Never Rarely Sometimes Always khai thác một chủ đề tưởng chừng đã ngã ngũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Việc phụ nữ phải đấu tranh, đổ máu cho quyền tự quyết và bảo vệ nhân phẩm của bản thân tưởng đã chấm dứt vào thế kỷ trước hóa ra vẫn là một hiện thực ở thế kỉ 21, không chỉ tại nước Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Giống với hai bộ phim đầu tay của đạo diễn Eliza Hittman, It Felt Like Love và Beach Rats, Never Rarely Sometimes Always tập trung khai thác những khúc mắc nội tâm của người trẻ. Câu chuyện phim kể về Autumn (Sidney Flanigan), một nữ sinh trung học mang thai ngoài ý muốn và có ý định phá thai vì "chưa sẵn sàng làm mẹ". Tại Pennsylvania, nơi Autumn sinh sống, muốn phá thai phải có sự cho phép của cha mẹ vì cô chưa thành niên. Không còn cách nào khác, Autumn cùng người chị họ Skylar (Talia Ryder) đành trốn gia đình đến New York để tự tìm hướng giải quyết.
Trả lời Screen International, đạo diễn Hittman cho biết bà có ý tưởng và viết kịch bản nháp cho Never Rarely Sometimes Always từ 9 năm trước (năm 2012). Bối cảnh phim ban đầu là ở Ireland, nơi pháp luật cấm hoàn toàn việc nạo phá thai. Tuy nhiên, nhiều sự kiện thực tế thách thức quyền lựa chọn của phụ nữ diễn ra trong những năm kế tiếp khiến kịch bản thay đổi, đưa câu chuyện về Mỹ. Hittman gọi điều này là “bi kịch”.
Phim có cốt truyện tối giản và không dùng nhiều lời thoại, tập trung vào hình ảnh để khai thác nội tâm nhân vật. Ống kính của nhà quay phim người Pháp Hélène Louvart lặng lẽ theo chân Autumn, ghi lại những khoảnh khắc thường ngày trong cuộc sống của cô. Autumn đi học, đi làm, có mâu thuẫn với cha dượng và cũng không gần gũi mẹ. Cô cũng không có nhiều bạn bè, trừ người chị họ Skylar. Cách quay này cho phép khán giả theo dõi câu chuyện từ góc nhìn của Autumn, từ đó hiểu được cảm xúc và hành động của cô.
|
Never Rarely Sometimes Always kể về hành trình phá thai đầy khó khăn của một nữ sinh trung học |
Hittman dùng những thước phim có góc quay hẹp và quay cận mặt nhân vật để làm nổi bật bầu không khí nặng nề, tù túng, từ đó nhấn mạnh nỗi đau và sự bế tắc của một cô gái chưa thành niên đang đứng trước một quyết định hết sức khó khăn mà không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của người lớn.
Pha trộn nét hiện thực của phim tài liệu và chất thơ của nghệ thuật thứ bảy, cách làm phim của Hittman gợi nhớ đến phim nghệ thuật châu Âu rõ nét, thường thấy trong những phim chính kịch mang đề tài xã hội của đạo diễn huyền thoại Ken Loach.
Có hai ví dụ cho chủ nghĩa hiện thực trong phim: đoàn người biểu tình chống phá thai trước phòng khám Planned Parenthood và tư vấn viên gặp Autumn đều là thật. Kết hợp cùng các cảnh quay giả lập, phim bóc tách bi kịch của Autumn một cách chân thực, nhưng đồng thời không sa vào bi lụy. Biện pháp nghệ thuật này khiến những thước phim có phần lạnh lùng, bàng quan, đặc biệt gây ám ảnh.
Hai "tân binh" Sidney Flanigan - vốn là ca sĩ, lần đầu "lấn sân" diễn xuất, và Talia Ryder - diễn viên kịch Broadway, có màn ra mắt điện ảnh hết sức ấn tượng. Lối diễn xuất nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu lắng của hai nữ diễn viên trẻ đã trở thành điểm nhấn của bộ phim. Cả hai đều thành công trong việc lột tả nội tâm nhân vật, đặc biệt là với những góc quay cận cảnh.
Flanigan thể hiện cảm xúc đè nén, sợ hãi, khép kín lẫn sự mạnh mẽ và kiên định của Autumn chỉ bằng những hành động nhỏ nhặt và ánh nhìn đầy nội tâm. Đoạn Autumn phải trả lời những câu hỏi mang đầy tính giáo điều, vốn là một phần của thủ tục phá thai, qua diễn xuất đầy tinh tế của Flanigan, đã khắc họa không thể chân thực hơn sự bế tắc của cô gái trẻ.
|
Nữ đạo diễn Eliza Hittman (giữa) cùng bộ đôi diễn viên Sidney Flanigan (trái) và Talia Ryder (phải) |
Trong khi đó, với kinh nghiệm trên sân khấu kịch, vai diễn Skylar không phải là thử thách lớn đối với Talia Ryder. Cô có nét diễn tự nhiên, "diễn như không diễn", thể hiện thành công một Skylar năng động nhưng cũng kiên nhẫn, tinh tế và thấu cảm - chỗ dựa duy nhất của Autumn trong suốt cuộc hành trình.
Điểm trừ của phim là “mắc kẹt trong một nhịp phim duy nhất”, theo lời của giáo sư kiêm biên kịch Linda Aronson. Phim lặp đi lặp lại một tình tiết, giậm chân tại chỗ, thay vì để câu chuyện phát triển về phía trước. Điều này khiến mạch phim có phần chậm và lê thê.
Trailer phim "Never Rarely Sometimes Always":
Gặp nhiều khó khăn khi ra mắt do dịch COVID-19, tuy nhiên, Never Rarely Sometimes Always thắng giải đặc biệt do ban giám khảo bình chọn, hạng mục Tân hiện thực ở Liên hoan phim Sundance và giải Gấu Bạc ở Liên hoan phim Berlin. Phim chỉ được chiếu trọn vẹn ba ngày trước khi quy định cách ly có hiệu lực, buộc mọi rạp phim phải đóng cửa. Nhà phát hành phim Focus Features đành đưa Never Rarely Sometimes Always đến với khán giả bằng hình thức online streaming (phát trực tiếp).
Tuy nhiên, phim vẫn tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ. Theo Indie Wire, với bảy đề cử tại Independent Spirit - một giải "tiền Oscar" quan trọng dành cho phim độc lập, Never Rarely Sometimes Always có khả năng được đề cử Oscar cho các hạng mục đạo diễn, diễn viên chính và diễn viên phụ.
An Nguyễn