Ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6

Nếu thương con cháu thì mình phải vui vẻ, khỏe mạnh

06/06/2023 - 18:57

PNO - Ngưỡng tuổi U80, ông Hoàng Văn Kỳ Nam và bà Phan Thị Loan (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có gần sáu thập niên gắn bó bên nhau.

Lấy nhau lúc chưa đầy đôi mươi, bà Loan lần lượt sinh 5 người con, gồm 3 trai đầu, 2 gái sau. Thời tuổi trẻ, họ cùng nhau lúc mặn mà, khi hờn giận, lúc khăng khít, có lúc chen giữa là những khoảng trống của hờn ghen.

Vợ chồng bà Loan cùng nhau làm vườn
Vợ chồng bà Loan cùng nhau làm vườn

“Ông nhà tôi là người hoạt ngôn, vui tính lại cao ráo, đẹp mã nên đi đâu là gái bu theo đó. Hồi trước, có thời ông làm tài xế, lái xe đi khắp nơi nên chuyện ông ong bướm, có cô này thầm thương, cô kia công khai trộm nhớ tôi biết hết, nhưng đau khổ cũng chẳng làm được gì, tôi gạt qua buồn rầu để chuyên tâm nuôi dạy con cái” - bà Loan chia sẻ.

Nghe bà kể, ông Nam đang quét lá ở gần nói chêm vào: “Bây giờ, tôi dành hết tâm sức để lo lắng, chăm sóc cho bà, chiều bà hết nước. Cái gì, việc gì, miễn bà thích là tôi làm ngay”.

Thế là bà liệt kê: “Ông đang làm vườn nhưng tôi nhớ ra cần đi chợ, ông sẽ bỏ dở việc, vào nhà xách xe máy chở tôi đi liền; khi tôi đau ốm, muốn ăn món gì, ông sẽ nấu; bất cứ lúc nào tôi nói nhớ con, muốn vào thăm cô con gái thứ tư đang sống ở Đồng Nai, ông giúp chuẩn bị hành lý, vé xe tàu rồi ở nhà một mình, cặm cụi chăm lo ruộng vườn, gà vịt…”.

Dù con cháu dâu rể đều có điều kiện mời cha mẹ về phụng dưỡng, ông Nam và bà Loan vẫn chỉ chọn ở cùng nhau. Ông bà rất tự tin vào sức khỏe và cảm xúc tuổi xế chiều của mình. Niềm vui thường nhật của ông bà là được đồng hành, ân cần chăm sóc nhau, chăm sóc ruộng nương, vườn tược.

“Ông không chỉ nấu nướng giỏi mà còn chăm chỉ, sạch sẽ. Sáng khi mặt trời chưa mọc, ông đã vác rựa, vác cuốc ra vườn, ra đồng. Hôm thì ông chặt tre, chặt măng, hôm ông xới cỏ, tưới nước cho bắp đậu. Già rồi mà ông nào cho đất nghỉ” - bà Loan kể. Ông thì bảo 2 thân già bây giờ ăn uống không bao nhiêu, nhưng rau củ mình làm ra là đồ ngon, đồ sạch nên sẽ không bao giờ thừa. Con cháu mình ở phố càng được cậy nhờ, càng có thêm nhiều bữa cơm ngon canh ngọt, gia đình con sẽ càng vui vẻ, đầm ấm hơn.

Bà Loan nói thêm: “Quan tâm, yêu thương con cái, cháu chắt, dâu rể vô điều kiện là phương châm làm cha, làm ông của ông Nam. Tôi sống gần ông ấy mấy chục năm nên cũng bị “lây nhiễm” cái tính này. Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn có tiếng bấc tiếng chì, chê trách dâu rể. Nhưng ông nhà tôi sẽ ngó lơ những điều các con chưa làm tốt hoặc trái tính trái nết với mình. Ông bảo, thay đổi là cánh cửa phải được mở từ bên trong. Nếu dâu, rể về nhà còn dại thì mình phải có trách nhiệm bảo ban, yêu thương và thấu hiểu. Khi mình thay đổi và tốt rồi, con cái sẽ tự khắc hòa nhập, tôn trọng và tốt lên mỗi ngày”.

Cách đây khoảng 2 năm, người con trai cả của ông bà bị tai nạn lao động phải nghỉ việc. Người con trai thứ hai mất vì bệnh K; Người con trai thứ ba làm tài xế vô tình gây tai nạn giao thông, phải bồi thường hàng trăm triệu đồng; một người con rể bị bệnh, phải phẫu thuật khó.

Chuyện không may liên tục xảy ra khiến bà Loan đổ bệnh, sút cân, mất ngủ. Ông Nam, trong nhiều tháng liền, vừa lo đồng áng, ruộng vườn vừa đi chợ, giặt ủi, nấu ăn. Mỗi ngày, ông dành nhiều thời gian sắm vai bác sĩ tâm lý, tích cực động viên, vực dậy tinh thần cho bà Loan.

Đối với vợ chồng bà Loan, để hòa hợp với con cháu trong nhà, để đối diện với bão giông cuộc đời, ông bà chọn niềm vui thì nhân đôi, còn nỗi buồn sẽ... lơ đẹp. Miễn còn nhau, 2 đôi tay yếu, 2 mái đầu già sẽ cùng đi tiếp một chặng đời hạnh phúc. 

Diệu Thông
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI