“Nếu thi tuyển, con tôi chưa chắc trượt!”

14/08/2021 - 06:29

PNO - Các nhà quản lý giáo dục cần chuẩn bị phương án dự phòng trong các tình huống bất khả kháng trong tương lai, đó là đánh giá người học và tuyển sinh không nên phụ thuộc vào phương án duy nhất và không để người học bị động với những phương án mới.


Đó là ý kiến của chị Nguyễn Hạnh, phụ huynh ở Q.3. Chị phân tích: “Từ trước khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, tôi biết chắc con mình sẽ rớt. Nhìn thống kê điểm xét tuyển là đủ choáng váng rồi và cũng tự dự đoán được điểm chuẩn chắc phải cao lắm. Ai dè, cao thật! Ngay từ đầu năm lớp Chín, thầy và con đã tự đặt ra chiến lược là học lấy điểm đủ giỏi để đủ điều kiện thi vào lớp chuyên, còn lại không cần phải cố dốc sức để lấy điểm tuyệt đối, thời gian còn lại dồn để tập trung ôn luyện môn chuyên và học những gì con thích.

Khi thay đổi từ thi tuyển sang xét tuyển là tôi hiểu cơ hội vào trường chuyên của con gần như bằng không, nhưng vẫn còn hy vọng vào nguyện vọng lớp thường ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, phân tích gần đây, tôi nghĩ khả năng này cũng không cao. Con tôi rất cố gắng học, và được thầy cô đánh giá cao nên tư vấn vào trường chuyên và những tốp trường đầu như nguyện vọng của con. Con rất tự tin để thi nhưng khi xét tuyển thì bồn chồn và mất tự tin. Tôi tin, nếu vẫn thi tuyển, chưa chắc con tôi trượt lớp 10 chuyên”. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Còn anh Mai Thanh Liêm, phụ huynh ở Q.1, cho biết: “Ngay sau khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, nhiều bạn bè tôi có con là học sinh lớp Chín, học rất giỏi của các trường THCS nổi tiếng ở quận 1, 3 cũng sững sờ vì con rớt hết các nguyện vọng. Họ thất vọng vì không phải con học dở, không đủ sức nên rớt, mà buồn vì con không được vào đúng nguyện vọng, thất vọng, mất tự tin hẳn.

Sự đậu rớt ở phương thức xét tuyển không phản ánh đúng bản chất giỏi hơn thì đậu, yếu hơn thì rớt. Phần lớn ở các trường có tiếng, sự cạnh tranh rất lớn, thầy cô và thậm chí ở cấp quận luôn cho đề kiểm tra rất khó và đánh giá học sinh rất gắt gao. Họ nghiêm khắc như vậy thì quá tốt cho học trò nhưng ai có ngờ chỉ cần chuyển đổi hình thức tuyển sinh thì sự nghiêm khắc lại trở thành… gót chân Achilles”.

Tình trạng trên đã được dự báo sớm khi TP.HCM quyết định chuyển từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển vì dịch bệnh. Ai cũng hiểu, giải pháp tình thế phải chấp nhận sự tương đối nhưng đó là giải pháp ít bất cập nhất ở thời điểm này. Nhưng khi con em rớt, phụ huynh khó lòng thông cảm. Nhất là khi lỗi không thuộc về người học, mà phụ thuộc vào sự may rủi của việc ra đề và đánh giá học sinh giữa các trường THCS, ranh giới giữa "chặt" và "lỏng" rất khó xóa nhòa. 

Tất nhiên, ở vào hoàn cảnh dịch bệnh không mong muốn thì phải chấp nhận phương án tương đối. Nhưng, từ thực tế này để thấy rằng các nhà quản lý giáo dục  cần chuẩn bị phương án dự phòng trong các tình huống bất khả kháng trong tương lai, đó là đánh giá người học và tuyển sinh không nên phụ thuộc vào phương án duy nhất, và không để người học bị động với phương án mới.

Gia Tuệ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI