Nga-Mỹ chơi trò 'hòa bình trong bom đạn' ở Syria?

25/02/2016 - 07:16

PNO - Giới phân tích cho rằng, các điểm trong thỏa thuận ngừng bắn đã được Nga và Mỹ thống nhất hầu như không thể thực hiện được trên thực địa.

Sau thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Nga về kế hoạch áp đặt lệnh ngừng bắn tại Syria từ ngày 27/2 tới, giới phân tích cho rằng hy vọng hòa bình ở Syria vẫn còn rất mong manh, và bản thân thỏa thuận được công bố ngày 22/2 vừa qua đã tiềm ẩn những cơ hội để chiến sự tiếp tục bùng phát.

Đến thời điểm này, các điểm thống nhất trong thỏa thuận của Nga - Mỹ đều còn bỏ ngỏ và rất khó để thành hiện thực. Theo tuyên bố chung của Nga và Mỹ, lệnh ngừng bắn sẽ được áp dụng cho tất cả các phe đồng ý với những điều khoản trong thỏa thuận và nó không bao gồm IS, Al-Nursa Fornt hay bất kì nhóm khủng bố nào nằm trong danh sách đen của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nga-My choi tro 'hoa binh trong bom dan' o Syria?
Hiện trường vụ đánh bom do IS thực hiện ở Syria ngày 21/2. Ảnh: AFP

Cả Washington và Moscow đều thống nhất là tiêu diệt IS, khủng bố, tuy nhiên chính các lực lượng tham chiến này lại không nằm trong danh sách các bên phải thực hiện lệnh ngừng bắn.

Và hiện tại trên chiến trường, các lực lượng khủng bố này vẫn tiến hành các vụ đánh bom, tấn công trên chiến trường Syria. Đây được xem những cản trở lớn đối với tiến trình triển khai thỏa thuận tại chiến trường Syria.

Trong những ngày gần đây, phiến quân IS đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu chính phủ. Hôm 21/2, IS đã tiến hành một số vụ ném bom tự sát đẫm máu nhất, khiến khoảng 150 người tại Damascus và Homs thiệt mạng.

Vụ tấn công đầu tiên xảy ra khi hai kẻ đánh bom liều chết đã tự phát nổ bên ngoài nhà thờ Sayydia Zeinab, theo sau đó là một chiếc xe chở đầy bom, gây ra thương vong lớn.

Một nguồn tin cảnh sát cho biết, sau các cuộc tấn công đã có 178 người, bao gồm nhiều trẻ em bị thương nặng, 83 người thiệt mạng.

Trong khi đó, tại quận Al Zahraa của tỉnh Homs, Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết hai ôtô chở bom phát nổ khiến ít nhất 59 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Còn tại Aleppo, Reuters đưa tin, các tay súng của IS đã thắt chặt tuyến đường tiếp tế tại Aleppo trong 2 ngày liên tiếp 23 - 24/2, sau khi quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát tuyến đường trong khuôn khổ chiến dịch chiếm đóng thành phố này.

Theo thỏa thuận ngừng bắn Nga và đồng minh, vẫn hoàn toàn có thể tấn công vào các lực lượng khủng bố cũng bởi các lực lượng này không nằm trong danh sách ngừng bắn.

Tuy nhiên, quân đội Syria, Nga cũng liên tiếp mở các cuộc tấn công áp đảo trước các tổ chức khủng bố. Theo SANA, lực lượng không quân Nga tại căn cứ quân sự Hmeymim, Latakia đã phối hợp chặt chẽ với không quân Syria, trong hơn 1 tuần (từ ngày 16 - 24/2) đã thực hiện 459 lần xuất kích, tấn công 1589 mục tiêu của các tổ chức khủng bố ở Syria.

Nga-My choi tro 'hoa binh trong bom dan' o Syria?
Quân đội Syria và đồng minh tấn công khủng bố dồn dập trên chiến trường.

Trong ngày 24/2, các đơn vị quân đội Syria tiến công mãnh liệt, phá hủy căn cứ và địa điểm tập trung quân của lực lượng Jabhat al-Nusra và nhóm Phong trào Hồi giáo al-Muthana có liên kết với IS trên vùng nông thôn phía nam tỉnh Daraa.

Đồng thời, quân đội Syria đã tiêu diệt 15 phần tử khủng bố trong một chiến dịch quân sự thuộc vùng nông thôn của hai tỉnh Hama – Idlib.

Tuy nhiên, Quân đội Syria tự do (FSA) bày tỏ quan ngại rằng, đây chính là lỗ hổng của kế hoạch ngừng bắn. Bashar al-Zoubi, thành viên cấp cao của FSA cho rằng, thỏa thuận này chỉ càng giúp quân đội của tổng thống Syria Assad và Nga tiếp tục có cơ sở vững chắc để tấn công vào vùng lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát.

Đại diện FSA cho rằng al-Nusra chính là vấn đề. Bởi al-Nusra không chỉ có mặt ở Idlib, mà còn ở Aleppo, Damascus và ở phía nam. Bởi vậy, FSA cho biết, dân thường hoặc lực lượng này có thể bị nhắm mục tiêu với lý do là tiêu diệt al-Nusra. Nếu điều này xảy ra, thỏa thuận ngừng bắn sẽ sụp đổ.

Bởi vậy, các biện pháp hòa bình mà Nga và Mỹ đã thống nhất được lại hầu như không thể thực hiện được trên thực địa. Các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ khiến thỏa thuận ngừng bắn trở nên mong manh hơn và có khả năng đổ vỡ khi hạn chót để đưa ra thống nhất đang rất cận kề.

Yên Sở (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI