Mùa hè, mùa các bé tạm rời xa sách vở, cũng là mùa mà các phụ huynh có thể “nhín” chút thời gian để dạy con những kỹ năng cần thiết mà không bị vướng víu bởi lý do “thôi học mệt lắm rồi, để chúng nghỉ ngơi”.
Mùa hè này, hãy cùng Báo Phụ nữ tìm hiểu những kỹ năng mà bạn có thể truyền cho con mình bằng những hình thức… không khó như bạn nghĩ. Và hãy xác tín một điều, rằng truyền cho con kỹ năng cũng là trao cho con cơ hội để trưởng thành.
Sau đây là bài phỏng vấn thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng (CEO Công ty cổ phần Giáo dục Bella - Đồng sáng lập câu lạc bộ Dạy con nên người) xung quanh việc dạy con hiểu đúng giá trị đồng tiền: Cho con đi làm kiếm tiền, con sẽ có thái độ đúng với tiền
|
Ảnh minh họa |
Phóng viên: Câu lạc bộ Dạy con nên người sẽ có một khóa riêng cho trẻ về việc làm, vì sao lại là việc làm, thưa anh?
Thạc sĩ Trần Minh Trọng: Rất nhiều người Việt Nam thành đạt nhưng không hạnh phúc vì rất ít bố mẹ Việt Nam cho con có những trải nghiệm nghề nghiệp, thậm chí không ủng hộ, không chấp nhận chọn lựa nghề nghiệp của con. Đó là một “điểm mù” mà bố mẹ Việt Nam không nhìn thấy, hoặc thấy nhưng không cho con trải nghiệm nghề nghiệp mà chúng thích.
Vì vậy, chúng ta thường tạo ra những đứa trẻ chỉ biết một nghề là “nghề đi học”, cho đến khi các cháu tham gia vào thị trường lao động thì rất vất vả vì không biết mình muốn gì. Khi học được một công việc, các cháu sẽ học cả tính trung thực và cách phục vụ người khác thay vì chỉ đòi người khác phục vụ mình, trong đó có cả phục vụ tiền tiêu xài.
Thật ra, những đứa trẻ rất thông minh và có nhiều kỹ năng lắm, quan trọng là người lớn phải cho chúng cơ hội.
|
Các bé tham gia những hoạt động trải nghiệm cùng câu lạc bộ Dạy con nên người: hướng dẫn tour Côn Đảo, đi chợ mua đồ ăn.. |
* Có lẽ những đứa trẻ sẽ thích thú vì được làm việc và trong quá trình làm việc sẽ phát hiện thêm một số khả năng của mình.
- Tôi chắc rằng những đứa trẻ sẽ rất vui vì kiếm được tiền từ sức lao động của mình. Làm việc kiếm tiền và xài tiền là hai kỹ năng quan trọng mà mọi đứa trẻ đều cần được trang bị. Đầu tiên, lao động là phát huy sở trường của mình để tạo ra các giá trị trong cuộc sống. Thứ hai, làm ra tiền sẽ có thái độ đúng với đồng tiền. Thái độ đúng với đồng tiền là hiểu rằng mình kiếm tiền bằng cách nào và sử dụng đồng tiền ra sao: làm thiện nguyện, học hành, đầu tư, tiết kiệm, mua sắm… Đó là cách xài tiền tích cực.
Một người kiếm được tiền mà không cho đi, không biết đầu tư phát triển, không hưởng thụ… thì mãi mãi là người nghèo. Vì vậy, bằng cách nào đó bố mẹ hãy gợi ý một số công việc để con chọn làm kiếm tiền trong mùa hè thì kỳ nghỉ của các cháu sẽ có ý nghĩa hơn.
* Tiếp xúc với nhiều phụ huynh, anh có thấy những mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm của họ?
- Có một câu chuyện thực tế như thế này, khi chúng tôi tổ chức chương trình “Bữa ăn thiên đường”. Chúng tôi đề nghị phụ huynh ngồi vào bàn, bọn trẻ sẽ nướng tôm, bưng xúp… bày ra mời bố mẹ. Nhiều người thấy con làm thì đứng ngồi không yên, kiểu như: trời ơi, con mình ở nhà năn nỉ mãi nó mới ăn. Con có đang bị đói không? Con có làm được không, có bị bỏng không?… mà quên mất rằng các cháu rất vui khi làm việc đó.
Việc cho tiền cũng có những mâu thuẫn tương tự. Phụ huynh một mặt muốn con trưởng thành, một mặt vẫn muốn bảo bọc con. Nếu phụ huynh không mạnh mẽ vượt qua những mâu thuẫn ấy thì khi con lớn lên sẽ gặp những mâu thuẫn lớn hơn. Điều này gây ra một sự lãng phí và nỗi đau cho cả phụ huynh và một thế hệ trẻ.
Một đứa trẻ khi lớn lên phải được trang bị kỹ năng ra quyết định, đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhưng đôi khi gia đình và nhà trường phần nào làm tê liệt. Chúng tôi thường cố gắng dạy trẻ tự ra quyết định và điều này đôi khi lại gây sợ hãi cho phụ huynh.
|
Ảnh minh họa |
* Vậy phụ huynh phải làm sao để thoát khỏi những lúng túng đó?
- Đầu tiên, phải tự học và thử nghiệm cùng con xem cách nào phù hợp với nhu cầu của cả bố mẹ và con. Thứ hai, tham khảo một số sách như Dạy con dùng tiền, Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương… Thứ ba, tư vấn chuyên gia về tâm lý và tài chính.
Khi con bắt đầu biết xin tiền, dạy con những hiểu biết cơ bản về tiền: các mệnh giá, tiền có thể mua được gì, đưa ra những so sánh tương đương, ví dụ: một giờ làm việc của mẹ được 50.000 đồng, như vậy con mua một con búp bê 50.000 đồng là tương đương một giờ làm việc của mẹ… Cho tiền trẻ tự mua những món đồ nhỏ. Nhắc trẻ ghi sổ lại những số tiền đã xài.
Nếu trẻ lỡ xài hoang phí, đừng vội mắng hay phạt mà trao đổi để con rút kinh nghiệm. Khi trẻ lớn hơn có nhu cầu dùng số tiền lớn hơn, hãy dạy trẻ dùng sức lao động và trí tuệ của mình để kiếm tiền như làm công việc giúp bố mẹ, phụ quán ăn hay bất cứ công việc nào an toàn và vừa sức trẻ.
HỌ ĐÃ LÀM
Chuck Feeney: Yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm thu ngân khi nghỉ hè
Chuck Feeney là nhà tỷ phú và nhà từ thiện người Mỹ gốc Ireland, đồng thời là người đi tiên phong trong việc lập nên khái niệm mua sắm miễn thuế.
|
Ông Chuck Feeney |
Ngay từ khi còn bé, các con ông đã được dạy về ý nghĩa của đồng tiền. Không chỉ khuyên con luôn chi tiêu hợp lý và không ngừng tiết kiệm, người cha quyền lực và giàu có ấy đã yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm phục vụ phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè. Ông muốn con cái trở thành những đứa trẻ nhà giàu biết tự lập.
Roman Abramovich: Muốn tiêu tiền thoải mái, con phải biết cách kiếm tiền
Tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã dạy con mình như thế trong những năm đầu đời. Ngay từ thuở ấu thơ, con ông đã được cha giáo dục cần phải sống tự lập và tự mình kiếm tiền chi tiêu cho những thứ mình yêu thích, thay vì ngửa tay xin cha mẹ.
|
Ông Roman Abramovich |
Roman Abramovich cho rằng, con cái có quyền và có khả năng làm mọi điều chúng thích. Để tiêu tiền theo kiểu nhà giàu, cần phải nỗ lực kiếm tiền gấp nhiều lần những người bình thường.
Denis Johnson: Chỉ cho con những thứ cơ bản
Xuất thân từ một gia đình nghèo và trở thành một doanh nhân với khối tài sản lớn, vị nữ doanh nhân này luôn nhắc nhở các con những nguyên tắc về đồng tiền và giá trị cốt lõi trong cuộc sống để thành công.
Bà kể: "Tôi đưa cho con 50 USD mỗi năm để mua giày và mua cho chúng bốn cái quần jeans. Bọn trẻ sẽ không thể mua những đôi giày đắt tiền bằng số tiền đó. Nhưng nếu muốn, chúng có thể đi làm thêm hay chờ đến khi hàng giảm giá".
|
Bà Denis Johnson và các con cháu |
Theo bà, những đứa trẻ cần nhiều thứ do chúng mong muốn chứ chưa thực sự cần thiết. Cha mẹ nên giúp chúng hiểu được nếu muốn có những thứ con ước mơ, con phải tự kiếm tiền. Bà không muốn con cái xem mình như một cái "máy rút tiền".
Denis Johnson còn dạy con yêu lao động, chi tiêu tiết kiệm, biết đầu tư và xác định mục tiêu cho tương lai ngay từ nhỏ để có thể thành công. Bởi trẻ thường có tâm lý dựa vào người lớn về mọi thứ, nhất là tiền bạc. Nếu bạn không biết cách khhống chế điều này, con bạn sẽ sống dựa dẫm cả đời.
|
Lâm Hạnh