Trong khi ở nhiều nơi, điển hình là Mỹ, các tỷ phú quyết định chuyển gần như toàn bộ tài sản vào các quỹ từ thiện thì cho mỗi đứa con một căn nhà/mảnh đất khi chúng lớn lên vẫn là tâm nguyện của rất nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam. Bất kể căn nhà hay mảnh đất ấy được phân tích sẽ là tài sản hay tiêu sản, có giúp con trưởng thành hay khiến chúng ỷ lại mà không nỗ lực, cố gắng phấn đấu, “Để lại gì cho con?” vẫn là câu hỏi đau đáu của những người làm cha mẹ. Nhưng, nếu không để lại tài sản thì ta để lại gì?
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
*** Câu chuyện thứ nhất ngày càng nhiều.
Khi tôi vẫn đang cày đêm ngày để trả góp tiền mua nhà, cô bạn học thời phổ thông đã là trưởng nhóm kinh doanh của một công ty bất động sản có tiếng. Ngày ấy, tôi chạy chiếc Suzuki cũ, cô đi xe hơi xịn. Mỗi lần đi nghỉ ở nước ngoài hay ở các resort sang trọng nhất Việt Nam, cô thường mang cả hai con trai theo. Hỏi về tài sản để lại cho con, cô bảo: “Khi mình chết, trong tài khoản sẽ chỉ còn 5 USD, đó là phí duy trì tài khoản. Hai đứa nhỏ sẽ được nuôi lớn trong nhung lụa, chứng kiến mẹ chúng tạo dựng cuộc sống đáng mơ ước ra sao… trong vòng 18 năm, sau đó phải học tập để xây dựng cuộc sống như chúng muốn. Mình sẽ đầu tư cho con đi học ở bất cứ ngôi trường danh tiếng nào (nếu con được nhận), giúp vốn cho con kinh doanh, chứ không để sẵn cục tiền, không mua sẵn nhà cho con ở”.
Sau đó, con lớn của bạn tôi học trong nước nhưng từ năm nhất đã mở một quán ăn vặt có thu nhập rất tốt, chỉ trong nửa năm đã hoàn vốn đầu tư cho mẹ, tự tin và say mê kinh doanh như một phiên bản nam giới của mẹ. Còn cậu em, sau khi du học sáu năm (số tiền mẹ đóng gấp mười lần tiền đầu tư kinh doanh cho anh trai), về nước đi dạy ngoại ngữ cho vài trung tâm, cuối tuần chơi golf trong vườn một mình, đọc sách, quan tâm nhiều đến văn hóa Hàn Quốc và lịch sử thế giới, chứ tỷ giá chứng khoán, vàng, dầu… lên xuống cậu đều không để tâm.
Cả hai anh em đều biết mình được mẹ đầu tư tối đa nhưng phần vốn đầu tư ấy sẽ lập tức bị cắt nếu các cậu không nỗ lực hết sức với năng khiếu và đam mê của chính mình. “Mẹ luôn hỏi tụi con thực sự muốn gì trong những khóa học mẹ đóng tiền. Nếu tụi con không lý giải thuyết phục được mục đích học thì mẹ sẽ từ chối. Tụi con chưa bao giờ phải đóng học phí nhưng biết chắc chắn sẽ phải kiếm được tiền sau những khóa học ấy để thuê hay mua nhà vì ngoài học phí, từ năm 18 tuổi, mẹ chỉ còn chu cấp sinh hoạt phí tối thiểu mà thôi” - con lớn của bạn tôi nói.
“Đời cha mẹ đã trải qua thiếu thốn, đã từng mơ ước gì thì đến đời con sẽ cố gắng hết sức để bù đắp là tâm lý rất phổ biến. Tuy vậy, ông bà ngoại bọn trẻ cũng chỉ chu cấp cho mình đến khi tốt nghiệp phổ thông. Mọi tài sản, cuộc sống hiện có đều do mình cố gắng. Việc không cho con muốn gì có nấy, từ nhà đến xe… mà chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho con học, làm việc, theo sát để biết sở trường sở đoản của con ở lĩnh vực nào… đang là định hướng của rất nhiều ông bố bà mẹ chứ không phải riêng mình” - bà mẹ “tiêu hết, chỉ còn 5 USD” khẳng định.
Tương tự, một người cha có thể dành khoảng 5 tỷ đồng cho con theo học ngành hàng không để trở thành phi công vì thể lực, vóc dáng của con phù hợp, sau này thu nhập cao, phi công cũng là niềm mơ ước của nhiều người. 5 tỷ đồng ấy cũng tương đương với một căn nhà nhưng đóng học phí thì anh nhất trí ngay chứ mua nhà thì không. “Tuy nhiên, đam mê, sở thích và khả năng của cháu lại nằm ở mảng công nghệ nên chúng tôi không thể ép con. Học phí ba năm học công nghệ của một đại học danh tiếng trong khu vực chỉ bằng 1/5 so với chi phí đầu tư học ngành hàng không, con vẫn vui vẻ và thường đùa: “Con đã tự bớt 4 tỷ đồng trong tài sản thừa kế của chính mình mà không hề ân hận chút nào” - người cha nọ chia sẻ.
Nỗ lực phấn đấu, làm việc căng thẳng, lao động cật lực, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì con… vẫn luôn luôn là mong muốn thật tâm, là mục đích sống của nhiều ông bố bà mẹ. Song, cách nhìn nhận “điều gì là quý giá nhất, cần thiết nhất; tài sản nào được xây dựng và trao lại cho con khi trưởng thành” lại phụ thuộc vào quan điểm sống của từng gia đình vốn có nền tảng và phương pháp giáo dục khác nhau. Tiền dành mua kiến thức, kỹ năng cho con đúng sở trường chính là tài sản vô giá. Các cô cậu gen Z thường bảo nhau: “Giờ chỉ sợ con nhà giàu được đầu tư” chính là nhắc đến những đối tượng của câu chuyện thứ nhất.
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
***
Câu chuyện thứ hai cũng không hiếm.
Cha mẹ muốn mua nhà cửa, kinh doanh với mục đích có sản nghiệp để lại cho con sau này. Trong khi lao đi kiếm tiền để cuộc sống của con được đầy đủ ở hiện tại, vững vàng an nhàn trong tương lai, nhiều bậc cha mẹ đã quên thời gian bên nhau của họ còn lại quá ít ỏi. Họ không nhận ra những đứa con dần dần trở nên ích kỷ, lười biếng; sẽ không trân trọng những gì cha mẹ để lại, tạo dựng sẵn cho chúng, mà mặc nhiên coi đó là sự đền bù và trách nhiệm của những người đã sinh ra mình.
Lần được đề nghị viết hồi ký cho một nữ đại gia nhiều ngàn tỷ, tôi đã sững sờ trước bức thư đầy nước mắt của con bà, mong cầu mẹ tha thứ, cứu vớt; rằng nếu mẹ không trả giúp món nợ kia thì cậu ta sẽ chết. Bà mẹ giàu có gấp bức thư, kể rằng nó được viết sau khi người con đã mạt sát mẹ bằng đủ thứ ngôn từ kinh khủng nhất mà mẹ vẫn lạnh lùng từ chối. “Nó dám đánh bạc một đêm bay cả căn nhà, cho thêm bao nhiêu cũng chỉ hại nó, sau đó là hại mình mà thôi. Trong kinh doanh, đó là cắt lỗ. Với con nghiện, không cho thuốc là sự tàn nhẫn cần thiết để cứu nó” - bà nói.
Chẳng có thống kê nào để khẳng định những câu chuyện thứ hai có cá biệt hơn các câu chuyện thứ nhất hay không và tỷ lệ những ông bố bà mẹ thành công khi cứng rắn để không bị phá sản vì con là bao nhiêu.
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
***
Câu chuyện thứ ba được kể rất nhiều trên truyền thông. Hổ phụ sinh hổ tử phiên bản khác là hổ không sinh ra chó, rằng cha mẹ giỏi giang không thể sinh ra hậu duệ dốt nát, bất tài. Có thể chính vì tư duy này, các tỷ phú Mỹ tự tin tham gia cam kết “cho đi”, dành phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện.
Vợ của Steve Jobs, người được thừa hưởng khối tài sản hơn 10 tỷ đô la sau khi nhà sáng lập Apple qua đời năm 2011, đã cam kết “phân phối tài sản của người chồng quá cố một cách hiệu quả, theo những cách giúp chắp cánh cho các cá nhân và cộng đồng một cách bền vững”. Con của Steve Jobs không tham gia hay phản đối gì việc phân bố tài sản thừa kế của cha vì phần “rất ít” dành cho các con đã đến hàng triệu USD. Steve Jobs không để lại toàn bộ tài sản cho con, không có nghĩa là chẳng cho con gì cả. Nếu chỉ là một người bình thường, họ cũng không hề nghèo túng với số tiền 1% tài sản của ông bố tỷ phú, còn nếu là “hổ tử”, chắc chắn họ sẽ lại tiếp tục tự mình ghi tên mình vào danh sách các tỷ phú mà không cần chú thích là con của ai đó.
Giúp con đạt được ước mơ của chính mình; cùng con thành công nhưng vẫn khiến con tự hào không núp bóng cha mẹ; cho con niềm tin luôn được gia đình thương yêu, sẵn sàng hỗ trợ khi cần, niềm tin mình đi đúng hướng, cuộc sống phía trước rất công bằng khi mình đã cố gắng chính là những gì quý giá nhất cần trao cho con hằng ngày, trong suốt quá trình cùng con trưởng thành chứ không phải chỉ là những tài sản thừa kế được trao đi khi cha mẹ không còn cơ hội ở bên và thấy con hạnh phúc.