PNO - Đã có nhiều sự cố do chó gây ra, nhiều người gặp tai nạn, thậm chí tử vong do chó cắn, vậy nhưng nhiều người nuôi chó dường như vẫn chưa có trách nhiệm.
Chạy xe trên đường bị chó rượt theo, hoảng hốt, lủi xe xuống lề, trầy xước tay chân mặt mày. Lái xe 2 bánh tông nhằm chó chạy ngang đường, lật xe bị chấn thương phải vào bệnh viện. Đến nhà thu tiền điện, nước, viễn thông bị chó cắn phải chích ngừa. Đó là những sự cố do chó gây ra. Những năm gần đây thêm tình trạng bị chó nuôi cắn, gây thương tật nặng, thậm chí chết người. Phải chăng đã đến lúc phải nâng mức cảnh báo nguy hiểm? Phải chăng các biện pháp pháp lý hiện nay chưa đủ để phòng ngừa rủi ro từ việc nuôi chó?
Đã có nhiều vụ tai nạn do chó gây ra - Ảnh minh họa
Nhà tôi thích nuôi chó vì đây là loài vật thông minh và trung thành. Hiện ba tôi nuôi một con giống Phú Quốc thuần chủng để giữ vườn. Một con “cẩu tạp chủng” khác suốt ngày quanh quẩn bên ba tôi, mỗi khi có người vừa đến ngõ nó đã sủa vang nhà. Cách đây nhiều năm một chú chó nhà tôi nuôi quá già, những ngày cuối cùng nó cố liếm chút sữa, kéo dài chút sức tàn, đợi đến khi ba tôi, người mang nó về nhà, đi xa về, vuốt đầu kêu tên, nó mới rơi lệ, nhắm mắt lìa đời.
Cả nhà tôi ai cũng yêu thương mấy con chó nuôi trong nhà. Yêu thương chó cần phải biết đặc tính chung của giống loài và tính tình riêng của từng con. Đã nuôi là phải chịu trách nhiệm với những hành vi nó gây ra cho người chung quanh và xã hội. Thế nhưng rất nhiều người nuôi chó quên rằng chó là vốn là loài hoang dã, hàng ngàn năm trước con người đưa về thuần hóa để sống với loài người.
Đến nay dù được xem là thông minh, gần gũi con người nhưng nó không thể tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Người nuôi khi đã quyết định nuôi, quyết định chăm sóc nó đã là đồng thời chịu trách nhiệm không để nó gây ra sự bất tiện, thậm chí tai họa cho người khác. Từ trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ không để chó phóng uế nơi công cộng, trách nhiệm không để nó gây lo lắng cho cộng đồng đến trách nhiệm không để nó trở thành nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện giao thông, trách nhiệm không để nó tấn công người và con vật khác dù ở nhà mình hay nơi công cộng. Nếu không có khả năng đề phòng, không có khả năng chịu trách nhiệm thì đừng nuôi.
Hiện nay luật pháp quy định phải đăng ký việc nuôi chó với ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Người nuôi chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó đến nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Ngoài ra phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh cũng như chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.
Từ những chuyện tai nạn xảy ra, có lẽ cần rà soát bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, nhất là đối với việc nuôi những loài chó dữ, được thế giới xem là giống chó “nguy hiểm”. Có như vậy thì mới ràng buộc được trách nhiệm của những người nuôi chó. Riêng phía người nuôi chó nếu thấy bản thân không có trách nhiệm thì tốt nhất đừng nuôi.