Nếu ngày đó, chúng tôi từ bỏ con…

29/10/2018 - 14:22

PNO - “Khi cùng cực nhất, tui vẫn tin rằng, tình thương của những người làm cha làm mẹ sẽ giúp con phát triển bình thường như những người khác..."

Mạc Đăng Mừng sinh ra đã bị Down bẩm sinh. Bảy tuổi mới biết bò, chín tuổi bập bẹ, 12 tuổi mới biết đi những bước đầu tiên. Nhưng nhờ nỗ lực của cha mẹ mà cậu vươn lên, không đầu hàng số phận, hòa nhập cộng đồng. Ngoài khả năng đọc, hiểu tiếng Anh cơ bản, Mừng còn biết đánh đàn organ, đạt đai nâu võ Aikido, đá banh, bơi lội… Nhiều người gọi đây là kỳ tích, thậm chí có người còn nói ông Mỹ đã “hô biến” con trai ông từ một người bệnh Down thành người bình thường… 

Neu ngay do, chung toi tu bo con…
Ông Mỹ đã quyết định nghỉ việc, tìm hiểu các phương pháp dạy con, giúp con sống bình thường như những đứa trẻ khác. (Ảnh: NVCC)

“Con mình đó, nói bỏ sao mà bỏ được?”

“Nếu ngày đó, tui và bà ấy từ bỏ, sẽ không có một đứa con trai ngoan như bây giờ. Có khi, không thể nào biết được, mình lại có thể vượt qua hành trình 30 năm cay đắng, vất vả, khó nhọc mà cũng ý nghĩa như thế này”, ông Mạc Văn Mỹ nói về cậu con trai duy nhất tên Mạc Đăng Mừng.

Khi sinh Mừng ra, ai cũng khuyên ông Mạc Văn Mỹ, bà Đặng Thị An (đều sinh năm 1949) bỏ con vì “không nuôi được đâu”. Ông bà lúc đó chỉ biết câm lặng, rớt nước mắt: “Con mình chín tháng mười ngày rứt ruột đẻ ra, nói bỏ sao mà bỏ được”. Rồi Mừng lớn dần lên trong sự hoang mang cùng cực lẫn hy vọng của ông Mỹ, bà An. Ông bà ôm con đi chữa trị khắp nơi nhưng không được. Khi chấp nhận được hiện thực khắc nghiệt đổ xuống gia đình mình, dù biết trước cuộc sống sẽ nhiều khó khăn, ông Mỹ vẫn quyết định nghỉ việc, tìm hiểu các phương pháp dạy con, giúp con sống bình thường như những đứa trẻ khác. 

15 tuổi, Mừng bắt đầu đi học lớp lá tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và đào tạo người tàn tật TP.HCM. Trong thời gian này, vốn là tú tài thời Pháp, ông Mỹ cũng “vét” hết vốn ngoại ngữ để dạy con. Sau đó, Mừng chuyển qua học nghề tại trung tâm tin học ở Q.4, lấy chứng chỉ nghề và tiếp tục học kỹ thuật đồ họa ở Trường đại học Văn Lang.

Vì chương trình khá nặng nên ông xin thầy vào ngồi dự thính để tối về giảng lại cho con. Ở trường, cha và con đều là học sinh, còn về nhà, cha là thầy. Chỉ có một cái máy tính cũ được cho, con học xong, mới tới lượt cha dùng. Đêm đêm, khi đứa con trai đi ngủ, mái đầu bạc mới bắt đầu chong đèn, ngồi vào bàn học vi tính. Cứ thế, hai cha con miệt mài với những kiến thức công nghệ thông tin, chẳng cầu con thành tài, chỉ mong con được sống bình thường như những người khác.

Những ngày đầu, ông Mỹ đưa đi đón về. Nhưng sau, vì muốn luyện tính tự lập cho con, buổi sáng ông chở, trưa Mừng tự đi bộ về. Từ trung tâm về phòng trọ khá xa nên vẫn không yên tâm, con tự đi bên này thì cha đi phía bên kia đường để trông chừng. Có hôm trời mưa, con còn biết tìm chỗ trú rồi gọi điện bảo con đang đứng ở đoạn đường nào, số nhà mấy để ông chạy xe đến chở về. Ông cười bảo: “Bây giờ thì Mừng tự đi ngon rồi”.

Sau đó, để nhận được học bổng 200 triệu đồng của một trường Anh ngữ, Mừng cũng như bao học viên bình thường khác, phải thi đầu vào để xem khả năng có thể theo học được không. Ở kỳ thi thử, thầy giáo lắc đầu. Thầy hứa sẽ kèm riêng Mừng nếu ông Mỹ cũng vào học cùng con trai, để về nhà dạy Mừng cho khớp. Thế là hành trình vừa chở con đi học, vừa học cùng con lại tiếp tục. Sau 40 ngày, qua hai lần thi rớt, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với hai cha con. Trong 100 câu trắc nghiệm, Mừng làm đúng tới 80 câu. Hôm biết kết quả, cả thầy cả cha đều khóc vì không nghĩ con trai làm được. Hiện, Mừng đang cố gắng hoàn tất chương trình học tại đây. 

30 năm đồng hành cùng con

Trở lại Xóm Chiếu (Q.4) thăm gia đình Mạc Đăng Mừng khi câu chuyện người cha già 70 tuổi cặm cụi chở con trai bệnh Down đi học tiếng Anh không còn nóng hổi trên các mặt báo. Căn phòng trọ rộng thông thốc gió từ sau ra trước, không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc laptop và máy tính cũ người ta cho hai cha con để tự học vi tính. Hôm nay, Mừng không đi lễ nhà thờ cùng cha mẹ. Cậu mới bị ngã xe mấy hôm trước, chân bị bó bột và đang xem bóng đá giải Ngoại hạng Anh, thỉnh thoảng lại vỗ tay lạch bạch khi đội bóng yêu thích chọc thủng lưới đối phương. 

Tiền thuê nhà tăng, rồi tiền điện, tiền nước, bao nhiêu khoản cái gì cũng đụng tới tiền. Ông Mỹ và bà An phải giật gấu vá vai, vay mượn chỗ này đắp vào chỗ kia để sống và nuôi con. Có những ngày, bà An kể, “hai cha con nó phải ăn cơm từ thiện của chùa để đi học, còn mang cơm thừa về cho tui ở nhà, để hôm sau hấp lại ăn”. Những lúc rảnh, không chở con đi học và cũng không đi học cùng con, ông Mỹ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Bà An nhận đơm cúc thêm tại nhà. 

Cuộc sống vất vả là thế nhưng hai ông bà không than thân trách phận. Bà nói: “Con cái là của trời cho. Trời lỡ cho mình một đứa con không bình thường như con người ta thì mình phải yêu thương nó gấp mười, gấp trăm lần, con mình mới đỡ tội nghiệp. Có bữa, thử bảo con ăn cơm đi, nhìn thấy cha mẹ chưa ăn nó cũng không ăn trước. Nó ngoan, thương cha mẹ. Ở nhà, mọi sinh hoạt giờ tự lo được rồi. Nó còn giúp mẹ lau nhà, dọn dẹp…”.

Hỏi ông bà, đã bao giờ trong suốt 30 năm qua mệt mỏi quá mà có ý định từ bỏ, ông Mỹ nói: “Khi cùng cực nhất, tui vẫn tin rằng, tình thương của những người làm cha làm mẹ sẽ giúp con phát triển bình thường như những người khác. Và cuộc đời, dù còn nhiều khó khăn nhưng không bạc đãi mình đâu”. 

Khi câu chuyện được công khai trên báo, nhiều gia đình có con giống Mừng tìm đến nhờ hai vợ chồng tư vấn. “Tui bảo với họ, con tui chín tuổi mới bập bẹ. Con anh chị mới năm tuổi, đừng lo. Chúng tôi đã sống bằng niềm tin đó suốt 30 năm qua, giờ chỉ mong, khi hai vợ chồng không còn trên đời, Mừng biết tự lo cho nó”, bà An nhớ lại. 

“Khi cùng cực nhất, tui vẫn tin rằng, tình thương của những người làm cha mẹ sẽ giúp con phát triển bình thường như những người khác. Và cuộc đời, dù còn nhiều khó khăn nhưng không bạc đãi mình đâu”, ông Mạc Văn Mỹ nói.

Mọi cái cây đều gắng sức vươn mình về phía sáng, nó tiếp tục sinh trưởng hay ủ rũ lụi tàn đều phụ thuộc vào việc người trồng, người chăm sóc có hé được tia sáng nào cho nó hay không. Biết bao ông bố, bà mẹ vì khiếm khuyết của con mà mặc cảm, dựng lên những bức tường cả hữu hình lẫn vô hình ngăn cách con với thế giới bên ngoài.

Một số phụ huynh thậm chí đã cấm cản khi thấy đứa con không được nguyên vẹn hình hài tìm cách đặt những bước chân của chúng vào cuộc sống. Nên, trước những nỗ lực không ngừng nghỉ để viết lại số phận cho con của anh Hiệp, chị Phượng (phụ huynh của Khôi Nguyên); vợ chồng bà Mùi (phụ huynh của Vũ Quốc Hùng); vợ chồng ông Mạc Văn Mỹ (phụ huynh Mạc Đăng Mừng); chúng tôi càng quý trọng và cảm phục tình yêu thương, đức hy sinh vô bờ của họ.

Cốc Vũ

Kiên cường viết lại số phận cho con

Có không ít thiên tài trong lịch sử nhân loại là người mắc chứng bệnh tâm thần. Tôi luôn thắc mắc không biết điều gì đã khiến họ bước ra khỏi lằn ranh của “kẻ điên” để trở thành những con người kiệt xuất. Và tôi mơ hồ tìm được câu trả lời khi biết đến giai thoại về Thomas Edison, mẹ ông - bà Nancy Elliott đã nuôi dạy đứa con trai bị nhà trường đuổi học, biến một cậu bé tâm thần trong mắt mọi người thành nhà sáng chế vĩ đại. 

Việt Nam không có những người như ông Edison, nhưng trong khoảng tám triệu người khuyết tật cũng đã có không ít số phận thay đổi hoàn toàn. Đó là chàng nhạc sĩ bại não Vũ Quốc Hùng, là cậu bé tự kỷ Khôi Nguyên trở thành kỷ lục gia về xiếc, hay Mạc Đăng Mừng mắc hội chứng Down vẫn có thể chơi đàn, học võ, bơi lội. Những số phận ấy đều được viết lại bằng đức hy sinh và tình yêu thương vô bờ của bậc làm cha mẹ.

Mời quý độc giả đón đọc các bài viết trong chuyên đề "Kiên cường viết lại số phận cho con" trên Phunuonline. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI