Nếu thi tốt nghiệp THPT thay đổi, xét vào đại học sẽ ra sao?

24/05/2021 - 08:18

PNO - Đó là câu hỏi khiến không chỉ thí sinh mà ngay chính các trường đại học cũng gặp khó khăn. Điều chỉnh đề án tuyển sinh để thích ứng là phương án dự phòng mà ở thời điểm này nhiều trường đại học buộc phải nghĩ đến.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 theo kế hoạch dự kiến diễn ra vào tháng Bảy có thể phải tổ chức làm nhiều đợt. Hoặc cũng có thể phải đẩy lùi thời gian như kỳ thi năm ngoái. Nếu kỳ thi quan trọng này thay đổi, chắc chắn kế hoạch xét tuyển vào đại học (ĐH) cũng có biến động. Mới đây, trong hướng dẫn các trường ĐH tổ chức dạy và học, kết thúc năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhắc các trường lên phương án dự phòng trong công tác tuyển sinh năm 2021.

Nên xét tốt nghiệp nếu dịch phức tạp 

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, các chủng vi-rút mới nguy hiểm hơn chủng cũ nên giáo dục ĐH nói chung, tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) đang bị ảnh hưởng nhiều. Trên thế giới, các trường ĐH cũng đang thay đổi phương thức giảng dạy, học tập cũng như tuyển sinh. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần tính đến phương án xét tốt nghiệp thay vì thi tốt nghiệp để có thể chủ động giải pháp nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thậm chí trong tương lai có thể phức tạp hơn. 

Thạc sĩ Trần Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM (bìa phải) đang tư vấn cho  thí sinh - Ảnh: Thanh Thanh
Thạc sĩ Trần Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM (bìa phải) đang tư vấn cho thí sinh

Theo đó, thạc sĩ Trần Nam đề xuất, các trường ĐH, CĐ cần tính đến nhiều giải pháp tuyển sinh khác nhau: nếu xét tốt nghiệp thay vì thi tốt nghiệp tập trung, các trường dùng kết quả này để xét tuyển; nếu vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì có thể tổ chức thi nhiều đợt, các trường cũng xét nhiều đợt trong năm; xét học bạ THPT; tính toán việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như phương án mà ĐH Quốc gia TP.HCM đang tổ chức theo hình thức trực tuyến, có thể thi nhiều đợt trong năm; dùng phương thức xét học sinh giỏi tại các trường THPT trong cả nước. Một vấn đề là dịch bệnh tại các địa phương diễn biến khác nhau, nên các trường ĐH, CĐ cần phân bổ chỉ tiêu phù hợp ở mỗi đợt xét tuyển, tránh thiệt thòi cho học sinh tại các tỉnh có dịch.

Thực tế, nhiều nhà sư phạm tán thành phương án xét tốt nghiệp nếu tình hình dịch phức tạp hơn. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho hay: “Đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện dịch phức tạp. Hơn nữa, trong tỷ trọng xét tốt nghiệp hiện nay vẫn luôn có điểm thi và điểm học bạ. Với hoàn cảnh đặc thù, chúng ta có thể tăng tỷ trọng điểm học bạ và bổ sung các tiêu chí khác để đánh giá cả quá trình học tập của học sinh. Đối với trường ĐH, việc không tổ chức kỳ thi này cũng không ảnh hưởng nhiều vì các trường có nhiều phương thức xét tuyển”. 

Dành chỉ tiêu cho thí sinh hoãn thi tốt nghiệp

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: Khi dịch đến, trường chuyển sang tăng cường xét tuyển theo phương thức kết quả học bạ lớp 12, vì đây là cách thuận lợi nhất thời điểm này để hạn chế đi lại. Thí sinh sẽ thực hiện xét tuyển online, các hồ sơ bổ sung chuyển qua bưu điện nên đảm bảo an toàn. Rút kinh nghiệm từ năm trước, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trường dành chỉ tiêu phân bổ phù hợp và các chính sách học bổng tương ứng cho những thí sinh nếu có trường hợp phải tổ chức thi THPT nhiều đợt.

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh trên thế giới nên rất nhiều học sinh tốt nghiệp các chương trình phổ thông quốc tế tại Việt Nam không thể du học. Vì vậy, trường cũng tính toán chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh này dựa trên kết quả học tập bậc THPT. Đối với học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài và học sinh học các trường quốc tế tại Việt Nam, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, kiểm tra trình độ theo quy định của trường. 

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dành một phần chỉ tiêu cho thí sinh ở các vùng bị hoãn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, năm nay trường có thêm phương thức kết hợp kết quả học tập/thi với phỏng vấn nên xem như có thêm một phương thức dự phòng nữa trong tình hình sắp đến. 

Thí sinh và phụ huynh đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM
Thí sinh và phụ huynh đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM

Còn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh như: sử dụng kết quả học tập năm lớp 12, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng... Riêng đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu tiến độ kỳ thi thay đổi do dịch thì việc tuyển sinh của nhà trường cũng thay đổi tương ứng. Theo đó, sẽ xem xét cân đối tỷ lệ chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức xét tuyển phù hợp hơn và những thí sinh ở các địa phương phải thi sau cũng không thiệt thòi.

Trường hợp xấu nhất sẽ điều chỉnh đề án tuyển sinh

Theo đại diện nhiều trường, hiện các trường đều trong tư thế sẵn sàng, chỉ chờ quyết định của Bộ GD-ĐT. Trường hợp xấu nhất nếu không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì các trường sẽ xét tuyển bằng các phương thức còn lại. Bước sang “năm COVID thứ hai”, các trường phần nào đã quen ứng phó để sống chung với dịch. Dù vậy, các trường cho rằng tình hình hiện nay chưa đến mức quan ngại và thí sinh có thể yên tâm về vấn đề xét tuyển. 

Trong khi chờ quyết định của Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH vẫn tiếp tục xét học bạ online. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Hiện trường có ba phương thức xét tuyển, trong đó xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn đang là lựa chọn nhiều nhất. Nếu nhiều địa phương phải hoãn thi vì dịch bệnh chuyển biến xấu thì trường sẽ nghiên cứu điều chỉnh tỷ trọng xét học bạ, để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Từ 25% trong tổng chỉ tiêu hiện tại có thể thay đổi lớn hơn và giảm tỷ trọng xét điểm thi xuống. Đối với các môn năng khiếu vẽ, âm nhạc, đang được dự kiến tổ chức thi tại trường vào bốn đợt, nhưng tùy theo diễn biến của dịch bệnh sẽ điều chỉnh về ngày thi và hình thức thi phù hợp. 

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng sẽ điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ nếu tình hình khó khăn hơn. Chỉ tiêu xét tuyển học bạ sẽ được điều chỉnh phù hợp tùy theo ngành nghề và hệ đào tạo…

Là trường đặc thù với phần lớn các ngành đào tạo xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT (hoặc học bạ) kết hợp với điểm kỳ thi năng khiếu riêng nên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng phải tính toán để tuyển được người học phù hợp. Một đại diện trường cho hay: rút kinh nghiệm đợt dịch năm trước, năm nay trường tổ chức hai kỳ thi năng khiếu cách xa nhau tới ba tháng: một đợt vào tháng Tư, đợt còn lại sau kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng một tuần.

Vì vậy, có khoảng 3.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường đã trải qua kỳ thi năng khiếu. Nếu kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT có thể tổ chức thì đợt 2 thi năng khiếu của trường vẫn có thể tổ chức bằng cách chia nhỏ phòng thi, thực hiện khoảng cách an toàn. Nếu tình hình xấu đi không thể tổ chức đợt 2 thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều, có thể tăng tỷ trọng ba phương thức xét tuyển còn lại.

Nhiều trường phải dừng nhận hồ sơ xét tuyển trực tiếp
Đây là thời điểm các trường ĐH, CĐ nhận đăng ký xét tuyển bằng các phương thức xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM… Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương hạn chế tập trung đông người, nhiều trường phải dừng nhận hồ sơ trực tiếp. Thậm chí, có trường gần như tạm hoãn hoặc hủy mọi hoạt động trong thời gian này.

Trường ĐH Tài chính - Marketing phải tạm dừng việc nhận hồ sơ học bạ trực tiếp tại trường. Thí sinh có thể nộp qua bưu điện hoặc đăng ký qua website của trường. Các hoạt động ngày hội việc làm đều phải tạm hoãn. 

Nhiều trường đại học thông báo tạm dừng nhận hồ sơ trực tiếp
Nhiều trường đại học thông báo tạm dừng nhận hồ sơ trực tiếp

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, thời điểm này chỉ tiếp nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM qua hình thức trực tuyến hoặc đường bưu điện, không nhận trực tiếp để hạn chế đông người. Trường còn phải dừng tổ chức ngày hội việc làm, hội nghị khoa học, thi cao học… diễn ra trong tháng Năm này.

Trường ĐH Giao thông vận tải lẽ ra nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT từ ngày 19/5 bằng hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến trên website. Nhưng với tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận nên từ ngày 21/5, trường chỉ nhận hồ sơ nộp trực tuyến qua website cho đến khi có thông báo mới.

Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Trường ĐH Đà Lạt, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM… cũng thông báo tạm ngưng nhận hồ sơ xét tuyển học bạ trực tiếp tại trường. Thay vào đó, thí sinh vẫn vào website của trường để đăng ký hồ sơ trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

Thanh Thanh

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI