Nga đưa ra tuyên bố, mong muốn tìm liên minh kiềm chế Mỹ

13/06/2016 - 06:55

PNO - Phải chăng tuy nói rằng "không ủng hộ nước nào" trên biển Đông nhưng thực chất Nga đang muốn tìm kiếm đồng minh để liên minh kiềm chế Mỹ trên Biển Đông?

Sự tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ chỉ làm tình hình trở nên căng thẳng - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 10.6.

Bà Zakharova lên tiếng phủ nhận thông tin của một số nhà ngoại giao cho rằng Nga đã can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng sự can thiệp của bên thứ ba sẽ càng khiến tình hình trầm trọng hơn. Nga sẽ không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”.

Nga dua ra tuyen bo, mong muon tim lien minh kiem che My
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở khu vực này, cụ thể là Biển Đông. Chúng tôi coi tình hình ở đó là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của khu vực Thái Bình Dương. Nga không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cũng không can thiệp vào tranh chấp này”.

 "Chúng tôi không đứng về phía nào. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng sự can dự của bên thứ ba vào những tranh chấp này sẽ chỉ khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng".

"Tham vấn và đàm phán về tranh chấp lãnh thổ nên được tổ chức trực tiếp giữa các bên liên quan theo phương thức mà họ cảm thấy phù hợp. Chúng tôi cho rằng chìa khóa để giải quyết bất đồng trong khu vực có thể là xây dựng một kiến trúc an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các phương pháp tiếp cận tập thể và chuẩn mực của luật pháp quốc tế", bà cho biết thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi tất cả các đối tác tham gia tích cực trong việc thực hiện các sáng kiến của Nga về việc phát triển nguyên tắc khuôn khổ của việc tăng cường an ninh và hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN trong việc phát triển bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)", người phát ngôn nói.

Hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị cũng nêu quan điểm rằng tranh chấp trên Biển Đông không nên bị quốc tế hóa. Các nước bên ngoài không nên can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp ở khu vực.

Nga dua ra tuyen bo, mong muon tim lien minh kiem che My
Ngoại trưởng Nga từng tuyên bố quan điểm về biển Đông trung khớp với lập trường của Trung Quốc

Đến ngày 6/5, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Lavrov tiếp tục khẳng định rằng "quan điểm của Nga không thay đổi, đó là các vấn đề tại Biển Đông không nên được quốc tế hóa, các nước không có tranh chấp không nên can thiệp vào các nỗ lực giải quyết vấn đề của các bên tranh chấp”. Ông cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhất trí quan điểm chung là phản đối Mỹ trong một loạt vấn đề, trong đó có các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.


Những bình luận trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đang chịu sức ép lớn khi Tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan dự kiến sẽ ra phán quyết vụ Philippinnes kiện Bắc Kinh vì yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trung Quốc được cho là tìm cách vận động hành lang để lôi kéo các nước ủng hộ yêu sách phi lý ở Biển Đông, trong đó có Nga.

Dường như những tuyên bố trên của Nga không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ đích. Phải chăng tuy nói rằng "không ủng hộ nước nào" trên biển Đông thực chất là một lời kêu gọi Nga muốn tìm kiếm liên minh để kiềm chế Mỹ trên biển Đông?

Xét một cách khách quan Moskva cũng không hề muốn các tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông bị một quốc gia nào đó kiểm soát. Đơn cử, xuất khẩu dầu của Nga từ cảng Kozmino sang Đông Nam Á phải đi qua Biển Đông. Trong đó, xuất khẩu sang Malaysia chiếm 6,5%, Thái Lan - 5,7%, Philippines - 5,3% và Singapore - 4,5% tổng xuất khẩu của Nga.

Mặt khác, Nga cũng mong muốn giữ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Việc châu Âu và Mỹ đóng cửa thị trường tài chính đối với Nga đã buộc phần lớn các công ty lớn của Nga phải tìm đến với Trung Quốc, thị trường duy nhất có khả năng tài chính ngang ngửa với phương Tây.

Như vậy, có thể thấy, phát ngôn trên của Nga tuy khẳng định rằng giữ vững lập trường không nghiêng về quốc gia nào, nhưng thực chất lại là mũi tên trúng hai đích. Vừa giữ được mối quan hệ hòa hợp với những nước đối thủ của Trung Quốc - quốc gia mà Nga luôn lên tiếng phủ nhận nhưng luôn ngầm ủng hộ, vừa tạo cơ hội để tìm kiếm thêm các nước liên minh mới, bắt tay kiềm chế Mỹ trên biển Đông/

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI