PNO - Hạnh Dung từng muốn chuyển thư này cho một người khác, trong lĩnh vực y tế chẳng hạn, để trả lời cho người viết thư, nhưng ngẫm nghĩ lại thấy mình cũng liên đới trách nhiệm.
Thật khó giải thích khi người đàn ông ấy không chỉ viết thư cho Hạnh Dung, mà còn gửi kèm cả những thư từ riêng. Vấn đề hôn nhân của anh đã giải quyết xong, thực chất là đã không thể giải quyết gì được nữa. Anh như muốn kể chuyện mình với những ai đang trong cảnh giằng co để chấm dứt cuộc sống chung. Xét cho cùng, anh có lý vì những ai đang muốn dứt tình với bạn đời, nên thử nghe chuyện người, biết đâu chuyện mình sẽ sáng ra hơn?
Ảnh minh họa
Vợ là người thông minh, quyết đoán, sống có mục tiêu rõ ràng, làm việc hiệu quả. Chồng yêu thương vợ con, nhưng không tài ba như vợ mong muốn, nên chung sống 14 năm, chồng vẫn là một nhân viên, còn vợ đã lên hàng quản lý. Lương chồng không bằng chi phí cho một bữa ăn tối tiếp đối tác nho nhỏ của vợ. Vợ chồng ngày càng khó tìm thấy tiếng nói chung. Ly hôn, việc bạn bè và những người quen họ cho là chuyện sớm muộn mà thôi. Trong giới của vợ, người làm mẹ đơn thân không ít, nên không có gì xấu hổ với chuyện đó, thậm chí ngược lại, đó còn là biểu tượng cho bản lĩnh và sự độc lập tuyệt đối, là điều kiện để thiết lập những quan hệ mới đáng giá hơn nhiều.
Ly hôn xong, chồng nhanh chóng lấy vợ khác như một cách trả đũa vợ cũ. Nhưng, ập đến một chuyện không ai tính toán được - năm tháng sau ly hôn, chị phát bệnh ung thư. Cầu cũ đã rút ván, chị một mình chống chọi với bệnh tật, với áp lực công việc và nuôi con. Những đợt thuốc vật vã, tóc rụng hết chị đội tóc giả đi làm, vẫn gắng trang điểm, gắng tỏ ra mạnh mẽ. Con gái thương mẹ, không chịu nổi, đã báo chuyện của mẹ với cha.
Lá thư này chồng viết cho vợ, hơn năm sau ngày họ ly hôn, cũng là bốn tháng sau khi chị bắt đầu điều trị. “Anh muốn nuôi con, dù biết mình không đủ sức cho con một cuộc sống như em mong muốn: học trường quốc tế, có thầy kèm tiếng Anh, đi du học. Anh chỉ có khoản lương ít ỏi em đã biết. Anh hiểu con sống với em sẽ có điều kiện hơn, nhưng anh thương con mới bấy nhiêu tuổi đã phải tự mình đương đầu với sự vắng mặt những người thân. Anh nghe nói em đau đớn lắm. Cuộc đời ngắn quá. Cuộc sống chung của mình cũng ngắn. Bây giờ thì không ai thay đổi được gì nữa rồi. Ngày xưa anh đã không mang lại hạnh phúc cho em, rất có thể giờ mang con về sống chung anh lại làm cho một phụ nữ khác phải khổ. Nhưng, anh vẫn muốn được tròn trách nhiệm đối với con, trong khả năng của mình…”.
Ảnh minh họa
Thư chị là những lời buộc tội: chứng bệnh ung thư là kết quả của những năm chung sống với anh, sống trong stress, căng thẳng, áp lực vì anh không hề chia sẻ, không hề đỡ đần chị. Mình chị đã phải tự học hành, làm thêm, kiếm tiền lo cho gia đình, tự quyết định công việc, tự đương đầu với mọi khó khăn… Nếu chị ly hôn sớm hơn, hoặc không lấy anh, chị đã không vướng căn bệnh này. Giờ chị bệnh, con gái là tất cả niềm vui và hy vọng còn lại của chị, anh lại muốn giành lấy.
Chị trả đũa bằng cách giữ rịt lấy con, không cho anh đến thăm, không cho gặp con. Trước mặt con, chị đổ hết lỗi lên cha nó. Anh bất lực không biết làm sao để chị thay đổi cách nghĩ. Đứa con gái dần sợ hãi những cơn đau của mẹ, sợ những lần phải ở nhà một mình khi mẹ vào bệnh viện, đi nước ngoài chữa bệnh. Anh xót con sống không khác một đứa trẻ mồ côi, dù luôn có người giúp việc trông nom.
Những gì từng có giữa họ giờ đã bị tách làm đôi bởi bản án ly hôn và căn bệnh hiểm nghèo của chị. Cuộc sống chung ngắn ngủi trước đây chỉ còn bằng chứng là đứa con, mà hai bên đang giành giật. Chẳng ai trong ba người ấy hạnh phúc. Mỗi người bất hạnh theo cách riêng của mình.
Chị vẫn cố gắng chứng tỏ mình mạnh mẽ, mình đang vượt qua bệnh tật để nuôi con, không cần đến anh. Chị đang gấp rút làm thủ tục gửi con ra nước ngoài sớm hơn, nói là để con có nền tảng từ trung học, dễ dàng vào những đại học danh tiếng, nhưng thực chất là để con xa hẳn những tranh chấp, để cha nó không thể nào với tới nó được nữa…
Giữa họ từng là một gia đình. Họ biết hết những mạnh yếu của nhau, nên một khi muốn “trừng phạt” nhau thì đau đớn lắm, khó mà tránh đỡ. Nghĩ cho cùng, đáng thương nhất vẫn là người đàn bà, dù chị đang tỏ ra mạnh mẽ.
Biết bao giờ chị em mới hiểu, sự mạnh mẽ ấy thực ra cũng chẳng làm được gì nhiều. Để thử thách sức mạnh “hơn người” mà mình cứ cố tỏ ra ấy, nếu không may cuộc đời đặt ngay vào mình một vết thương nặng nề, để rồi mình lại phải gồng lên mà chiến đấu, với chính mình…