Dù có tức nước vỡ bờ thì cũng không nên bưng mẹ chồng lên facebook mà than vãn. Bạn sẽ nhận nhiều “gạch đá” tới mức “xây nhà lầu” được luôn chứ chẳng đùa.
|
Ảnh minh họa. |
Mấy hôm nay cư dân mạng bàn tán náo nhiệt về bộ phim Sống chung với mẹ chồng của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Họ chia ra hai phe và bình bầu tán loạn. Một bên thì bênh vực mẹ chồng, bên còn lại thì thương hại cô con dâu. Tôi cũng là phụ nữ, cũng là vợ, là dâu, gặp đề tài này dĩ nhiên thấy quá quen thuộc và cũng bắt gặp đâu đó hình ảnh mình.
Ở thời đại mạng xã hội phát triển, tôi thấy chuyện gì người ta cũng dễ “trút nỗi niềm lên đó. Một mặt để giải tỏa những bức bách, khó chịu trong lòng, mặt khác, tìm “đồng minh”, những người đồng tình với quan điểm của mình hay an ủi, động viên, thấu hiểu nỗi lòng của mình thông qua những status chia sẻ ấy.
Sáng nay, tôi thấy cô bạn dưới quê viết lên facebook một đoạn tâm sự lâm li bi đát. Vấn đề của cô bạn cũng quen thuộc, hệt bộ phim Sống chung với mẹ chồng của đạo diễn Trường Khoa. Vì sống với mẹ chồng nên nhất cử nhất động, những việc nhỏ bé, chi li đến chuyện nhà cửa, chuyện làm ăn, chăm con đều bị mẹ chồng nhòm ngó và soi mói.
Đó là kiểu quan tâm thái quá của các bà mẹ chồng truyền thống. Thấy con trai chăm lo cho con dâu hơi thái quá như việc sắm cho vợ cái nhẫn vàng, đôi dép mới, mẹ chồng đều “ghim vào bụng”. Và hễ có thời cơ, bà sẽ nói ngay: “Mày chỉ biết lo cho vợ thôi, mẹ mày đây mày có lo gì”… Rồi một cuộc chiến tranh lại xảy ra. Con dâu nặng mặt với mẹ chồng, mẹ chồng luôn lườm nguýt con dâu.
Dường như giữa họ không thể có sự kết nối bình thường. Lúc nào con dâu cũng nghĩ mình không phải con ruột nên mẹ chồng ghét bỏ. Mẹ chồng thì nghĩ, nó là dâu chứ đâu phải là con đẻ, nên mặc sức soi mói, xét nét.
|
Ông chồng phải làm sao để mẹ và vợ đều vui? |
Hẳn không lạ với những suy nghĩ của các bà như: “Mình mang nặng đẻ đau, chăm lo nó thế mà giờ nó đi giặt đồ cho vợ, bưng nước cho vợ uống. Thử hỏi nó làm vậy cho mẹ ngày nào chưa?”. Đó là một trong những suy nghĩ cũ kỹ của các bà mẹ chồng và cô bạn của mình là "nạn nhân" của suy nghĩ như vậy.
Sau khi status mẹ chồng nàng dâu xuất hiện, rất nhiều ý kiến bình luận, chia sẻ, cảm thông, tán thành, ủng hộ thái độ phản kháng của cô bạn tôi. Một số khác, dĩ nhiên là những thành viên trong gia đình chồng của bạn thì ngược lại, đã mạt sát bạn thậm tệ.
Nào là, thứ con dâu lên mạng nói xấu mẹ chồng là đanh đá, hỗn láo, không biết điều. Nào là “thơm thì không ai biết, thối thì cả làng cùng ngửi”. Nào là, thứ con dâu coi thường cha mẹ chồng là thứ chẳng ra gì, hay có người còn bình luận kiểu “công tâm” hơn: “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, ăn ở làm sao mới bị mẹ chồng đối xử như vậy.
Tôi chỉ lặng lẽ theo dõi cuộc chiến facebook của cô bạn, rồi nhắn tin động viên an ủi cô ấy. Việc chia sẻ lên mạng những chuyện nhạy cảm của gia đình có tính hai mặt. Người chia sẻ như trút được ấm ức trong lòng. Nhưng những người không hiểu chuyện lại thêm mắm dặm muối, biến tấu câu chuyện trở nên kịch tính, nặng nề.
Thậm chí, mẹ chồng của cô bạn, nếu đọc được những dòng này thì không biết họ sẽ nhìn nhau ra sao. Nói xấu mẹ chồng trên mạng cho cả thế giới biết dĩ nhiên là không tốt rồi. Chi bằng, bạn ngồi lại với mẹ, nói chuyện rõ ràng, chân thành để tìm ra cốt lõi vấn đề và cùng mẹ chồng giải quyết.
Dĩ nhiên, việc đó chẳng dễ dàng. Nhưng mình nghĩ, nước chảy đá mòn, mưa dầm thấm lâu, thời gian sẽ giúp mẹ chồng cảm nhận được sự chân thành của con dâu và có những ứng xử tế nhị, khéo léo.
Còn một vấn đề nữa, chính là người chồng. Ở vị thế đứng giữa như anh chồng thì phải làm sao để mẹ và vợ đều vui. Đừng cùng mẹ đẩy vợ ra một phía hoặc cùng vợ đẩy mẹ ra một phía khác, như thế, cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu chắc chắn chẳng bao giờ kết.
Tôi tỉ tê một hồi lâu với cô bạn, chắc cô ấy nghe ra nên xóa đi dòng status nói xấu mẹ chồng. Tôi thấy vui, dù biết sau đó cô bạn phải đối diện với mẹ chồng, gia đình chồng và phải giải quyết “hậu quả” cho sự vụng dại, bồng bột kia.
Bất hòa mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn đời chưa cũ, luôn có những mâu thuẫn, đòi hỏi sự ứng xử khéo léo của cả con dâu lẫn mẹ chồng. Đừng vội vàng bê mẹ chồng lên facebook. Cùng lắm, hãy tìm bạn thân mà chia sẻ, bộc bạch tâm tư.
Khó khăn quá thì vẫn có những chuyên gia tư vấn tâm lý, họ luôn có lời khuyên và định hướng khách quan, chín chắn cho mình.
Khi đã hết cách mà không có cứu vãn được gia đình, không làm cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt hơn hay mối quan hệ vợ chồng đẹp hơn, hãy nghĩ đến việc kết thúc một mối quan hệ bất hòa mà ở đó, bạn không buộc phải nhận lấy.
Cuộc sống và chọn lựa là của bạn.
Bùi Hải