Nga-Mỹ cùng nhận định thỏa thuận Syria khó thành công

27/01/2016 - 07:27

PNO - Tiến trình hòa đàm Syria bị trì hoãn 5 ngày, đã phản ánh thế bế tắc của nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Reuters đưa tin ngày 26/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc đạt được một thỏa thuận hòa bình ở Syria là bất khả thi nếu không mời đại diện người Kurd tham gia tiến trình đàm phán.

Trả lời họp báo thường kỳ, ông Lavrov nói rằng sẽ là "không công bằng" và "vô ích" khi ngăn cản người Kurd ở Syria tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Nga-My cung nhan dinh thoa thuan Syria kho thanh cong
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc một số bên tham gia vào tiến trình hòa bình ở Syria "rất thất thường" khi từ chối đàm phán.

Ông nói: "Khi thúc đẩy các nỗ lực nhằm đặt điều kiện cho cuộc chiến chung chống khủng bố thì việc ra điều kiện là không thỏa đáng. Chẳng lẽ 'bạn phải đồng ý thay đổi chế độ - ví dụ là ở Syria, thì sau đó chúng tôi mới thực sự bắt đầu chiến đấu chống khủng bố? Tôi tin rằng đó là sai lầm lớn nhất".

Trước đó, ngày 25/1, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura tuyên bố cuộc hòa đàm giữa các phe phái đối địch ở Syria, dự kiến diễn ra ngày 25/1, sẽ bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 29/1 tới và kéo dài trong 6 tháng.

Cuộc nội chiến Syria đã khiến khoảng 260.000 người thiệt mạng kể từ năm 2011, hàng triệu người phải trốn khỏi đất nước, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Do vậy, cuộc nội chiến bắt đầu cách đây 4 năm đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc cuộc hòa đàm sẽ bị hoãn ít nhất là đến giữa tuần cho thấy, hành trình tìm kiếm hòa bình cho Syria vẫn vô cùng khó khăn.

Phát biểu với báo giới tại Geneva, ông de Mistura nêu rõ thời điểm tiến hành hòa đàm bị lùi lại do "sự bế tắc" liên quan tới thành phần tham gia phái đoàn đàm phán. Tuy nhiên, giấy mời các phái đoàn dự kiến sẽ được gửi đi trong ngày 26/1.

Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cứu trợ nhân đạo.

Cũng từng đưa ra nhận định về việc thỏa thuận tại Syria, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố rằng sẽ dùng binh ở Syria, đó là tuyên bố của đại diện Washington và Ankara một khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và các phe nhóm nổi dậy không đạt kết quả.

Nga-My cung nhan dinh thoa thuan Syria kho thanh cong
Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu thỏa thuận hòa bình tại Syria thất bại

Điều này cho thấy 2 nước này cũng dự đoán cuộc hòa đàm giữa các phe phái đối địch ở Syria sẽ khó mang lại kết quả như mong đợi.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: Nếu các bên không thể tìm ra một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc nội chiến, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng giải pháp quân sự để chống khủng bố IS tại Syria.

Lời nói trên của ông Joe Biden được đưa ra trong một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Ankara.

Ông Joe Biden nói với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu rằng cá nhân ông mong muốn một giải pháp hòa bình có thể được tìm ra để giải quyết vấn đề Syria.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ cho hay, một khi các biện pháp ngoại giao đã không còn có tác dụng thì Washington sẽ sử dụng giải pháp quân sự để gia tăng áp lực.

Tại cuộc gặp mặt với quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bàn về cách thức hợp tác giữa Washington và Ankara trong việc, hỗ trợ các phe nhóm chống đối đang chiến đấu chống quân đội của Tổng thống Syria Assad.

Trong số các phe nhóm nổi dậy, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang ủng hộ phong trào mặt trận al-Nusra Front - tổ chức mà Moscow cũng coi như khủng bố.

Điều này cũng đồng nghĩa với dự đoán cho rằng, khả năng đàm phán hòa bình tại Geneva sẽ khó thành công, nội chiến ở Syria cũng vì thế mà khó có khả năng chấm dứt.

Yên Sở (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI