Nga hợp tác chia sẻ với Taliban, Mỹ có giật mình?

25/12/2015 - 07:39

PNO - Cùng quan tâm tới cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Nga đã bất ngờ liên kết với Taliban - nhóm khủng bố mà Mỹ truy nã gắt gao.

Ngày 23/12, ông Zamir Kabulov, một quan chức ngoại giao kiêm đặc sứ của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Afghanistan tiết lộ rằng, Nga đang chia sẻ thông tin với phiến quân Hồi giáo Taliban trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), vì hai bên "có chung lợi ích" trong mục tiêu tiêu diệt tổ chức khủng bố này.

Bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, xác nhận thông tin trên và khẳng định rằng Nga đang tiếp xúc với Taliban "ở mức độ hạn chế, không đi lại, không gặp gỡ, chỉ có chia sẻ thông tin", đồng thời tuyên bố Nga không có bất cứ sự hỗ trợ vật chất nào đối với Taliban. Tuy nhiên bà không nói rõ hai bên đang chia sẻ cho nhau thông tin gì, theo Washington Post.

Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết, về mặt khách quan, Nga và Taliban đều quan tâm tới cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Và đây cũng chính là lý do khiến Nga tính đến chuyện mở các kênh liên lạc với Taliban để trao đổi thông tin. 

Nga hop tac chia se voi Taliban, My co giat minh?
Phiến quân Taliban ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

“Lãnh thổ của quốc gia Trung Á này, cũng như các đối tác và đồng minh của Nga tại khu vực đang trở thành mục tiêu của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Trước tình hình nguy hiểm và đang ngày càng xấu đi, toàn thể cộng đồng quốc tế cần đoàn kết hơn nữa trên cơ sở các quy tắc của luật pháp quốc tế và tiến hành các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

Theo một số chuyên gia phân tích, mối quan hệ liên kết dù là hạn chế giữa Nga và Taliban là một động thái bất ngờ, thậm chí là khó hiểu của Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố. Taliban vẫn đang nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Nga, và Moscow đã nhiều lần phản đối, coi nhóm phiến quân này như một lực lượng vũ trang chuyên gieo rắc bất ổn và kinh hoàng. Tương tự như IS, Taliban nổi tiếng với những vụ hành hình dã man và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc tại những khu vực nhóm này kiểm soát.

Cùng với việc hợp tác với Taliban, Quân đội Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Tajikistan khi điều thêm các máy bay trực thăng hiện đại tới căn cứ quân sự đặt tại nước này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết, nước này sẵn sàng hợp tác với quân đội Kyrgyzstan thông qua việc gửi vũ khí nhằm chống lại sự hiện diện của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại khu vực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng thừa nhận, sự xuất hiện của nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Afghanistan cũng đồng nghĩa với thách thức ngày càng tăng đối với những nỗ lực của Nga và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, Alexander Ignatenko, chủ tịch Viện Tôn giáo và Chính trị ở Moscow, cho rằng việc liên kết với Taliban là một động thái "nhìn xa trông rộng" của Nga nhằm đề phòng những tình huống xấu nhất, đặc biệt là khi IS đang bành trướng mạnh mẽ ở Afghanistan và có thể tung ra đòn "thọc sườn" đe dọa trực tiếp đến lợi ích của nước Nga.

Nga coi những diễn biến gần đây ở Afghanistan là dấu hiệu báo động về sự bành trướng của IS. Theo các nguồn tin tình báo, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tiết lộ rằng IS đã "hiện diện ở 25 trên 34 tỉnh của Afghanistan". Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc ước tính rằng IS đang có 1.200-1.600 tay súng ở 4 quận phía nam Jalalabad, trong đó có những chiến binh tinh nhuệ.

Theo chuyên gia này, nếu xu hướng này không bị ngăn chặn, Taliban sớm muộn cũng sẽ bị IS thôn tính, khi ngày càng nhiều tay súng của tổ chức này đảo ngũ để đầu quân cho IS, nơi chúng được chi trả nhiều tiền hơn. Nga sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: Hoặc bắt tay với Taliban ở một mức độ nhất định, hoặc chứng kiến tổ chức này chiếm lĩnh Trung Á, nơi được coi là khu vực nhạy cảm đối với Nga, như một phần của tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới IS.

Trên một khía cạnh khác, việc Nga bất ngờ liên kết với Taliban lại khiến Mỹ "giật mình". Phiến quân Taliban bị Mỹ coi là nhóm khủng bố và truy nã gắt gao các lãnh đạo của nhóm này. Mullah Omar, thủ lĩnh của Taliban, kẻ vừa được xác nhận đã chết, từng kiên quyết từ chối giao nộp Osama bin Laden, chủ mưu vụ khủng bố 11/9, cho Mỹ. Bin Laden khi đó tị nạn tại Afghanistan.

Việc Nga "bắt tay" với nhóm khủng bố này cũng sẽ giúp cho Taliban tạo được một lớp bảo vệ trước sự tấn công, tiêu diệt của IS. Điều này cũng khiến Mỹ không kém phần lo ngại.

Trần Bình (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI