Nếu không đẹp thì hãy thơm

22/02/2017 - 11:16

PNO - Tôi biết rằng nếu mình xinh đẹp mà phát biểu về trinh tiết, chắc sẽ được tung hô, ca ngợi; nhưng vì tôi xấu xí nên bị cười nhạo.

Trên bìa cuốn sách mới của Mèo Xù (bút hiệu của tác giả nữ trẻ Nguyễn Thị Thắm) Bơ đi mà sống, có một dòng chữ nhỏ phía dưới tựa sách “Nếu không đẹp thì hãy thơm”. Câu này được Mèo Xù sử dụng như slogan cho công việc tay trái của cô: bán nước hoa online. Nhưng sâu xa hơn cả, như cô giải thích trong cuốn sách của mình và cả khi trò chuyện với mọi người, nó cũng là châm ngôn sống của cô, để chiến đấu chống lại với điều mà số phận đã dành cho mình: là một cô gái xấu.

Neu khong dep thi hay thom
 

Ðể đi đến được với một cách sống đầy kiêu hãnh ấy của “cô gái sinh ra trời bắt xấu”, Mèo Xù đã trải qua những năm tháng chẳng mấy dễ dàng. Và cô đến với buổi trò chuyện này để kể về những điều mình viết trong Bơ đi mà sống với giày cao gót, đầm lụa và son môi đỏ, rất tự tin rằng mình đang làm ra những giá trị để mà “thơm”.

Phóng viên: Người ta thường nói “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”, thế mà Mèo Xù lại sẵn sàng thừa nhận công khai rằng mình xấu. Điều này phải chăng là một cách để bạn làm nổi mình?

Mèo Xù: Thật ra, tôi nghĩ câu “Không có phụ nữ xấu…” chỉ là một câu để an ủi, giúp người ta trốn tránh thực tại và nhất là ca ngợi sự kỳ diệu của phẩu thuật thẩm mỹ hay trang điểm mà thôi. Có phụ nữ xấu và tôi biết mình là người xấu từ khi còn nhỏ. Tôi thường bị bọn con trai chạy theo đằng sau và hét lên: “Ăn đu đủ không cần thìa”, “Chó bốn mắt”. Ngày còn nhỏ, tôi rất tự ti.

Tôi chống trả những lời trêu chọc ấy một cách tiêu cực. Tôi chửi và đánh nhau với bọn chúng. Nhưng sau đó, tôi càng tổn thương hơn. Tôi về nhà khóc và viết vào nhật ký. Tôi trách mẹ đã sinh mình ra xấu thế. Chị gái tôi thì xinh đẹp, còn tôi thì như ma lem. Tôi nghĩ là do mẹ ghét tôi. Tôi ganh tị với chị mình. Lên đến đại học, các bạn gái đều có người thích, còn tôi thì không. Tôi càng nhút nhát, tủi thân và cố thu mình lại. Nhưng càng làm như thế, tôi càng xấu. Thay vì đi chơi, yêu đương, hẹn hò như các bạn, tôi chỉ biết cố gắng học.

Cho đến khi ra trường, tôi hiểu là mình cần có gì đó để bù đắp vào khoản thiếu hụt nhan sắc của mình. Tôi chăm chỉ làm việc, chịu khó học hỏi và mở lòng mình, bước ra ngoài giao tiếp. Tôi bù đắp cho mình bằng thành tích trong công việc và cố gắng trò chuyện, thu hút mọi người bằng những gì mình nói. Rồi những cố gắng của tôi cũng có kết quả: sau khi nói chuyện, mọi người bảo rằng tôi nói chuyện có duyên, thú vị, khéo léo. Từ đó, tôi biết thế mạnh của mình và cố gắng phát triển nó. Không được đẹp thì tôi sẽ “thơm” bằng những giá trị khác.

Thế nhưng, tất cả những tủi thân, tự ti, tổn thương đó của tôi về nhan sắc không bằng những cú sốc đến với tôi vào năm 2014, khi ra cuốn sách đầu tay . Trước đó, tôi bị một nhóm người "ném đá" vào nhan sắc của mình. Sau khi ra cuốn sách, chỉ vì một sai lầm nhỏ trong truyền thông, tôi bị công kích hội đồng. Tôi mất một ngày khóc lóc và thu mình lại. Tôi đã có ý định một lần nữa trốn đi, để khỏi bị tổn thương quá nhiều.

