Nga bắn cảnh cáo tàu Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegean

14/12/2015 - 07:16

PNO - Tàu khu trục Smetlivyi của Nga đã nổ súng ngăn chặn một vụ áp sát có khả năng dẫn đến đụng độ với tàu cá Ankara tại phía Bắc biển Aegean.

Nga bắn cảnh cáo tàu Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 13/12, một sự kiện chấn động đã xảy ra khi thủy thủ đoàn tàu khu trục Smetlivyi, thuộc lớp Kashin của Nga đã nổ súng ngăn chặn một vụ áp sát có khả năng dẫn đến đụng độ với tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ, ở vị trí cách đảo Lemnos (Hy Lạp), phía Bắc biển Aegean 22 km.

Theo thông báo của Bộ quốc phòng Nga, sự việc xảy ra vào lúc 9h03, giờ Moscow (tức 13h03, theo giờ Việt Nam).

Thủy thủ đoàn tàu khu trục tên lửa dẫn đường Smetlivy lớp Kashin của Nga rạng sáng nay phát hiện tàu đánh cá Thổ Nhĩ Kỳ ở khoảng cách 1.000m. Tàu cá này bơi về phía chiến hạm Nga, đồng thời không đáp lại các cuộc gọi trên sóng radio cũng như những nỗ lực liên lạc khác.

 Nga ban canh cao tau Tho Nhi Ky tren bien Aegean
Tàu khu trục Smetlivyi, thuộc lớp Kashin của Nga

Khi tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ cách tàu khu trục Nga khoảng 600 mét, để tránh một vụ đâm tàu, phía Nga đã buộc phải nổ súng cảnh báo, để tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ phải chú ý. Theo tin của truyền thông Nga, tàu chiến nước này đã sử dụng vũ khí cỡ nòng nhỏ.

Ngay sau đó, tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ lập tức đổi hướng và bơi cách tàu Smetlivyi 540 mét, nhưng vẫn không liên lạc với thủy thủ đoàn Nga. Điều này đã khiến tàu chiến Nga phải hết sức nâng cao cảnh giác và chuyển cấp nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

"Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã triệu tập tùy viên quân sự của đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga để thảo luận về sự cố xảy ra trên biển Aegean", thông báo của Bộ cho biết.

Được biết, quan hệ giữa Moscow và Ankara đang trong giai đoạn hết sức căng thẳng sau sự kiện máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga, khi nó đang truy quét những phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Iraq đệ đơn lên Liên Hợp Quốc

Trong một động thái trước đó, Iraq cũng đã từng đứng ra tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ trước động thái vi phạm chủ quyền, đe dọa an ninh quốc gia khi Ankara đưa quân sang nước này.

Đứng trước mối đe dọa này, Iraq lần đầu tiên đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 12/12 yêu cầu Ankara rút quân về nước. Chính phủ Iraq bày tỏ sự phản đối chống lại việc triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này.

 Nga ban canh cao tau Tho Nhi Ky tren bien Aegean
Binh lính Iraq bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kì.

“Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bảo an yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay lập tức và không bao giờ tái diễn việc xâm phạm chủ quyền của Iraq” - lá thư của đại sứ Iraq Mohamed Ali Alhakim gửi đại sứ Mỹ tại Hội đồng Bảo an LHQ Samantha Power - người giữ ghế chủ tịch hội đồng trong tháng này.

“Đây là hành vi vi phạm trắng trợn nguyên tắc của Hiến chương LHQ, và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Iraq” - bức thư viết. Đây là động thái diễn ra ngay sau khi thủ tướng Iraq Haider al-Abadi yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này gửi công hàm phản đối lên LHQ.

Bức thư của Đại sứ Iraq cũng nêu rõ: Sự hỗ trợ Iraq trong việc đào tạo binh lính, sử dụng công nghệ và vũ khí hiện đại trong cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phải được đặt trên những thỏa thuận song phương và đa phương, cũng như việc tôn trọng đầy đủ chủ quyền quốc gia và hiến pháp của Iraq và phải phối hợp với lực lượng vũ trang của nước này.

Dù vậy, một đại diện của 15 nước thuộc Hội đồng Bảo an cho biết, hiện chưa có kế hoạch họp đặc biệt trước bức thư của Iraq. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, sẽ không đáp ứng yêu cầu của Iraq về việc rút quân ra khỏi khu vực gần thành phố Mosul - vốn đang do IS chiếm giữ.

Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tháng này, bức thư không nêu yêu cầu đặc biệt nào, ngoài những khuyến nghị và kêu gọi “tình đoàn kết” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Bức thư được đưa ra trong bối cảnh, quan hệ giữa hai nước láng giềng này đang trở nên căng thẳng xung quanh việc Thổ triển khai quân đội trên lãnh thổ Iraq, mà theo nước này là nhằm hỗ trợ các chiến binh người Kurd chống IS.

Cũng trong ngày 12/12, hàng nghìn người biểu tình gồm đa số là thành viên của lực lượng bán quân sự Hồi giáo dòng Shitte đã tập trung tại trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq để yêu cầu Thổ rút quân khỏi nước này.

Việc Ankara đưa quân vào Iraq là một thách thức không hề nhỏ đối với Chính phủ của Thủ tướng Abadi, vốn đang phải đối mặt với bài toàn khó là cân bằng giữa bảo vệ chủ quyền quốc gia và tìm kiếm sự hỗ trợ của nước ngoài để chống lại IS đang chiếm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq từ giữa năm ngoái.

Tuyết Mai (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI