Thảo – 23 tuổi với một đứa con 4 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc trước năm 19 tuổi, Thảo đã có thai. Một cái tuổi còn quá trẻ. Một cái tuổi mà biết bao bạn bè còn tung tăng, chạy nhảy. Thảo ôm bồn cầu nhà vệ sinh với những cơn nghén mệt lử người.
Ngày Thảo gặp tôi và kể chuyện của cuộc đời mình, Thảo nói rằng chị đừng cho hình em lên mặt báo. Vì em sợ sau này con em lớn lên mà thấy, nó tủi thân, xấu hổ. Tôi hỏi cuộc đời Thảo, điều gì là có ý nghĩa nhất nếu không tính đứa con. Thảo cúi đầu: Là chú em, là chú xa lạ thôi, nhưng em xem như cha ruột mình.
Thảo sinh ra đã gắn liền với sự cô đơn. Từ nhỏ, cha Thảo đã bỏ mẹ con em đi, lý do là mẹ Thảo bệnh nặng, khó qua khỏi. Cảnh nhà cùng quẫn, ông cho Thảo lay lắt hôm về nội, hôm về ngoại. Cuối cùng thì ông cưới vợ mới. Chỉ một chuyến tàu ra Bắc là ông có ngay một gia đình mới, tổ ấm mới. Mẹ Thảo cuối cùng cũng không qua nổi. Năm Thảo được 15 tuổi thì không ai trong dòng họ muốn nuôi không một đứa trẻ nữa. Họ còn bận lo cho con của họ. Những anh chị em họ đầy đủ bao nhiêu, lụa là bao nhiêu thì Thảo thiếu thốn bấy nhiêu.
|
Chú là điều kị diệu nhất xuất hiện trong cuộc đời Thảo - Ảnh minh họa |
Lòng tự trọng của một đứa trẻ đang tuổi dậy thì trỗi dậy, Thảo bỏ nhà đi. Bởi những năm qua, cha Thảo nào có chu cấp gì đâu. Thảo không khác gì ăn chực, ăn bám từ nhà này sang nhà khác.
Thế rồi Thảo tự lên Sài Gòn. Ngày Thảo vật vờ ở công viên Gia Định, người ta tưởng Thảo đi xin ăn, đi bụi như rất nhiều đứa trẻ khác. Mà Thảo đi bụi thật. Có điều, lựa chọn này là gượng ép. Thảo nói rằng em mơ có một mái nhà lắm chứ. Em cũng mơ có chị em, có bố mẹ, có bạn bè. Nhưng rồi đời của em rốt cuộc có ai đâu. Chỉ cần cha mẹ sai một li thì đúng là đời con cái đi một dặm. Thảo không trách mẹ, mẹ cũng đau khổ lắm rồi thì mới ra đi, chỉ trách cha Thảo vô tâm quá. Cũng thật lạ, Thảo chưa bao giờ có ý định tự tử cả. Em đọc báo, thấy người ta buồn chút cũng tự tử, thất tình cũng tự tử, nợ nần cũng tự tử… Còn Thảo, em chả có gì, em chỉ có bản thân em thôi, nên em cần trân trọng. Cuộc đời này đâu có cho em nhiều, cha mẹ cũng đâu có cho em được nhiều ngoài hình hài này!
Thảo gặp chú trong một lần đẩy hộ chú cái xe bán bánh mì. Xe của chú bánh sau xẹp lép, trời thì mưa tầm tã. Đẩy chán rồi thì chú cho Thảo ổ bánh mì. Hai chú cháu ngồi ăn ngay vệ đường, thấy bên cạnh nỗi cô độc của mình cũng có một người cô độc đang ngồi bên.
Chú hỏi Thảo nhiều thứ, Thảo cũng hỏi chú một vài câu. Xong rồi chú quất cái nón vải vào đùi, nói dứt khoát: Thôi, con về ở với chú. Chú cho con đi học nghề. Chứ cứ như này rồi đời đen tối hết con ạ.
Chỉ thế thôi, Thảo về ở cùng chú, phụ chú cơm nước, việc nhà. Dần dần quen đường sá, chú cho Thảo tiền đi học nghề làm móng. Thảo xin được việc ở một salon làm đẹp. Dần dà, Thảo xinh xắn, dễ thương hơn. Kiếm được bao nhiêu tiền, Thảo gửi hết cho chú, để dành phụ chú cất lại cái nhà nhỏ tránh nắng tránh mưa.
|
Ảnh minh họa |
Từ hồi Thảo về, chú phải ngủ trên gác, rất tội. Trên đó vừa nóng vừa hầm. Mùa lạnh cũng vẫn thấy nóng. Chú bảo chú đứng nắng bán bánh mì quen rồi, nóng thế này đâu có nhằm nhò gì. Thảo càng quyết tâm hơn, nhất định sẽ phụ chú làm cái nhà nhỏ.
Nhưng số phận đâu có buông tha, Thảo đi làm được một thời gian thì dính vào đường yêu với một người con trai đến đó cắt tóc, gội đầu. Chẳng mấy chốc Thảo có thai, anh ta cũng biệt tăm luôn từ ngày thấy cái que hai vạch. Như đã hứng đủ nỗi đau, Thảo về quỳ trước mặt chú, xin chú tha lỗi.
Ngày hôm ấy, Thảo biết chú giận lắm. Chú bỏ đi cả ngày, đến tối về, chú lên thẳng gác. Nghĩ thế nào, chú lại nói: Từ ngày mai không đi làm sơn móng nữa. Mấy cái mùi sơn móng ấy mang bầu mà hít vào có mà chết. Ở nhà, chú kiếm việc cho con làm.
Thảo rớt nước mắt. Từ đó Thảo ở nhà may vá, sẵn tiện may đồ cho con. Ngày Thảo sinh, chú bỏ cả xe bán bánh mì, đưa mẹ con vào viện, chăm sóc từng li từng tí. Có nằm mơ, Thảo cũng không ngờ rằng trên đời này còn có một người dưng tốt với mình như thế.
Ngày ra viện, chú lại lật đật làm đủ thứ, từ tã lót của cháu nhỏ, chú giặt hết. Chú xưng với con của Thảo là ông. Mà lúc ấy, Thảo nhìn chú y như ông ngoại của đứa bé thiệt. Đây là gia đình chứ còn đâu. Thảo nghĩ thế, thấy tim mình ấm áp hẳn lên.
|
Ngày Thảo sinh, chú tất bật chạy ngược chạy xuôi, hệt như lo cho con gái mình - Ảnh minh họa |
Năm cu Tuấn được 3 tuổi rưỡi thì chú mất. Chú mất trong một lần lên cơn đột quỵ. Trước giờ Thảo đâu có biết chú bị bệnh tim. Nghe những tiếng thở nặng nhọc của chú trên gác, Thảo cứ ngỡ chú mệt mà thôi. Ngày đưa tang chú, Thảo khóc hết nước mắt. Số tiền chú để lại là để cho Thảo sửa sang lại căn phòng để hai mẹ con có cuộc sống tốt hơn. Thảo nói rằng, nếu được sinh ra một lần nữa trong đời, cho dù nghèo khổ, bần hàn thế nào, em cũng nguyện làm con gái chú.
Chú mất mà không có dòng họ, anh em. Từ nhỏ chú cũng bơ vơ như Thảo nên thấu hiểu mà thương, mà đùm bọc. Thằng cu Tuấn vẫn cứ gọi ông ngoại mỗi khi chú đi bán bánh mì về. Giờ thì không còn cảnh ấy nữa.
Thảo bây giờ đã có nhà của riêng mình, đã tiếp tục làm nghề làm móng, buổi tối thì ở nhà may vá thêm. Nếu mà không có chú, đời nào Thảo làm sao biết được những nghề này. Dần dà, Thảo tự ở nhà, mở một cái tiệm xinh xinh, vừa trông dạy con, vừa làm việc. Cuộc sống đã ổn hơn, bình yên hơn.
Thảo nói: Em chỉ có nỗi hối hận nhất đời này là đã không kịp gọi một tiếng Cha với chú. Từ bé, trong em, chữ Cha là chữ tối kị. Đến lúc em nhận ra mình có được người cha thứ hai trong đời thì lại không kịp gọi mà cha đã đi mãi. Người ta bảo rằng trên đời này có thật nhiều lòng tốt, cũng như hoa nở trên mặt đất vậy. Đối với bản thân em, gặp được chú trong cái hôm trời mưa ấy là điều kỳ diệu nhất, phép màu nhất của cuộc đời!
Thu Thảo (Quận 12)