Nếu sứ mạng trường nghề được viết lại

10/07/2020 - 07:43

PNO - Doanh nghiệp đỏ mắt tìm lao động kỹ thuật qua đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp mà không có nguồn tuyển. Trường nghề thì đỏ mắt chờ thí sinh đăng ký học. Bài toán nan giải này đã được đề cập không biết bao nhiêu lần ở không biết bao nhiêu hội nghị nhưng vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Không quá xa xôi với Việt Nam, các trường Kosen Nhật Bản còn thu hút cả những học sinh giỏi vào học, bởi sứ mạng của họ rất giản dị: mang đến cơ hội 100% sinh viên có việc làm. Vậy, thay vì đặt ra sứ mạng kiểu như “đào tạo nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, vững tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, hướng tới hội nhập quốc tế”… thì trường nghề có thể viết lại sứ mạng của mình kiểu như các trường Kosen không? 

Khó khăn bủa vây

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành, ảnh: Đại Minh
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành - Ảnh: Đại Minh

Năm nay, khi học phí đại học (ĐH) ở một số trường tăng cao, các trường nghề mừng thầm vì học phí cách biệt như vậy, họ hy vọng sẽ có thêm một số học sinh không có điều kiện kinh tế sẽ chọn học nghề. Nói như vậy để thấy rằng, tuyển sinh trường nghề đang rất khó khăn, chờ đợi động tĩnh từ nguồn tuyển rớt ĐH. Trong khi đó, năm nào doanh nghiệp cũng than thiếu nhân lực có tay nghề. 

 “Tuyển sinh trường nghề những năm gần đây rất… mệt mỏi”, ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng (CĐ) Công nghiệp In (TP.Hà Nội), chia sẻ. Trước đây, trường nghề còn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có quy định điểm sàn ĐH, nếu không đủ điểm sàn thì học sinh chọn học nghề. Những năm qua, ĐH “vét” hết thí sinh với đủ phương án xét tuyển nên trường nghề rất lao đao. Năm 2019, chỉ tiêu của Trường CĐ Công nghiệp In là 450 sinh viên nhưng chỉ tuyển được gần 300 và chưa năm nào đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, lao động ngành in cả nước năm nào cũng thiếu khoảng 3.000 người có kiến thức, kỹ năng tốt. 

Ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giải quyết việc làm Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho biết: “Khó khăn chung của các trường nghề hiện nay là tiếp cận dữ liệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Nhà trường phải chủ động liên hệ với các trường trung học cơ sở và THPT để đưa cán bộ về làm công tác hướng nghiệp nhưng nhiều hiệu trưởng từ chối”. Cũng theo ông Thắng, các trường ĐH được tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm và tuyển sinh đến hết tháng 12/2020 nên giáo dục nghề nghiệp sẽ hết nguồn tuyển.

“Chúng tôi lo lắng năm nay nếu đề thi tốt nghiệp THPT không phân hóa, nhiều thí sinh điểm cao, các trường ĐH sẽ vét hết, vì tâm lý “sính ĐH” vẫn còn nhiều”, ông Thắng cho hay.

Thêm vào đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao là có, doanh nghiệp cũng đặt hàng nhiều nhưng nhà trường… chịu. “Thiết bị đào tạo của trường so với doanh nghiệp đã lạc hậu. Ví dụ: máy in hai màu công nghiệp có giá khoảng 10-15 tỷ đồng mà một nhóm thực tập chỉ khoảng tám sinh viên/ca. Đó là máy chưa phải hiện đại mà với con số đầu tư như vậy thì quá sức nhà trường”, ông Sơn nói. Hiện, thu nhập của sinh viên tốt nghiệp trường này khoảng 7 triệu đồng/tháng, nếu làm trên một năm mức lương có thể lên 15-20 triệu đồng/tháng.

Vượt khó không khó

Trong tình hình chung tuyển sinh khó khăn và thiết bị đào tạo lạc hậu, một số ít trường đã tìm “lối đi riêng” đào tạo theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo với thực tế sản xuất. Trường mời doanh nghiệp về dạy cho học sinh và học sinh thực tập tại doanh nghiệp, sau đó có thể được tuyển dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đóng góp xây dựng chương trình đào tạo. Từ đó, mang đến cơ hội hầu hết học sinh ra trường có việc làm.

Nhu cầu lao động trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 51%

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa có dự báo nhu cầu nhân lực sáu tháng cuối năm 2020. Trong đó, nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 84,5%, với ĐH chiếm 20%, còn lại là CĐ chiếm 21%, trung cấp 30%, sơ cấp 13,5%. 

Trong khi đó, kết quả khảo sát với 72.801 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm sáu tháng đầu năm 2020 lại cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động có trình độ ĐH trở lên chiếm đến 66,88%; CĐ chiếm 19,93%; trung cấp chiếm 6,34%; sơ cấp chiếm 1,93%; nhu cầu tìm việc của lao động chưa qua đào tạo chiếm 4,92%

Dựa trên sự kết nối với doanh nghiệp như vậy, cuối tháng 6/2020, Trường CĐ Quốc tế TP.HCM đã ký hợp đồng với sinh viên cam kết 100% có việc làm sau tốt nghiệp ở tất cả các ngành. Trước đó, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cũng ký kết với khoảng 50 doanh nghiệp để đưa sinh viên đến thực tập, học việc thực tế, đồng thời tuyển dụng sau tốt nghiệp. Đây có lẽ là chìa khóa mở cánh cửa tuyển sinh trong tình hình khó khăn chung. 

Hiệu trưởng nhiều trường nghề cũng thừa nhận liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề quan trọng hàng đầu, từ đó thu hút tuyển sinh. Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng: “Giải bài toán tuyển sinh trường nghề cần sự kết hợp nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Nhà trường đào tạo về chuyên môn, doanh nghiệp sẽ đưa ra các yêu cầu với sinh viên. Sinh viên có thể thực tập, thực hành với doanh nghiệp để vừa được tiếp cận máy móc hiện đại, vừa quen việc và nếu làm được việc thì doanh nghiệp trả lương ngay trong quá trình thực tập”.

Như vậy, nhà trường không phải lo mua thiết bị thực hành, không phải lo máy móc lỗi thời và doanh nghiệp cũng có được nguồn nhân lực làm được việc, không phải mất thời gian đào tạo lại. 

Khi từng trường viết lại sứ mạng của mình, hướng về người học thay vì cứ theo đuổi những mục tiêu mơ hồ, hy vọng trường nghề sẽ có thể vượt khó. 

Trương Mẫn - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI