Nga - Mỹ: IS phải tiêu diệt chứ không thể hòa đàm

16/12/2015 - 07:24

PNO - Để tiêu diệt IS, Mỹ và liên quân đã nhượng bộ Nga khi sự tồn tại của ông Assad không còn là vấn đề cốt lõi trong cuộc đàm phán.

Nhượng bộ để tìm thấy điểm chung

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thủ đô Moscow, Liên bang Nga trong một sứ mệnh nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt khủng hoảng Syria.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Nga còn nhiều bất đồng xung quanh các vấn đề của khu vực Trung Đông và khủng hoảng Ukraine.

Mở đầu buổi hội đàm, ông Lavrov cho biết thời gian gần đây, tổng thống hai nước Nga - Mỹ đã nhiều lần điện đàm để tìm các biện pháp nâng cao hiệu quả cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Nga - My: IS phai tieu diet chu khong the hoa dam
Hai ngoại trưởng Nga và Mỹ gặp nhau tại Moscow ngày 15/12. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, cần tăng cường tính tích cực của Liên minh quốc tế hỗ trợ Syria, vận dụng tối đa những điều khoản trong thỏa thuận khung Vienna. Nhưng ông cũng lưu ý, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố bao hàm ý nghĩa rộng lớn chứ không bó hẹp trong khuôn khổ giải quyết xung đột tại Syria. Hiện nay, IS đã củng cố lực lượng tại Libya, theo lời ông Lavrov, đó là điều rất đáng lo ngại.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Kerry cũng cho rằng, hiện nay việc chung tay chống IS là cần thiết hơn bao giờ hết. “Nga và Mỹ cùng nhất trí rằng IS là kẻ thù chung, kẻ thù mà chúng ta phải chiến đấu để tiêu diệt chứ không thể hòa đàm. Chúng đã chà đạp lên nền văn hóa nhân loại, lên nhân phẩm của tất cả chúng ta, khiến chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải tiêu diệt chúng”, ông Kerry phát biểu.

Ông Kerry cũng nhắc lại, Nga và Mỹ đã đối thoại thẳng thắn và tìm được tiếng nói chung trong các cuộc hội đàm quốc tế về giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria, đồng thời bày tỏ hy vọng vào kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm sắp tới giữa hai bên vào ngày 18.12 tại New York.

Mỹ và Nga từ lâu đã có những bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tiến trình này.

Mỹ muốn ông Assad bị loại bỏ nhưng Nga lại cho rằng chỉ có người Syria mới quyết định được số phận của ông ấy.

Trước cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Nga đã công kích chính sách của Mỹ, cáo buộc Washington "chia những kẻ khủng bố thành người tốt, kẻ xấu".

Nga đã thực hiện các cuộc không kích nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, nhưng Mỹ cáo buộc các cuộc ném bom của Nga nhằm vào phiến quân ôn hòa để củng cố cho Tổng thống Assad. Moscow đã bác bỏ những cáo buộc này.

Trong cuộc họp với ông Lavrov, ông Kerry nói: "Thế giới có lợi khi các cường quốc tìm thấy điểm chung và ngày hôm nay tôi hy vọng chúng ta có thể tìm thấy một vài điểm chung".

Trước đây, sự bất đồng trong quan điểm về sự hiện diện, vai trò của Tổng thống Syria Assad trong cuộc chiến chống IS là rào cản rất lớn khiến cho việc Nga - Mỹ và liên quân chưa thể bắt tay, tìm ra tiếng nói chung, thì hiện nay vấn đề này đang dần được tháo gỡ với sự nhượng bộ của Mỹ.

Mỹ "nhắc" Thổ chống IS

Mỹ đã xác định mục tiêu rõ ràng trong việc hợp sức để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, bởi vậy theo nguồn tin Reuters, ngày 15/12, phát biểu khi khởi động chuyến công du tới Trung Đông để huy động sự ủng hộ ở khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc tiêu diệt các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh những gì họ đang làm và muốn Ankara làm nhiều hơn nữa”.

Nga - My: IS phai tieu diet chu khong the hoa dam
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Nguồn: Indianexpress.com)

Căn cứ Incirlik đang ngày càng trở nên quan trọng trong chiến dịch không kích chống IS của liên minh quốc tế do Washington đứng đầu.

Theo ông Carter, Thổ Nhĩ Kỳ cần tham gia "hoạt động trên không và trên bộ phù hợp".

"Đóng góp đơn lẻ quan trọng nhất về địa lý là kiểm soát biên giới của chính họ", ông nói. Đồng thời, ông Carter cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần kiểm soát tốt hơn biên giới với Syria, đặc biệt là khu vực dài khoảng 98 km nghi đang bị IS sử dụng để buôn lậu dầu và đưa phiến quân nước ngoài qua lại.

Trong một động thái trước đó, hôm 11/12, Iraq cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi miền Bắc Iraq, đồng thời coi hành động xâm nhập quân sự của Ankara là "sự vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Iraq.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI