Nếu mẹ đi cách ly...

11/04/2020 - 12:49

PNO - Hơn 20 năm trong nghề, trải qua hai lần đại dịch, SARS, COVID hay gì gì thì với mình cũng chỉ là một loại bệnh, có bệnh ta chữa, nếu có cách ly thì coi như đi trực nhiều ngày.

Hôm nay, mùng mấy chục của tết mình chả nhớ (vì có được nghỉ thêm ngày nào đâu) mình đi trực, chả có gì khác ngày thường ngoài những lời dặn dò:

- Mẹ, thuốc huyết áp mẹ vẫn dùng, mẹ mua đủ cả tháng đi, thực phẩm đủ dùng 2-3 ngày nhé, tình hình hơi căng chút.

- Chị, mua đồ ăn thì mua thêm cả cho bố mẹ nhé!

- Con ở nhà đừng cho em đi đâu, ra ngoài nhớ đeo khẩu trang đấy!

Vậy là đã xong, bà nội có đủ thuốc dùng, ông bà ngoại không cần phải ra chợ, hai đứa con sẽ tự chăm nhau với ít đồ đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, thiếu thì có các bác ở cạnh, chúng không đói được. Nhắc khẩu trang, đùa, thời đại gì mà khẩu trang quý hơn tiền, lương đến kỳ cơ quan sẽ chuyển vào thẻ nhưng có tiền chắc gì đã mua được khẩu trang.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai hộp đấy của mình là cả một đống công phu, nói đến lại buồn cười: con bé em trong khoa vừa chia sẻ có chỗ phát khẩu trang miễn phí ở cổng bệnh viện, liền bị cả đội các anh các chị đồng thanh mắng như “điên”, vấn đề không nằm ở chỗ sĩ diện (dân y đi xin khẩu trang y tế) mà là đi làm, dùng khẩu trang như ăn vã, ngày ít cũng 2-3 chiếc, chưa kể khẩu trang vải đi ngoài đường, một cái chắc đủ cho đoạn đường từ chỗ phát vào lại khoa, mà đứa nào dám bỏ cái mặt trần không khẩu trang đi ra đấy chứ. 

Tuần đầu mới có dịch, các “con giời” còn hoành tráng thay ra là bỏ, chả mấy chốc đã phá sản phải quay ra tìm cách làm sạch, tái sử dụng, thế là hàng loạt “thực nghiệm lâm sàng” được tiến hành. Dự là sau vụ dịch trong rất nhiều báo cáo, thế nào cũng có “sáng cải tiến” về việc tận dụng khẩu trang.

Tết ra, mỗi ngày, mỗi giờ báo đài, truyền thông rồi Facebook… các kiểu đều đưa tin dịch bệnh, điểm nóng, chúng tôi đã quá quen với không khí của buổi giao ban đầu giờ: sau phần báo cáo tình trạng khoa phòng trong phiên trực là cập nhật về số ca nhiễm trên thế giới, ở Việt Nam; số người tử vong, rồi bàn luận sao tỷ lệ nhiễm ở châu Âu lại tăng nhanh như vậy; sao số tử vong cao thế; ca mới này ở trong khu cách ly từ khi nhập cảnh, không lo; ở mình có bao nhiêu ca F1, đã có kết quả xét nghiệm chưa… 

ẢNH mang tính minh họa: internet
ẢNH mang tính minh họa: internet

Sau cùng là dặn dò nhau cẩn thận, không chỉ vì mình, mà còn vì người thân, ai chả có chồng con, cha mẹ già. Không nghỉ phép trong mọi tình huống, luôn sẵn sàng nhận điều động, những chuyện này cấp trên chưa quán triệt cũng tự… biết thân phận. Hơn 20 năm trong nghề, trải qua hai lần đại dịch, SARS, COVID hay gì gì thì với mình cũng chỉ là một loại bệnh, có bệnh ta chữa, nếu có cách ly thì coi như đi trực nhiều ngày. 

Hôm trước thấy hai anh em chúng tị nhau việc nhà, mình mắng “cứ thế này khi mẹ phải cách ly thì sao?”. Hai đứa cùng cười, nụ cười như thể mẹ đang hỏi câu thừa, mình vắng nhà với chúng có gì đặc biệt. Trong hơn 14 năm làm con gái của mình, số ngày mẹ vắng nhà chắc hơn nửa, không trực thì học, tập huấn…

Khoa Lâm sàng nhiệt đới có ca bệnh, chưa khi nào lịch sử tiếp xúc lại được đưa vào khai thác trong quá trình khám nhiều như bây giờ. Nhiễm vi-rút, phơi nhiễm HIV… là điều mà ai làm nghề này đều biết mình sẽ có thể bị, chỉ có điều “CÔ VY” đóng kịch kinh quá, muốn lật mặt nó phải có bằng chứng, mà trước đó nó đã lừa được ối người. 

Bệnh viện chưa có lệnh phong tỏa, nhân viên ở lại phải xin ý kiến lãnh đạo. Phải thôi, vì điều kiện bệnh viện còn chật hẹp, người bệnh nhiều khi còn phải nằm ghép, phòng còn thiếu, như khoa mình nếu hai người trực thì một người sẽ phải nghỉ tại phòng giao ban. Cô bọn trẻ hôm qua gọi, bảo đã xin ở lại cơ quan vì nhà không có phòng riêng, về sợ lây cho con, mình thì vừa về vừa run. 

Hai tháng rồi, chỗ đầu tiên sau khi qua cổng nhà của mình là phòng tắm, chỗ cuối cùng rời chân ở cơ quan cũng cùng tên. Sau đợt dịch này dân y khéo phá sản hết vì xà phòng dầu gội, khẩu trang… mất thôi.

Bệnh viện Hà Nam có ca bệnh dương tính COVID-19 ở Khoa Tiêu hóa, mấy chục nhân viên y tế phải cách ly, trong đó có cô bọn trẻ. Mình không phải F1, nhưng cũng sẵn sàng tinh thần... thăng hạng. Thôi thì mì tôm đã có trong tủ, khẩu trang “xịn” thì vừa được chị gái tiếp tế tận hàng rào bệnh viện, tự dưng khóe mắt cay cay, trực thôi!

Bác sĩ Nguyễn Hằng

(Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam) 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Hoa 11-04-2020 23:23:54

    Chị bác sĩ kiêm nhà văn ,từng câu như đi vào lòng người,đi vào chính cuộc sống của các Y Bs Đ Đ bây giờ! Cảm ơn chị đã nói lên tâm sự của tất cả nv y tế bây giờ!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI