PNO - Trước khi rời bỏ công ty, ông Sean Parker, đồng sáng lập Facebook, từng phê phán nút “like” là thứ “khai thác phần dễ tổn thương nhất trong tâm lý con người”.
Không rõ “nền kinh tế của sự chú ý” có sụp đổ hay không, nhưng những động thái cho thấy ý định muốn từ bỏ đến từ các “ông lớn” như Facebook, Instagram, YouTube mới đây đặt ra cho chúng ta một dấu hỏi về giá trị thực. Đã đến lúc, chúng ta phải loại bỏ nút “like” (thích) đi rồi!
“Nền kinh tế của sự chú ý” là cách nói của kỹ sư lập trình Rosenstein - một trong những cá nhân đặt nền móng cho chức năng like của Facebook - về hệ thống mạng xoay quanh nhu cầu của các nhà quảng cáo sau khi Facebook kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù từ nút “like”, thì các “ông lớn” khác như Twitter, Instagram, YouTube… cũng đồng loạt nhảy vào với mục đích “giành” thị phần.
Thông tin Facebook, Instagram, YouTube đang có những động thái từ bỏ nút “like” nhận được sự quan tâm của người dùng trên toàn thế giới
Sau khi ra đời chính thức vào năm 2009 tới khi “lũng đoạn” toàn thế giới, đây không phải là lần đầu tiên, chức năng này bị phản ứng bởi những hiệu ứng tiêu cực mà nó mang lại. Tuy nhiên, sự phản ứng đó dường như nằm ngoài cánh cửa các “ông lớn” này. Năm 2018, Facebook có đưa ra một quyết định thay đổi lớn về News Feed (danh sách cập nhật liên tục những câu chuyện từ mọi người và các trang bạn theo dõi trên Facebook), tập trung vào bài đăng của bạn bè và người thân, hơn là những thứ có xu hướng thu hút, hấp dẫn từ các nguồn khác. Song, về bản chất, sự thay đổi này không mang đến một cuộc cách mạng nào đáng kể. Có lẽ đây là những động thái (có vẻ) nghiêm túc đầu tiên đến từ các nhà mạng này.
Một bài viết trên trang Business Insider gần đây cho biết, kỹ sư công nghệ chuyên về kỹ thuật đảo ngược Jane Wong phát hiện Facebook đang cân nhắc thử nghiệm việc ẩn bộ đếm lượt “like” dưới ảnh và bài đăng của người dùng trên mạng xã hội. Theo đó, thay vì nhìn thấy chính xác số lượt “like” hoặc phản ứng của mọi người với một nội dung đăng lên, thì người dùng tạo bài đăng có thể nhìn các lượt like cũng như danh sách người và phản ứng của họ, nhưng con số tổng sẽ không được hiển thị.
Hãng tin BBC cũng tiết lộ Facebook đang tiến hành ẩn lượt like trên ứng dụng Android. Trước đó, Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh của Facebook - cũng đã bắt đầu thí điểm ẩn nút “like” trên nền tảng của mình ở bảy quốc gia khác nhau. Mục đích của việc ẩn like nhằm giảm thiểu áp lực cho người dùng, sau khi nhận được nhiều chỉ trích nút “like” có khả năng gây tác động đến sức khỏe tâm thần của họ.
Thời gian trước, kênh YouTube công bố sẽ triển khai việc rút gọn số lượt người đăng ký theo dõi một kênh tài khoản. Những kênh có số người theo dõi lớn (từ 1.000 trở lên) sẽ không hiển thị chính xác con số nữa, nhằm giảm sức ép cạnh tranh giữa người dùng, đặc biệt các nhà sáng tạo nội dung.
Trước khi rời bỏ công ty, ông Sean Parker, đồng sáng lập Facebook, từng phê phán nút “like” là thứ “khai thác phần dễ tổn thương nhất trong tâm lý con người”. Còn kỹ sư Rosenstein nhận định: “Nút like giúp người dùng tăng thêm sự tự tin trong thời gian nhất định - nhất là khi được cư dân mạng ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, chúng chỉ là những điểm sáng đại diện cho tính thỏa mãn giả dối, tuy trống rỗng song lại tràn đầy mê hoặc”.
Có không ít sự rời bỏ đến từ những người đặt nền móng cho thế giới công nghệ số, thậm chí, có những người chọn cách vứt bỏ thành quả nghiên cứu của mình. Và “cha đẻ” của nút “like” không còn “like” nó nữa. Có phải họ nhận ra, trong một thế giới lưỡng dụng, nơi mà những gì làm cho chúng ta giàu có, mạnh mẽ và tiện lợi hơn, cũng có thể làm tổn thương, thậm chỉ hủy hoại chúng ta? Một thập niên định vị thương hiệu cũng là quãng thời gian Facebook đối mặt với không ít chỉ trích từ bên ngoài lẫn sự gãy đổ giá trị, ngờ vực, mâu thuẫn từ chính bên trong nội bộ của mình.
Theo số liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hồi cuối năm ngoái, có 60 triệu/90 triệu người dân Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook với thời gian trung bình 3,55 giờ/ngày. Thứ hai là mạng YouTube có số lượng 45 triệu người/tháng với thời gian trung bình đạt 2,65 giờ/ngày. Tiếp theo là mạng Zalo của Việt Nam có 40 triệu người/tháng với thời gian sử dụng 2,12 giờ. Với một lưu lượng người dùng khổng lồ như vậy, thông tin nút “like” có thể bị khai tử rõ ràng khiến nhiều người quan tâm. Trong đó, không thể không nhắc đến những đối tượng người dùng đang “tầm gửi” và “ký sinh”, được hưởng lợi trực tiếp từ chức năng này, các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo, những nghệ sĩ, những người nổi tiếng…
Khi người dùng không nhìn vào lượt like để quyết định đọc hay chia sẻ một nội dung gì đó nữa, cuộc đua “like” cũng sẽ bớt khốc liệt. Bỏ nút “like” cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhãn hàng quảng cáo. Bỏ nút “like”, dịch vụ mua bán “like” ảo, các thuật toán tăng “like” trở nên dư thừa. Chúng ta “chia buồn” với hội tăng “like”, bán “like” nhưng chúng ta lại mừng vì những giá trị thực được trả về một cách minh bạch như nó - vốn - là.
Với riêng lĩnh vực giải trí, đây là một cơ hội để thanh lọc những giá trị ảo. Mọi thứ sẽ dần trở về điểm cân bằng và về lãnh địa mà nó nên thuộc về theo một cách nào đó tương đối có thể. Những bảng xếp hạng nhạc số không còn “treo đầu dê bán thịt chó”. Cuộc đua MV tiền tỷ cũng bớt thậm xưng giá trị phần nào. Những hiện tượng giải trí nổi lên sau một đêm, không thể mua “like” để “ăn mày tương lai”.
Không ít người ngờ vực về tính khả thi của những động thái khai tử nút “like” này, bởi lẽ, chính nút “like” của người dùng đã “nuôi dưỡng” bộ máy của các trang mạng đó, rất khó có một giải pháp triệt để để loại bỏ chức năng này. Ai mà biết được bỏ “like” lại “đẻ” ra một tính năng khác mà mức độ “sát thương” còn lớn hơn thì sao? Bằng chứng là tới thời điểm hiện tại, các trang mạng lớn này tỏ ra rất dè dặt khi không công bố cụ thể lý do cũng như lịch thử nghiệm. Chúng ta chẳng biết, việc bỏ “like” có được áp dụng vào thực tế hay không, nhưng một lần nữa, câu chuyện về giá trị thật - ảo lại được đặt ra như một vấn đề đáng lưu ý của xã hội hiện đại. Nói như một nhà văn hóa, càng sống trong một thế giới xô bồ, đầy gãy đổ giá trị này, thì giá trị thực càng có cơ hội được cất tiếng.