Ngày bé, Mai từng nói rằng cô muốn trở thành một người giỏi giang như bố, được người người trọng vọng, đi đến đâu cũng có người kính nể. Nhưng mẹ của cô lại gạt đi. Bà bảo: "Hạnh phúc của một người phụ nữ đôi khi là được trở thành một nhánh cây cát đằng, cả đời quấn quýt lấy thân cây lớn, chẳng lo gió táp mưa sa".
|
Phụ nữ hết mình vì gia đình sẽ được đền đáp xứng đáng? ( Ảnh minh họa) |
Mẹ cô đã sống cả đời như vậy, bao nhiêu hạnh phúc đều từ nụ cười của chồng con mà ra cả. Người đàn bà ấy đã quên đi giấc mơ của riêng mình, bỏ rơi bục giảng và những trang giáo án. Từ ngày về làm nội trợ, bà chẳng còn biết đến bạn bè, hay những mối quan hệ cá nhân. Hơn nửa đời người, mẹ của Mai đã trở thành một nhánh cây cát đằng đúng nghĩa.
25 tuổi, Mai lấy chồng rồi ba năm sau sinh liền ba con. Mang bầu con đầu lòng, cô không khỏe lắm, nên buộc phải nghỉ việc để dưỡng thai. Lúc đó, công việc làm ăn của chồng cô rất thuận lợi, nên anh khuyên cô ở nhà, chuyên tâm giữ con, đợi con cứng cáp hẳn mới đi làm lại.
Bé lớn vừa tròn mười tám tháng, mẹ vừa mới manh nha nghĩ đến việc đi làm lại, thì lại mang bầu lần hai. Lần này, cô mang thai đôi.
Mai lại tiếp tiếp tục ở nhà dưỡng thai, nuôi con nhỏ. Kinh tế khá giả, nên lúc đó chồng cô sẵn sàng thuê người giúp việc, không để vợ phải vất vả, vừa ôm bụng bầu vượt mặt, vừa lo chăm con nhỏ.
Hai cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm ra đời, anh sẵn sàng thuê hai bà vú, phụ vợ chăm con. Ai cũng bảo Mai sướng, vừa có đủ nếp đủ tẻ, lại được chồng yêu chiều.
Khi cặp sinh đôi bước vào tuổi mẫu giáo, Mai manh nha ý định đi làm lại. 5 năm ở nhà nội trợ, kinh nghiệm rơi rụng gần hết, nên cô không thể đòi hỏi công việc lương cao, đành chấp nhận mức lương của sinh viên mới đi làm.
Ban đầu, chồng cô không ưng, nhất nhất bắt vợ ở nhà giữ con. Nhưng cô chia sẻ thật lòng với anh rằng, dù có bà vú và người giúp việc, nhưng Mai vẫn rất mệt mỏi khi nghe tiếng con khóc suốt ngày.
Cuối cùng, chồng cũng đồng ý cho Mai đi làm, nhưng nội trợ, chăm con vẫn phải đặt lên hàng đầu, đi làm chỉ là thứ yếu, lấy chỗ giao tiếp mà thôi. Thế nên, gần 40 tuổi mà lương của cô chưa đầy chục triệu đồng, chỉ nhỉnh hơn sinh viên mới ra trường chút đỉnh.
Từ cuối năm ngoái, do tình hình dịch bệnh khó khăn, sếp cô đánh tiếng chuyện cho một số nhân viên nghỉ việc. Đã lớn tuổi, lại không nắm giữ vị trí quan trọng, nên Mai là người đầu tiên bị đưa vào tầm ngắm.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Mai nhận quyết định nghỉ việc. Chưa kịp tìm việc mới thì liên tiếp các đợt giãn cách xã hội. Mai nghĩ người không có khả năng gì nổi trội như cô muốn tìm việc trong thời buổi này cũng khó. Đã thế, người giúp việc đồng loạt xin nghỉ về quê tránh dịch và lo cho gia đình của họ ở miền Tây. Bà mẹ ba con quay cuồng với việc nội trợ.
Chồng cô vốn không biết gì về chuyện bếp núc, cũng chẳng giỏi chăm con. Hơn nữa, anh bận công việc tối ngày, khi ba về đến nhà, đa phần bọn trẻ đều đã ngủ. Mang tiếng hai vợ chồng ở nhà chăm con, nhưng thực chất chỉ mình Mai xoay chong chóng. Chồng cô chơi với con một lúc là bắt đầu cáu gắt, than vãn bọn trẻ phiền hà.
Mai bực mình, hai vợ chồng mới to tiếng mấy câu, chồng cô đã giận dữ: “Bao năm nay tôi lo kinh tế, cô chỉ đi làm cho vui, nên phải chăm con là đúng rồi. Cô xem lương cô được bao nhiêu? Số tiền đó chỉ đủ cô mua sắm đầm váy, phấn son là cùng, không có tôi quần quật đi làm cả nhà này chết đói rồi. Ăn trắng mặc trơn mà không biết điều!”.
Nghe những lời đó từ người đầu ấp, tay gối, Mai thấy tổn thương. Chuyện đó chưa qua, Mai lại phát hiện ra chồng cô nhắn tin tán tỉnh với một nhân viên trẻ tuổi. Thấy cô làm căng, anh nói chỉ trêu đùa, từ sau không thế nữa. Mai đành cho qua..
|
Mai bắt đầu lo lắng về cuộc hôn nhân của mình nhiều hơn từ khi mất việc (Ảnh minh họa) |
Đến lúc này, Mai thực sự lo lắng cho tương lai của mình. Nếu một ngày chồng cô ngoại tình, không biết lối về, thì cô sẽ sống ra sao?
Gần 40 tuổi, ngoài ba đứa con và một cuộc hôn nhân chông chênh, cô đã tin rằng đàn bà chỉ cần sống như dây cát đằng, kinh tế để chồng lo, chỉ cần chăm con tốt là được… Nhưng cô sai rồi.
Mai vào một số hội nhóm ngành nghề, đọc kỹ các mục tuyển dụng. Hết dịch, gửi con tới trường, cô sẽ tìm cách đi làm lại. Làm gì cũng được, cô quyết không ở nhà sống như dây cát đằng...
Hoàng Mai Thư