Nhưng rồi tôi nghĩ, nếu mình cứ khóc thế này thì ai cứu. Người ta không thể đi theo và ném đá mình cả đời. Còn tôi thì phải sống cuộc đời mình. Tôi quyết định đứng dậy, không chống đối và che giấu nữa, chấp nhận sự thật: mình xấu và bơ đi để mà sống, theo ý của mình. Và tôi thấy mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn.

Lại một câu nữa của bạn có vẻ như đi ngược lại với những điều con người lấy làm chuẩn mực chung để mà sống. Người ta sống trong tập thể và cần có tập thể, không thể bơ mọi người đi mà sống một mình được...

Không, tôi không bơ tập thể, không bơ những người tôi yêu thương và chia sẻ được để mà sống. Tôi bơ là bơ đi những sự thật, những điều xấu mà mình buộc phải nhìn thẳng vào nó mà chấp nhận, bơ đi những ác ý của người đời, những công kích, dè bỉu, chế nhạo dành cho tôi, để mà sống. Khi những người ác ném đá, tôi nhận ra một điều: người ta công kích cá nhân không phải vì đồng tình với ai hay phản đối ai vì một điều gì đó, mà đơn giản vì đó là sở thích.

Khi tôi ra cuốn sách đầu tiên, trong bài phỏng vấn, tôi đã nói về nhân vật của mình, một cô gái có quan điểm sống không chấp nhận tình dục trước hôn nhân, cô gái ấy sợ sex, chưa sẵn sàng với sex. Thế nhưng, người phỏng vấn đã lẫn lộn giữa tôi và nhân vật. Thế là mọi việc ồn ào lên. Và thay vì tranh luận hay thể hiện quan điểm của mình, người đọc lại nhằm vào nhan sắc của tôi để mà dè bỉu, chê bai, chế nhạo.

Khi bị người ta công kích về ngoại hình, tôi một lần nữa lại nhìn thấy mặt xấu của dư luận: con người ta nhìn mọi việc quá phiến diện, quá cay nghiệt và cái ngoại hình, sự xinh đẹp bên ngoài quá quan trọng với đời sống ngày nay. Một trong những câu nói rất phổ biến hiện nay, rất đúng với con người hiện nay - mà tôi ghét nhất - đó là “Em đẹp, em có quyền”. Tôi biết rằng nếu mình xinh đẹp mà phát biểu về trinh tiết, chắc sẽ được tung hô, ca ngợi; nhưng vì tôi xấu xí nên bị cười nhạo. Người ta nhìn vào bên ngoài nhiều quá mà chẳng cần hiểu bản chất bên trong. Khi bị chế nhạo, chê cười sau bài báo đó, tôi đã gục ngã trong một ngày. Nhưng rồi tôi quyết định im lặng, không thanh minh ồn ào. Tôi không mở ra và tiếp tục đọc những bài viết, những comment về mình nữa. Tôi chọn cách sống tích cực và lạc quan với suy nghĩ: ừ, quyền của bạn là công kích, còn quyền của tôi là sống như tôi mong muốn.

Sau cuốn sách đầu tiên và trở thành đối tượng của sự độc ác, cay nghiệt của dư luận, bạn đã tiếp tục ra cuốn sách thứ hai Hạnh phúc không dành cho tình nhân và bây giờ là cuốn thứ ba Bơ đi mà sống. Có phải bạn ước mơ trở thành nhà văn hay đó chỉ là những điều bạn muốn viết để chia sẻ kinh nghiệm “vượt qua bão táp” của mình?

Tôi không nghĩ mình là nhà văn và quả thật tôi viết sách chỉ với mục đích truyền cảm hứng cho mọi người. Khi tôi bị ném đá vì xấu xí thì tôi cũng nhận được sự đồng cảm từ những cô gái khác. Họ cũng hoang mang, sợ hãi vì vẻ bề ngoài của mình. Sự chuộng hình thức của xã hội trở thành rào cản, không cho họ bước ra ngoài. Tôi muốn nói với họ rằng, không phải cứ đẹp là có tất cả. Hãy cứ tích cực sống đi, bạn sẽ nhận được những điều mình xứng đáng có. Khi còn bé, tôi tự ti và căm ghét mọi người thì mọi thứ với tôi đều hết sức khó khăn; nhưng khi tôi chấp nhận sự thật và coi nó nhẹ nhàng thì những thành công và may mắn đến với tôi.

10 năm trước đây, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một tác giả, được phỏng vấn, được lên báo. Tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình có thể trả hết được nợ cho bố mẹ (khi tôi ra trường, bố mẹ còn nợ 200 triệu đồng và tôi đã quyết tâm dành ra bốn năm để trả nợ cho bố mẹ), mua được nhà (tháng 10 năm sau, tôi sẽ được nhận căn nhà đầu tiên của mình). Tôi tự nhận rằng mình đã cố gắng rất nhiều và những cố gắng đó đã có kết quả.

Không chỉ cố gắng lao động, chăm chỉ và bồi dưỡng những giá trị tinh thần, bạn cũng đã trở nên xinh đẹp nhiều hơn, thậm chí bạn còn làm stylist cho một số ca sĩ, MC. Bạn cũng không chấp nhận chịu cảnh “trời bắt xấu” hoài.

Phải, tôi cũng chẳng đồng ý với suy nghĩ AQ rằng hình thức không quan trọng hay xấu thì chấp nhận đi, không cần cố gắng. Tôi nghĩ, một cô gái dù nhan sắc thế nào cũng phải chỉn chu, lịch sự, chọn quần áo cho mình, đắp mặt nạ cho da mặt mình… Cái gì có thể dùng sự chăm sóc để thay đổi được thì phải cố gắng làm. Phải yêu lấy cơ thể mình, đừng bất mãn mà bỏ bê nó. Với những suy nghĩ ấy, tôi đã tự tìm tòi, học hỏi và nhận ra mình cũng có chút năng khiếu trong việc làm đẹp. Tôi đã có thể hãnh diện về chính mình khi kiếm ra tiền để phục vụ cuộc sống của mình và làm cho mình đẹp hơn.

Khi còn bé, bạn đã trách giận mẹ vì sinh ra mình xấu. Bạn đã phải chiến đấu với cả thế giới vì mình xấu. Gia đình bạn có ở bên cạnh trong cuộc chiến đấu ấy hay không?

Khi ngồi trên máy bay vào TP.HCM để chuẩn bị cho buổi ra mắt , tôi đã đọc lại cuốn sách của mình và khóc. Gia đình chính là động lực cho tôi trong cuộc chiến đấu ấy. Gia đình tôi rất nghèo. Mẹ tôi đã từng phải đi làm Ôsin, bố tôi làm thợ hồ. Thế nhưng, họ đã cho tôi những điều tốt đẹp nhất mà không phải gia đình giàu có nào cũng có thể cho con cái mình. Tôi được ăn học đàng hoàng bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả sinh mạng của bố mẹ mình. Tôi có người anh trai bị chậm phát triển, nhưng có lần thấy trẻ con ném đá và gọi tôi là con vẩu, anh đã lao vào đánh chúng. Dù không có đủ trí tuệ, nhưng bản năng yêu thương đã mách anh bảo vệ tôi.

Mẹ tôi chỉ học đến lớp 4, nhưng những giá trị sống mà mẹ dạy tôi luôn luôn đúng. Những khi tôi đau khổ, mẹ là người dạy tôi phớt lờ mọi điều mà sống, đừng quan tâm đến những người không yêu thương mình, hãy cố gắng học hành giỏi hơn. Khi tôi bị ném đá, mẹ bảo tôi: “Con ra đại dương thì sẽ gặp sóng lớn, nhưng sẽ bắt được con cá to”. Khi tôi trở thành thiếu nữ, mẹ dặn tôi: “Phụ nữ phải tự biết giữ gìn tấm thân của mình, phải biết trân trọng và tự bảo vệ nó, đừng chờ đợi điều đó ở bất cứ người đàn ông nào. Bởi đàn ông nay có thể yêu, mai có thể bỏ, đừng hy vọng vào sự chịu trách nhiệm của họ hay ăn vạ họ khi có việc gì xảy ra”.

Nhờ có bố mẹ, có anh em, tôi đã sống tốt hơn và vì thế, giá trị sống mà giờ đây tôi theo đuổi là giá trị gia đình. Gia đình là điều thật sự cần thiết đối với bất kỳ người nào.

Cảm ơn bạn về những chia sẻ thú vị.

Song Văn

Thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI