Nga đẩy nhanh tiến độ bàn giao tàu ngầm cho VN

27/08/2013 - 07:15

PNO - Ngày 23/8 tại Nhà máy đóng tàu Admiraltei verfi ở St Petersburg (Nga) đã diễn ra lễ ký kết biên bản tiếp nhận tàu ngầm kilo đầu tiên trong số 6 chiếc mà phía Nga đóng cho hải quân Việt Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tham dự buổi lễ ký kết có các đại diện Hải quân Nga, lãnh đạo Nhà máy đóng tàu Admiraltei verfi và các thành viên Ủy ban quốc gia về tiếp nhận tàu chiến hải quân Nga.

Theo thông báo của bộ phận báo chí của nhà máy, lễ ký kết đã diễn ra trang trọng trong khoảng thời gian ngắn với những tràng pháo tay không ngớt.

Nga day nhanh tien do ban giao tau ngam cho VN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu ngầm Hà Nội trong chuyến thăm Nga mới đây (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Tất cả các thành viên tham dự buổi lễ đều nồng nhiệt chào đón việc ký kết biên bản tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc xuất khẩu cho nhà đặt hàng Việt Nam, coi đây là bước thành công cuối cùng trong suốt quá trình từ lúc khởi đóng tàu cho đến nay. Tiếp theo, tàu ngầm Hà Nội sẽ trải qua quá trình thử nghiệm tiếp nhận-bàn giao, trước khi sẽ trở về căn cứ ở Việt Nam trước cuối năm nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá hải quân Aleksei Poteshin nhấn mạnh, tất cả các hạng mục trong chương trình thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm nhà nước đã được hoàn thành một cách trọn vẹn, tất cả các phương tiện kỹ thuật hàng hải đều được đảm bảo.

“Việc biên bản tiếp nhận được ký kết sớm mà không có bất kỳ lưu ý nào là một trong những bằng chứng cho thấy thành công và những nỗ lực lớn của nhà máy”- Đại tá hải quân Aleksei Poteshin nói khi nhắc tới Tổng giám đốc nhà máy đóng tàu Admiraltei verfi.

Về phần mình, ông Andrei Bystrov, Tổng giám đốc nhà máy Admiraltei verfi, cơ sở đóng tàu có lịch sử lâu đời nhất ở Nga, cho biết, từ việc xây dựng tàu và chuẩn bị cho các thử nghiệm chuẩn bị ký kết biên bản tiếp nhận đều được các chuyên gia của nhà máy thực hiện hết sức chu đáo và không có bất kỳ sai sót nào.

“Tôi xin gửi lời cám ơn tới Ủy ban tiếp nhận nhà nước và các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của nhà máy đã làm việc một cách xuất sắc. Đây là chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số tàu chúng tôi đang xây dựng và thành công này sẽ được tiếp tục ở những chiếc tàu ngầm còn lại” - ông Andrei Bystrov nói.

Việc sớm ký kết biên bản tiếp nhận tàu cho Ủy ban nhà nước về tiếp nhận tàu chiến hải quân Nga sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình thử nghiệm tiếp nhận bàn giao được lên kế hoạch vào cuối tháng 9/2013.

Nga day nhanh tien do ban giao tau ngam cho VN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên trong tàu ngầm Hà Nội (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Trước đó, cuối tháng 7 vừa qua Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn thông cáo báo chí của nhà máy đóng tàu Admiraltei Verfi cho biết chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên trong số sáu chiếc đóng cho Việt Nam sẽ chính thức được bàn giao vào tháng 11/2013.

Hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm lớp Kilo 636 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố vào tháng 12/2009. Việc thực hiện toàn bộ hợp đồng được lên kế hoạch đến năm 2016.

Truyền thông Nga dẫn lời các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết, hai chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao cho Việt Nam trong năm 2013.

Cách đây không lâu, các chuyên gia quân sự được Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời đã khẳng định rằng, họ hoàn toàn tin tưởng thủy thủ đoàn Việt Nam sẽ điều khiển được những chiếc tàu ngầm hiện đại này về nước qua ngả Châu Phi.
Các tàu ngầm Kilo 636 đóng cho Hải quân Việt Nam thuộc thế hệ tàu ngầm thứ ba, có lượng giãn nước 3,1 nghìn tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu 300 mét, thủy thủ đoàn 52 người.

Trên tàu trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533 mm, mìn biển và tổ hợp tên lửa tấn công Kalibr (Club). Các tàu ngầm đóng cho Việt Nam được trang bị các hệ thống trinh sát tiên tiến, có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn 3-4 lần so với tầm phát hiện của tàu đối phương. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị các phương tiện hiện đại theo tiến bộ của ngành đóng tàu Nga và trên thế giới.

Một trong những điểm mạnh đáng kể khác của lớp tàu Kilo là độ ồn cực thấp, các chuyên gia quân sự NATO đặt cho lớp tàu ngầm này biệt danh “hố đen trong đại dương”.

Theo Khôi Nguyên (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI