Nếu không có thuốc Glivec, người bệnh ung thư sẽ được điều trị như thế nào?

08/01/2020 - 06:00

PNO - Nhiều bệnh nhân hoang mang trước thông tin ngừng viện trợ thuốc Glivec điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy sau 2 tháng nữa.

Vẫn có thuốc cho người bệnh

Tiến sĩ  - bác sĩ Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) cho biết: "Không phải Công ty Novartis ngừng viện trợ thuốc Glivec mà do chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư đến ngày 31/12 là hết hiệu lực. Hiện nay Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và Công ty Novartis đang làm việc để có giải pháp lâu dài cho bệnh nhân. Trong 1 vài ngày tới sẽ có công văn tạm thời gia hạn chương trình này, bệnh nhân sẽ tiếp tục có thuốc điều trị".

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế, thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân trong 2 tháng kế tiếp (tháng 1 và 2/2020). Đây là thời gian chờ sửa đổi Thông tư 30, theo hướng nhà sản xuất sẽ giảm giá thuốc xuống còn 65% so với hiện nay và phía bảo hiểm sẽ nâng tỉ lệ chi trả lên 80-100% tiền thuốc.

Chương trình viện trợ thuốc Glivec đã bắt đầu được thực hiện tại VN từ khoảng năm 2009-2010
Chương trình viện trợ thuốc Glivec bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 2009-2010

Trước đó, theo thông tin phản ánh từ nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy, liều dùng thuốc cho bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định giảm xuống tới 1/3, hoặc gần 50% ngày uống thuốc trong tháng. Nguyên nhân là từ 31/12/2019, nhà tài trợ Novartis cắt nguồn tài trợ thuốc.

Theo bác sĩ Khánh, đây là loại thuốc điều trị nhắm trúng đích cho bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy - một dạng ung thư máu mạn tính hoặc u đường tiêu hóa có di căn, có giá đắt, ước tính chi phí khoảng 500 triệu đồng/bệnh nhân/năm.

Không có thuốc Glivec, người bệnh điều trị bằng cách nào?

Đầu năm 2018 cũng từng xảy ra tình trạng hết thuốc Glivec viện trợ khiến gần 3.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc này trên cả nước lao đao. Nguyên nhân là do thay đổi về cơ chế cấp phép cho thuốc viện trợ.

Theo các bác sĩ điều trị, thuốc Glivec hiện không có thuốc thay thế, song bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều. Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế.

đây là loại thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy - một dạng ung thư máu mạn tính hoặc u đường tiêu hóa có di căn
Glivec là loại thuốc điều trị nhắm trúng đích cho bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy - một dạng ung thư máu mạn tính hoặc u đường tiêu hóa có di căn

Theo bác sĩ Khánh, chương trình viện trợ thuốc Glivec bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 2009-2010, đến nay số lượng bệnh nhân thay đổi theo từng năm, nhưng đã có khoảng 3.000 bệnh nhân được tham gia chương trình.

Trước đây khi chưa có Glivec, biện pháp duy nhất để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân là ghép tủy. Với liệu pháp này, 60% bệnh nhân có thể sống thêm được từ 10 năm nhưng họ luôn đối mặt với những biến chứng. Nếu không ghép tủy (chỉ được điều trị duy trì để giảm số lượng tế bào ung thư trong máu), bệnh nhân hầu hết không sống thêm quá 3 năm kể từ khi mắc bệnh. 

Thuốc Glivec ra đời năm 2006 và khoảng 60% bệnh nhân dùng thuốc từ năm 2006 đến nay vẫn sống khỏe mạnh.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI