Nga-Mỹ ép nhau triển khai vũ khí ngang thời Chiến tranh Lạnh

17/04/2016 - 07:19

PNO - Trước những động thái tập trận, điều quân đến vùng biển Baltic, Nga đã triển khai dàn vũ khí khủng ngang thời Chiến tranh Lạnh để nhắc Mỹ.

Tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ tại châu Âu, Đô đốc Mark Ferguson nhận định Nga đang triển khai tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công với số lượng, phạm vi… lớn chưa từng thấy trong 2 thập kỷ qua, có thể đạt “cấp độ Chiến tranh Lạnh”.

Trả lời phỏng vấn độc quyền đài CNN tại căn cứ ở TP Naples – Ý hôm 15/4, ông Ferguson cho rằng hoạt động tập trung quân sự của Nga phản ánh một thế giới quan chiến lược đáng báo động. Naples là nơi đóng quân của hải quân Mỹ tại châu Âu cũng Hạm đội 6.

Nga-My ep nhau trien khai vu khi ngang thoi Chien tranh Lanh
Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, chiếc Dmitry Donskoi đồ sộ bên cạnh 1 tàu ngầm thông thường - Ảnh: Hải quân Nga

“NATO được xem là mối đe dọa hiện hữu với Nga. Vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, việc NATO mở rộng sự hiện diện về phía Đông châu Âu sát nách Nga cùng khả năng quân sự của chúng tôi bị (Moscow) xem là một mối đe dọa rất cảm tính” – Đô đốc Ferguson nói.

Một cựu chỉ huy của NATO - Đô đốc về hưu James Stavridis cũng đưa ra nhận xét: "Chúng tôi không thể bao quát toàn bộ hoạt động của tàu ngầm Nga hiện nay", đồng thời cảnh báo tàu ngầm Nga có thể đặt ra mối đe dọa đối với nhóm tàu sân bay Mỹ.

Mỹ hiện có 53 tàu ngầm nhưng sẽ giảm xuống 41 chiếc vào cuối những năm 2020, một phần do vấn đề ngân sách và một số tàu ngầm buộc phải ngưng hoạt động.

Mỹ lo ngại động thái triển khai tàu ngầm mới của Nga có thể gây thêm khó khăn cho lực lượng hải quân nước này trong việc theo dõi và phát hiện.

Hành động của Nga thực hiện trong bối cảnh NATO đã chấm dứt quan hệ với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ hồi tháng 3/2014.

Ngoài ra, NATO còn cáo buộc quân đội Nga hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy Ukraine chống lại quân đội chính phủ tại miền đông nước này. Từ những mâu thuẫn đó, đến nay mối quan hệ của hai bên mặc dù đã có những lúc hạ nhiệt nhưng rõ ràng nó vẫn như một đống lửa âm ỉ cháy, chỉ cần một con gió nhẹ cũng có thể bùng lên.

Đây không phải lần đầu quan chức Mỹ bày tỏ nỗi lo ngại về sức mạnh quân sự của Nga. Hồi tháng 3/2016, trước phiên điều trần Quốc hội Mỹ, ông Mark Milly, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ nhận định rằng, lực lượng vũ trang của Nga hiện nay có tiềm năng chiến đấu rất đáng nể và được trang bị tốt.

Ông Milly cũng chỉ ra rằng quân đội Nga đã bắt đầu hiện đại hóa lực lượng từ những năm đầu thập niên 2000, đồng thời, “nghiên cứu tiềm năng quân đội Mỹ và nhanh chóng tái trang bị vũ khí và áp dụng các kỹ thuật mới''.

Lo ngại trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Nga, vị tướng Mỹ cũng đã cố gắng thuyết phục quốc hội tăng ngân sách cho quân đội nước này.

Khi quan hệ Nga - NATO xuống dốc, các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chống ngầm của 8 quốc gia thành viên NATO hôm 22/3 đã tiến hành tập trận chống ngầm ở Địa Trung Hải mang tên Dynamic Manta 2016.

Nga-My ep nhau trien khai vu khi ngang thoi Chien tranh Lanh
Lực lương hỗn hợp NATO trong một cuộc tập trận chống ngầm năm 2015. Ảnh: Reuters

Các bài tập với tình huống giả định chống lại các mối đe dọa từ tàu ngầm địch trong một môi trường biển rộng và phức tạp như Địa Trung Hải sẽ tăng cường đáng kể khả năng tác chiến trước sự lớn mạnh của Nga.

Ngoài các nước Trung Âu, 3 quốc gia Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Litva đã kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện trong khu vực để chống lại các "mối đe dọa" Nga.

NATO hiện trong giai đoạn tập trung quân sự lớn nhất bên trong khu vực Baltic kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Cuối tháng 3/2016, Mỹ tuyên bố sẽ điều động một lữ đoàn thiết giáp đến Đông Âu nhằm trấn an các đồng minh.

Tất cả những hành động đó càng khiến Moscow thêm cảnh giác. Ngày 15/4,  Trong cuộc họp đầu tiên giữa NATO và Russia Council (Hội đồng Nga) kể từ sau cuộc xung đột tại Ukraine nhằm giải quyết căng thẳng giữa các bên, Điện Kremlin cho biết sẽ sử dụng cuộc họp với NATO để phản đối kế hoạch tập trung quân sự và củng cố sức mạnh của liên minh bên trong khu vực Baltic.

Alexander Grushko, đại diện thường trực của Nga tại NATO, tuyên bố: “Hiện tại chúng ta đang thấy có một sự tập trung quân sự lớn bên trong khu vực Baltic và Nga cho rằng điều này hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Việc tập trung quân sự tại Baltic gây ra những tác động xấu trong mối quan hệ NATO-Nga”.

Trước các động thái của liên quân Mỹ, việc Nga triển khai các vũ khí khủng là cách để đe Mỹ hiệu quả, nhắc Mỹ về những gì Nga đã làm được trong vòng 6 tháng qua tại Syria. Chắc chắn điều này sẽ khiến Mỹ, NATO phải thực sự cân nhắc trước khả năng đối đầu trực tiếp với Nga.

Khánh Ly (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI