Khi chị Trần Thái Hà chia sẻ chuyện nhà mình trong một buổi offline, ai ai cũng có vẻ háo hức lắng nghe. Một câu chuyện rất bình thường và nhang nhác nhau giữa thời buổi này, ở độ tuổi đó, nhưng sức lan truyền của nó lại rộng. Hóa ra, phụ nữ thì như nhau cả thôi, dù có thể đi khắp thế gian thì họ vẫn mong được nghe những câu chuyện đời thường, chuyện thực tế để có thể nhìn thấy chính mình trong những câu chuyện ấy.
|
Gia đình chị Hà |
Chuyện nhà chị Hà là câu chuyện chúng ta gặp phải hàng ngày xung quanh mình, chuyện của bạn bè, chuyện của chính mình. Khác chăng là cách chúng ta đối diện với việc ấy thế nào và xử lý ra sao. Ai trong chúng ta không từng nhìn thấy đời sống hôn nhân của mình đang ngày càng nhạt đi. Ai trong chúng ta không dưới một lần chuẩn bị tinh thần ly hôn. Ai trong chúng ta không có lần giường ai nấy ngủ. Nhưng bạn có bao giờ tìm cho chính mình cách tập cho mình tìm lại tình yêu. Hà thì có.
Chị và anh Lâm - chồng chị - yêu nhau từ thuở sinh viên. Một mối tình cũng như chúng ta, rất nhẹ nhàng. Nhưng cuộc tình ấy, lại vấp phải sự phản kháng từ phía mẹ anh. Họ yêu nhau ròng rã 8 năm trời, bao mặn nồng, bao mơ tưởng về ngôi nhà và những đứa trẻ bỗng dưng phải dừng lại. Bởi sự khác biệt trong ứng xử giữa hai nhà. Chị, gia đình trí thức sống đơn giản, không câu nệ.
Anh, nhà lễ nghi của người Hà Nội gốc. Chị lúc ấy nghĩ, chừng ấy năm yêu nhau, nếu không đủ lớn để anh mạnh mẽ bảo vệ mình, thì ngừng lại thôi, kẻo hoài phí thời gian. Với bản tính mạnh mẽ, nói là làm, chị lên kế hoạch tìm kiếm cho mình “bạn trai mới”, bắt đầu chiến dịch gặp lại những người đã từng theo đuổi mình. Anh hoảng vì sợ mất chị, nên vội cầu hôn, và vội cưới. Họ cưới nhau sau hơn 8 năm hẹn hò. Đến bây giờ, chị cũng không biết anh đã thuyết phục bố mẹ bằng cách nào.
|
Chị Thái Hà |
Sống với anh, chị phải tự tay mình làm tất cả mọi thứ, tự thay bóng đèn, khoan tường treo đồ, sửa điện nước.v.v… mọi thứ. Việc nào mà không thành thói quen, mãi như thế, chị cũng tin rằng tất cả là công việc của mình, mình làm xong cho nhanh, mình làm được… Phụ nữ vốn thế, ôm vào mình mọi thứ rồi tự tìm lý do để an ủi mình. Nhưng với chị, làm tất cả mọi việc lớn nhỏ đó, không đáng sợ bằng sau bao nhiêu năm sống với nhau, lòng dường như đã hết yêu, mà nhường chỗ cho mọi thứ nhạt nhẽo tấn công mình.
Loay hoay trong tình cảnh ấy, lòng lại nhớ những mặn nồng xa xưa. Rõ ràng là đã từng rất yêu anh, đã từng khóc khô nước mắt với những trắc trở. Chẳng lẽ giờ, khi tình cảm đi vào lối mòn, mình lại buông xuôi. Nghiên cứu bao nhiêu lý thuyết, chị quyết định ở nhà để “được thì được luôn, không thì tan vỡ không tiếc nuối, mình phải cố để còn được sống trong tình yêu”- lời của chị.
Nhưng “tôi đã sai, sai ở cái phương pháp”. Chị sai khi nghỉ việc ở nhà, tập trung làm vợ hiền. Ngày qua ngày đi chợ nấu cơm. Bữa anh về thì không sao. Bữa mâm cơm nguôi lạnh ngồi chờ anh chị lại la toáng, gọi điện cằn nhằn. Mọi cung bậc cảm xúc như những người phụ nữ khác mắc phải, không có gì mới mẻ hết. Đôi khi chị cảm thấy mình làm anh mệt mỏi thêm. Chị thấy nản ngay, vì chỉ một mình mình cố gắng, còn hầu như không thay đổi được gì nơi anh.
Sự cố gắng không có phương pháp chỉ làm mọi việc thêm trầm trọng. Giờ nghĩ lại mới thấy “tội nghiệp anh”, vì khoảng thời gian ấy, chắc anh cũng chịu đựng lắm, vì mình đã trao cho anh chưa đúng thứ anh cần. Đàn bà hay ảo tưởng, vẫn tin rằng mình hy sinh là được thừa nhận. Thực ra hy sinh không đúng, lại làm chồng mình sợ hãi thêm mà thôi.
“Sai thì sửa”, Chị mày mò tìm cho mình những khóa học tâm lý, chủ động nâng cao kiến thức của mình để cứu vớt con thuyền hôn nhân sắp sửa đắm của mình. Chị tâm niệm, phải làm sao để làm mới mình, tìm người hỗ trợ cho mình một nền tảng về kiến thức. Từ các khóa học ấy, chị Hà đã áp dụng lại phương pháp cho hôn nhân mình.
Vẫn như thế, chị vẫn tiếp tục cơm nóng canh sốt, nhưng trong một tinh thần vui vẻ hơn, với một ý niệm hoàn toàn khác. Chị nghĩ “yêu được lúc nào thì yêu, không cố gắng nữa”. Nên anh cứ thong thả, về ăn cơm cùng thì về, không thì mẹ con chị tự ăn. Chị đi học rồi đi làm lại, vui vầy cùng bạn bè, những mối bận tâm khác ngoài gia đình. “Chắc anh ấy dần thấy k áp lực căng thẳng khi về nhà nữa, nên về nhiều hơn và tìm mọi cách để mình cũng ở nhà, được ở bên nhau nhiều hơn”.
Chị xin ra riêng, để nhân cơ hội lòng mình tươi mới này, tập trao dần cho chồng việc gánh vác cùng mình. Lúc đầu, anh cũng khó khăn khi phải phụ việc với vợ. Trước kia, dù thế nào chị cũng phải bươn chải đón con. Đèn có hư phải tự mua tự thay. Chị từ từ nhờ anh đón con giùm, với muôn vàn lý do có thể nghĩ ra được. Anh đón một đứa, rồi hai đứa.
Đèn nhà tắm hư, chị kêu anh thay. Một tuần, hai tuần, dù biết mình có thể mua và thay trong nháy mắt, chị vẫn kiên nhẫn nói anh làm, còn mình dùng điện thoại làm ánh sáng mỗi đêm. Chờ đến ngày anh tự đi mua, lóng ngóng thay cái bóng đèn. Chị đùa khi đèn sáng trở lại “anh đúng là mang ánh sáng đến cho đời em”. Đùa là đùa vậy thôi, nhưng chị ngộ ra chân lý cho mình, đàn ông rất thích được làm người hùng của ai đó, đàn bà đừng dại dột mà tước hết điều đó của đàn ông, hãy để họ thể hiện đúng bản chất anh hùng của mình…
Vậy đó, từng chút một, chị tập cho mình và anh tìm lại tình yêu của mình, để mà vui sống. Tập cho mình bớt ôm đồm và biết cách dựa dẫm nhờ vả chồng. Xưa, chị chẳng dám đi đâu xa nhà một ngày, giờ chị đi công tác cả tháng, ở nhà anh chu toàn mọi thứ, chăm sóc đón đưa con. Xưa mọi việc một tay chị lo toan hết, giờ thì chị phụ thuộc vào anh, một kiểu phụ thuộc đầy bản năng và rất đàn bà. Với bạn bè của anh chị, mọi người còn lưu truyền câu chuyện “pha sữa bằng chân” của chị. Một câu chuyện kể nghe cho vui, nhưng kỳ thực lại lại một bí quyết để giao bớt việc chăm con cho chồng.
Chuyện của chị Trần Thái Hà và anh Nguyễn Mai Lâm cũng là chuyện của chúng ta, vậy thì hà cớ gì, chúng ta không tập cho mình yêu lại, tìm lại tình yêu mỗi khi lòng đã nhạt…
Ái Linh