Nếu thấy cuộc sống tẻ nhạt, hãy nói chuyện với bệnh nhi ung thư (*)

24/04/2023 - 14:01

PNO - Nếu một ngày nào đó bạn thấy chán chường cuộc sống này, cứ dành khoảng 2 giờ đồng hồ dạo quanh khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu, bạn sẽ nhận ra cuộc sống của mình tươi đẹp đến mức nào.

 

Tranh minh họa của họa sĩ  Đức Lâm trong Không sợ sống -  Dám yêu đời mà sống

Khi bác sĩ điều trị bảo tôi phải thực hiện hóa trị và cả xạ trị để ngăn ngừa tối đa sự trở lại của tế bào ung thư, tôi choáng váng vì không thể tin vào thực tại. Một tương lai tăm tối và tôi gần như không có chút mạnh mẽ nào để chống trả với điều kiện của bản thân hiện tại.

Dẫu tôi có nghe khuyến cáo, với căn bệnh của mình, sự lạc quan chính là thần dược để trị liệu nhưng làm sao có đủ lạc quan khi cơn đau thể xác như xé nát tâm trí tôi sau mỗi lần hóa trị mà tôi phải đối mặt. 

Cứ mỗi lần nạp thuốc hóa trị vào người, cơ thể tôi lại mềm nhũn vì đau đớn. Nhưng, đáng buồn hơn là tinh thần tôi cũng rệu rã theo những cơn đau. Tôi trở nên mẫn cảm với mọi thanh âm, mẫn cảm với ánh nhìn và cả những lời sẻ chia của người khác. Lúc ấy, tôi hờn cả thế giới vì nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Thế giới quay lưng và mình bị “trả nghiệp”. 

Tôi nhớ lần đầu tiên hóa trị, dù đã được cảnh báo “khủng khiếp lắm” và tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận tất cả nhưng không ngôn từ nào có thể miêu tả một cách cụ thể những gì tôi phải đối mặt. Bởi lẽ đó không phải là những cơn đau cụ thể để chữa trị. Thay vào đó, những cơn đau như “nhục hình” dai dẳng với muôn hình vạn trạng. Có lúc tôi nôn thốc nôn tháo đến mức ngại ra khỏi nhà vệ sinh vì kiểu gì, vài phút tới, tôi lại phải trở vô. 

Những ngày sau đó, cơn táo bón ập tới. Bụng tôi trương phình và mũi thì không thở nổi. Có ngày, người tôi như bị hàng triệu mũi kim đâm vào cùng lúc. Đụng vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể mình, tôi nhói thấu trời xanh. Rồi có lúc, hai bàn tay ngứa điên cuồng. Ngứa mà không xác định được chỗ ngứa vì nó ngứa từ bên trong chứ không phải bên ngoài da thịt. Chỉ đến khi tôi nhúng cả hai bàn tay mình vào nước nóng, cơn ngứa bớt đi nhưng tay tôi lại đỏ rát vì phỏng. 

Hóa trị là thế. Không thể khác hơn. Muốn có một cơ thể khỏe mạnh trong tương lai, phải vượt qua những phút giây hành hình này. Và điều đó giúp tôi vượt qua những đợt hóa trị khá suôn sẻ dù có lúc không kiềm chế được cảm xúc bản thân, tôi đã cầu xin người nhà: “Tôi muốn được giải thoát khỏi những cơn đau này bằng thuốc ngủ. Nếu thương tôi, làm ơn giúp tôi với”. 

Mẹ tôi nghe xong và bật khóc. 

Bà không nói gì nhưng chính điều ấy làm tôi hối hận. Tôi cảm nhận rõ nét nỗi đau của các thành viên trong gia đình khi chứng kiến những cơn đau của tôi. Có lẽ vì là bệnh nhân nên đôi lúc tôi cho mình cái đặc quyền nói bừa, nói bậy, ẩm ương và đáng ghét. Tôi nghĩ mọi người phải phục tùng một bệnh nhân vì đó là cách tử tế mà họ có thể làm. Nhưng, mãi sau này tôi mới hiểu, có khi nỗi đau tôi đang mang còn nhẹ nhàng hơn nỗi đau của họ khi chứng kiến người thân mình bệnh tật…

Khi biết hối hận vì nhìn lại, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn để vượt qua những cơn đau thể xác. Từ đợt hóa trị thứ ba trở đi, tôi dần quen với những cơn đau. Tôi thậm chí còn lên kế hoạch “chiêu đãi” bản thân để tránh tối đa những mệt mỏi mà tôi biết chắc sẽ đến. Như việc sau mỗi lần vào thuốc, tôi sẽ có khoảng 4-5 giờ đồng hồ không có bất cứ dấu hiệu đau đớn nào vì tác dụng của thuốc giảm đau. Tôi lập tức ăn tất cả những thứ có thể mang đến cho tôi năng lượng. Lúc đó, người bệnh không cảm nhận được mùi vị của thức ăn nhưng tôi cứ đưa thức ăn vào người trước để cơ thể mạnh mẽ mà chống chọi với cơn đau. Tôi lập sẵn kế hoạch đó vì hiểu rõ những biến chuyển trong cơ thể mình. 

Mỗi ngày vào viện để hóa trị, tôi lại nghe thêm những câu chuyện về bệnh tật của những bệnh nhân khác. Cô giáo dạy toán ở một trường tiểu học trên cao nguyên khăn gói cùng chồng vào TPHCM để điều trị ung thư. Cô vốn là người lạc quan, luôn cười nói ngay cả khi những chai thuốc điều trị ung thư treo lủng lẳng trên đầu, bàn tay xanh xao đầy những vết thâm tím vì kim tiêm đâm liên tục vào tay để lấy máu xét nghiệm, tiêm thuốc điều trị...

Cô rôm rả kể chuyện khi đợi đến lượt mình. Nhưng rồi chỉ đến lần hóa trị thứ hai, cô lả như một cọng bún thiu, dặt dẹo ngồi trên xe lăn và nhờ chồng đẩy đến phòng bệnh. Dù trầm lặng, ít nói hơn nhưng khi được hỏi thăm, cô vẫn nở nụ cười trước khi trả lời.

Đến lần thứ ba gặp lại trước phòng bệnh, tôi không tin rằng người phụ nữ trước mặt mình là người mà tôi biết trước đó 1 tháng. Cô sụt đến hơn 20kg, da bọc xương khiến cho người phụ nữ hoạt bát ngày thường giờ như đứa trẻ, ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn của bệnh viện… Những người như cô gái này không ít. Nguyên nhân chính của họ là không thể nạp được thức ăn vào người khi hóa trị. 

Những đợt thuốc điều trị như thuốc độc giết sạch mọi tế bào bệnh lẫn tế bào khỏe mạnh. Cơ thể trở nên trống rỗng như ống tre. Muốn mọi thứ được tái tạo nhanh hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn, con đường duy nhất là nạp dinh dưỡng. Không ít bệnh nhân phải khó khăn lắm mới chấp nhận quá trình hóa trị nhưng vì cơ thể không thích ứng với việc điều trị, bệnh chồng bệnh, trở nên suy nhược hơn bao giờ hết. 

Nói điều đó để khẳng định rằng không có bất cứ chuẩn mực điều trị nào dành cho mọi người. Cấu tạo cơ thể mỗi người hoàn toàn khác nhau và vì thế, sự tiếp nhận quá trình điều trị của mỗi người cũng khác nhau. Có những bệnh nhân không có bất kỳ sự đau đớn nào, không bị tác dụng phụ của việc rụng tóc, vẫn làm được việc vặt sau khi hóa trị trở về nhưng cũng có người, thuốc vào đến cơ thể là như đất trời sụp đổ…

Ở tập sách này, tôi không biết và cũng không muốn đề cập đến bất kỳ khái niệm y khoa hay ý kiến điều trị chuyên môn nào bởi những điều đó đôi khi không cần thiết cho bệnh nhân. Điều duy nhất bệnh nhân có thể làm là tuân theo mọi chỉ định của bác sĩ, theo những chỉ dẫn đơn giản và dễ hiểu nhất. 

Trong giai đoạn bệnh, một người thông thái đến mấy cũng trở nên cùng quẫn khi bị bệnh tật hành hạ. Vì vậy, một khái niệm phức tạp cũng có thể khiến bệnh nhân thấy phiền phức. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi lúc đó, mục tiêu của người bệnh là khỏi bệnh, khỏe mạnh. Điều gì giúp họ khỏe mạnh thì họ sẽ làm theo. Đó là lý do không ít bệnh nhân nghe lời rỉ tai từ những bệnh nhân khác, bỏ tây y theo đông y, bỏ hóa trị để uống thuốc nam. Nếu ai đó may mắn hợp với thuốc nam, cơ hội chiến thắng bệnh tật khá cao nhưng lượng bệnh nhân phải quay lại bệnh viện vì sự tàn phá của thuốc nam cũng không nhỏ. 

Thế nên, bí quyết chữa trị của bệnh nhân ung thư là phải nói mọi điều cho bác sĩ điều trị để tránh mọi rủi ro. 

Ngày nay, không khó để tìm sách về bệnh ung thư. Những cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Những cuốn sách truyền tải những câu chuyện xúc động cũng như các phương pháp, kinh nghiệm để người bệnh chiến thắng chứ không gục ngã. Tuy vậy, làm thế nào để tìm được một cuốn sách phù hợp và có giá trị nhất với bản thân lại không phải là chuyện dễ dàng.

Chúng ta thường có xu hướng dung nạp mọi nguồn thông tin vì cố bấu víu vào điều gì đó để tìm sự lạc quan, tìm đường sống cho chính mình. Nên nhớ, cái gì vừa đủ mới tốt, kể cả kiến thức, tri thức. Bởi khi dung nạp thông tin một cách thiếu chọn lọc, tìm hiểu theo kiểu vô tội vạ, “tẩu hỏa nhập ma” là điều khó tránh khỏi. May mắn, tôi đã tìm được những cuốn sách quý từ sự gợi ý của bạn bè…

Nếu một ngày nào đó bạn thấy chán chường cuộc sống này, cứ dành khoảng 2 giờ đồng hồ dạo quanh khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu, bạn sẽ nhận ra cuộc sống của mình tươi đẹp đến mức nào. Nếu thấy cuộc sống của mình quá tẻ nhạt, bạn hãy vào đó, nói chuyện với bệnh nhi ung thư - những đứa trẻ vừa làm quen với cuộc đời nhưng sắp phải rời xa dương thế. Dù thế, chúng chưa bao giờ buông lời oán thán, kể cả khi những liều thuốc khiến chúng rơi vào trạng thái chỉ là “sống tạm”. 

Thuỳ Trang

Trích chương III trong tập sách Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM - 2023) của tác giả Thùy Trang

Tranh minh họa của họa sĩ Đức Lâm trong Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống

(*): Tựa do Báo Phụ nữ TPHCM đặt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI