an toàn của dân thường và chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Với chính khách lão luyện này, dường như có sự trùng hợp đặc biệt khi các nhiệm kỳ tổng thống của ông đều gắn với các vụ việc lớn như vụ khủng bố tại Nhà hát Dubrovka Moskva bắt giữ 850 con tin ngày 23-10-2002, vụ chiếm Trường học số 1 thành phố Beslan vào ngày 1-9-2004 với hơn 1.000 con tin... Điều quan trọng là tất cả đều được giải quyết ổn thỏa.
Khó mà có thể nghĩ rằng các cuộc khủng bố diễn ra cách đây vài ngày tại Volgograd có thể ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa đông ở Sochi trong một tháng nữa. Đối với người dân Matxcơva, hai vụ khủng bố liên tiếp tại Volgograd được họ tiếp nhận khá nhẹ nhàng. Cửa hàng, siêu thị vẫn đông. Người vẫn chặt như nêm trên tàu điện ngầm, xe buýt và các phương tiện giao thông khác.
Đêm giao thừa, hàng chục ngàn người vẫn đổ dồn về quảng trường Đỏ - trái tim nước Nga. Pháo hoa vẫn được bắn lên liên tục từ nơi này đến nơi khác trong hàng giờ, những lời chúc vẫn vang lên. Có phải đối diện với khủng bố đã dần trở thành một phần cuộc sống của người dân Nga? Câu hỏi vẫn bỏ ngỏ lời đáp. Tuy nhiên có thể khẳng định cuộc sống tại Matxcơva không hề thay đổi.
Nếu như năm 2003, Tòa án tối cao Liên bang Nga công bố danh sách 15 tổ chức khủng bố bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Nga thì hiện nay danh sách này đã lên đến con số 19 và điều đáng chú ý là bốn tổ chức mới đều có nguồn gốc từ Hồi giáo như “Jund al-Sham” - tổ chức khủng bố dòng Sunni, tổ chức “Hồi giáo Jihad - Jamaat Mujahideen”, tổ chức “Al-Qaeda vùng Hồi giáo Maghreb”, tổ chức “Tiểu vương quốc Kavkaz”. Hai trong số đó là tổ chức “Hồi giáo Jihad - Jamaat Mujahideen” và “Tiểu vương quốc Kavkaz” có địa bàn hoạt động chính là tại Nga vùng Bắc Kavkaz. |
NGUYỄN PHAN KHÁNH
(nghiên cứu sinh Trường đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga - RUDN)