Nếu không quyết liệt quỹ đất cho giáo dục, vài năm nữa sẽ "vỡ trận" tuyển sinh đầu cấp

04/08/2023 - 18:23

PNO - Đó là cảnh báo của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM tại hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo sáng 4/8.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các địa phương tập trung đón đầu xây dựng trường học, kiên trì tham mưu với địa phương. Trưởng phòng giáo dục phải thường xuyên, kiên trì, quyết liệt tham mưu quỹ đất giáo dục trong quy hoạch chung của quận. Bởi, nếu không khéo thì vài năm nữa có thể sẽ "vỡ trận" trong tuyển sinh đầu cấp.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận định nếu địa phương không đấu tranh cho quỹ đất giáo dục thì vài năm tới không khéo sẽ vỡ trận tuyển sinh đầu cấp
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị

“Mỗi năm TPHCM tăng thêm 10.000-15.000 học sinh ở mỗi đầu cấp. Riêng lớp Sáu năm học 2023-2024 tăng 42.000 em, khả năng tiếp nhận của các trường THCS là quá tải. Việc rà soát các độ tuổi, quy hoạch, dự báo xa là cần thiết, quan trọng để tuyển sinh đầu cấp ngày càng thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Ông trăn trở, trong chương trình hành động Nghị quyết 46 của Thành ủy, yêu cầu đến năm 2020, 100% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, song hiện nay quá nhiều vấn đề cần phải làm. Thậm chí, nhiều trường học xuống cấp chưa được sửa chữa, bổ sung kịp thời vì kinh phí, kế hoạch còn khó khăn. Thế nhưng cũng có lý do là hiệu trưởng sắp nghỉ hưu nên không làm…

“Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch Tài chính cho kiểm tra, giao cho từng trường làm. Nếu hiệu trưởng cảm thấy không làm được thì nghỉ đi, chứ không thể có chuyện sắp nghỉ hưu nên không nhận đề án sửa chữa trường…” - ông Nguyễn Văn Hiếu quyết liệt. 

Còn hơn 100 dự án chậm tiến độ

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến tháng 3/2023, toàn thành phố có 117 dự án giáo dục chậm tiến độ do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án… Trong đó, vướng nhiều nhất là ở bậc mầm non với 36 dự án, tiểu học 49 dự án, THCS với 24 dự án. Tập trung nhiều ở TP Thủ Đức với 23 dự án và các quận như Tân Phú 9 dự án, Bình Tân 12 dự án, Bình Chánh 17 dự án, Hóc Môn 15 dự án.

Đơn cử như TP Thủ Đức, năm học mới có 20.226 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học huy động vào lớp Sáu, tăng thêm hơn 4.000 học sinh so với năm học trước. Theo tiến độ, riêng năm học 2023-2024, toàn TP Thủ Đức còn tới 8 dự án xây dựng và xây dựng mới trường THCS chậm tiến độ bàn giao năm học.

Tính đến tháng 3/2023, toàn thành phố còn đến 117 dự án giáo dục chậm tiến độ
Tính đến tháng 3/2023, toàn thành phố còn 117 dự án giáo dục chậm tiến độ

Năm học 2023-2024, số học sinh tại TPHCM dự kiến tăng thêm 35.055, lên hơn 1,7 triệu học sinh. TPHCM đưa vào sử dụng thêm gần 700 phòng học mới. Trước áp lực tăng sĩ số, các quận huyện phải tăng sĩ số học sinh/lớp, vượt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT và giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày để đảm bảo đủ chỗ học. Nhiều trường thậm chí phải sử dụng phòng bộ môn để làm phòng học.

Trước thách thức học sinh tăng, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, giải pháp của TPHCM là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đưa hệ thống học liệu lên web để học sinh tham khảo, tự học, tổ chức học buổi 2 qua hệ thống trực tuyến, hệ thống số để giảm bớt thời gian trên lớp do thiếu phòng ốc…

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI