NFT: Công cụ nâng tầm hay bóp méo nghệ thuật?

13/11/2022 - 06:40

PNO - Số hóa nghệ thuật đã trở thành bước tiến tất yếu giữa kỷ nguyên công nghệ. Ví dụ sống động hiện nay là NFT - phương thức giao dịch điện tử mới lạ - giúp bạn sở hữu tranh hoặc kiến trúc ảo vĩnh viễn. Thế nhưng đang xuất hiện không ít nghi ngại, liên quan đến trào lưu mã hóa và rao bán nghệ thuật đương đại nơi không gian phi vật lý.

 

Loạt tác phẩm ấn tượng ra mắt tại Metavision - một trong những sự kiện triển lãm mỹ thuật NFT quy mô hàng đầu châu Á diễn ra vào tháng 5/2022 ở Hồng Kông (Trung Quốc) - ẢNH: K11MUSEA
Loạt tác phẩm ấn tượng ra mắt tại Metavision - một trong những sự kiện triển lãm mỹ thuật NFT quy mô hàng đầu châu Á diễn ra vào tháng 5/2022 ở Hồng Kông (Trung Quốc) - Ảnh: K11Musea

Mùa hè năm 2021, nhà đấu giá nổi tiếng thế giới Sotheby’s đã có bước đi chưa từng có tiền lệ: khai phá thế giới NFT (Non-fungible Tokens, tức “tiền mã hóa không thể hoán đổi”) thông qua dự án cộng tác cùng họa sĩ kỹ thuật số ký danh Pak. Bộ sưu tập có tên The Fungible Collection “tập hợp những tác phẩm số hóa giúp tái định nghĩa giá trị mỹ thuật” - theo mô tả nội dung chương trình. Sau buổi đấu giá trực tuyến, tổng lợi nhuận thu về là hơn 17 triệu USD. 

Trước đó ít lâu, nhà đấu giá Christie's đã có cuộc thử nghiệm gây xôn xao không kém với mỹ thuật số hóa. Công ty lâu đời của Anh giới thiệu một dự án hội họa NFT có giá 69,3 triệu USD. Đây là tác phẩm kỹ thuật số đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật được bán ra bởi một nhà đấu giá tên tuổi.   

The Fungible Collection có “cấu trúc” kỳ lạ và phức tạp, bao gồm hàng chuỗi khối vuông ảo. Các nhà sưu tầm chọn mua chúng theo mệnh giá từ 500 - 1.500 USD. Sau khi giao dịch hoàn tất, mỗi người mua nhận được một chuỗi ký tự điện tử (NFT) tương ứng với từng tác phẩm, minh chứng quyền sở hữu độc nhất của họ.

Nổi bật trong bộ sưu tập là The Switch - một khối kiến trúc 3D đơn sắc sẽ được Pak, nghệ sĩ thực hiện dự án, tiếp tục tạo hình theo cảm hứng trong tương lai. Tác phẩm đạt con số đấu giá ấn tượng: 1 triệu USD. 

Thú tiêu khiển dị biệt?

NFT là một chuỗi ký tự đặc biệt nhằm định danh dữ liệu trực tuyến, được ví như những “đồng tiền mã hóa”. Chúng ẩn chứa khả năng kết nối đến một tập tin cụ thể. Nhờ đó NFT được dùng để tiến hành giao dịch nhiều kiểu nội dung ảo (tranh, ảnh, video, audio...) trên một nền tảng blockchain - công nghệ sổ cái kỹ thuật số đứng sau các đơn vị tiền điện tử đang dần phổ biến ngày nay. Tuy nhiên, khác với bitcoin hay ethereum vốn dễ dàng hoán đổi qua lại, từng NFT chứa một số thành phần ký tự biệt lập và duy nhất. Điều này khiến chúng không thể bị sao chép, phân chia lẫn thay thế.  

Tác phẩm The Switch của Pak được định giá 1 triệu USD - ẢNH: SOTHEBY’S
Tác phẩm The Switch của Pak được định giá 1 triệu USD - Ảnh: Sotheby's

Đặc trưng độc nhất vô nhị đôi khi khiến NFT đắt giá xấp xỉ 70 triệu USD, như khi chúng đại diện cho tác phẩm tranh kể trên do Christie’s rao bán. Nếu không phải một nhà sưu tầm dư dả tài chính, bạn cũng có thể sử dụng NFT để trao đổi những “tài sản” kỹ thuật số độc đáo khác, chẳng hạn các loại vật phẩm quý hiếm trong trò chơi điện tử.

Từ góc nhìn toàn cảnh, sức hút nơi “đồng xu ảo” NFT được thúc đẩy bởi hàng loạt biến động kinh tế, xã hội hiện thời. Tại phương Tây, đã có đông đảo nghệ sĩ nổi danh như Madonna, Paris Hilton, Justin Bieber… hưởng ứng xu thế số hóa mỹ thuật. Trong năm nay, điểm nhấn mới đáng nhớ của làn sóng này là sự kiện khánh thành Seattle NFT Museum - bảo tàng nghệ thuật NFT đầu tiên trên thế giới ở thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ).

Chính thức mở cửa từ ngày 14/1/2022, bảo tàng NFT Seattle đề cao thông điệp đưa nghệ thuật số hóa đến gần hơn với công chúng đương đại. Một băn khoăn đã luôn tồn tại xoay quanh NFT: Nét đặc biệt ở chúng liệu có đi liền với dị biệt?            

“NFT thực chất là một hợp đồng điện tử, chứng minh quyền sở hữu độc quyền đối với một dạng tài sản kỹ thuật số nào đó. Ở lĩnh vực nghệ thuật, nắm giữ NFT đồng nghĩa bạn đang nắm giữ một dãy số không thể thay thế thuộc về một tác phẩm cụ thể. Nó biểu thị rằng bạn là người chủ hợp pháp của tác phẩm” - Peter Hamilton, giám đốc đồng sáng lập bảo tàng NFT Seattle, chia sẻ.

Một sự kiện triển lãm mỹ thuật NFT tại bảo tàng NFT Seattle - ẢNH: REUTERS
Một sự kiện triển lãm mỹ thuật NFT tại bảo tàng NFT Seattle - Ảnh: Reuters

Liên quan đến việc định hướng hoạt động cho bảo tàng, Hamilton nhấn mạnh: “Chức năng giáo dục là điều chúng tôi rất chú trọng. Trên hết, bảo tàng mong muốn lôi cuốn khách tham quan nhằm quảng bá giá trị thật sự của giao dịch tiền ảo và blockchain. Từ đó, chúng tôi hy vọng có thể giúp công chúng vén bức màn bí ẩn lâu nay về nghệ thuật NFT”.

Ngờ vực xen lẫn kỳ vọng          

Bảo tàng NFT Seattle đang cho thấy hướng đi đáng khích lệ, phản ánh qua chuỗi chương trình triển lãm đặc sắc, được đầu tư nghiêm túc. Thế nhưng, không phải không gian nghệ thuật số hóa nào cũng dễ dàng tạo ấn tượng thu hút. Cây bút Katie Canales thuộc chuyên trang công nghệ của Business Insider (Mỹ) tiết lộ, cô thấy bối rối khi có mặt tại một sự kiện nghệ thuật NFT diễn ra mới đây ở Austin, Texas.

Nữ phóng viên chia sẻ: “Sự kiện thu hút đông đảo người tham dự, từ giới điều hành cấp cao ở thị trường công nghệ đến cộng đồng yêu nghệ thuật và hứng thú với tiền điện tử nói chung. Trong buổi tham quan, tôi được ngắm nhiều tác phẩm tranh, ảnh đậm chất hiện đại: chân dung hoạt hình vui nhộn, xe cộ, cảnh quan đô thị sặc sỡ, các bức vẽ minh họa cá tính… Tất cả đều trông thú vị. Thế nhưng, việc quan sát từng dự án đơn lẻ qua màn hình ti vi khiến tôi nhận ra: áp đặt cách thưởng lãm nghệ thuật NFT theo lối truyền thống dường như khiến người xem thêm bối rối, nhất là với những ai còn lạ lẫm trước phương thức giao dịch này”. 

Bored Ape Yacht Club là thương hiệu nghệ thuật NFT đắt giá nhưng cũng gây tranh cãi bậc nhất hiện nay - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Bored Ape Yacht Club là thương hiệu nghệ thuật NFT đắt giá nhưng cũng gây tranh cãi bậc nhất hiện nay - Ảnh: Shutterstock 

Các “đồng xu” NFT đang được tích cực ứng dụng nơi thị trường nghệ thuật. Bằng chứng là sự ra đời của một số bộ sưu tập đắt đỏ đến khó tin, tiêu biểu như Bored Ape Yacht Club - với mức giá nay đã lên tới hàng tỷ USD. Dù vậy, theo Canales, phần lớn người yêu nghệ thuật có cơ sở để tỏ ra chần chừ. 

“Nghĩ đến việc mua bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, tôi vẫn rất e dè. Tôi đoán mọi người có quyền ngần ngại đầu tư vào mỹ thuật NFT bởi giá trị thị trường có thể thay đổi chóng mặt chỉ sau một đêm không theo bất kỳ nguyên tắc nào” - nữ phóng viên nhận định.

Về phía những nhà phê bình, mối nghi ngờ có thể còn rõ rệt hơn. “Công bằng mà nói, NFT góp phần trao cơ hội phát huy tài năng lẫn làm giàu cho không ít nghệ sĩ hiện nay. Thế nhưng, mặt trái của trào lưu này là giá thành đang tăng nhanh đến mức có khuynh hướng bị thổi phồng. Song song đó là cảm nhận phù phiếm và khó thấu hiểu ở cơn sốt mỹ thuật NFT” - chuyên gia phê bình nghệ thuật Jonathan Jones viết trên tờ The Guardian (Anh).

Theo Anna Harutyunyan, Giám đốc quản lý dự án của GSD Art Club, công ty nghệ thuật trực tuyến có trụ sở tại Armenia, để hóa giải hàng loạt vướng mắc đương thời đối với nghệ thuật NFT, sẽ cần “nhiều hơn nữa các nỗ lực quảng bá trực quan và cởi mở”. 

Thực trạng thiếu vắng nhận thức toàn diện dễ khiến công chúng có cái nhìn nghi ngại, thậm chí nảy sinh định kiến về nghệ thuật NFT. NFT chứa đựng tiềm năng lớn trong tương lai, vì nó giúp tái định nghĩa tất cả phương thức giao dịch chúng ta sử dụng ngày nay. Tôi tin thị trường nghệ thuật NFT sẽ tiếp tục mở rộng theo đà phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin” - Harutyunyan bày tỏ. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI